Hiện nay, chất lượng công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đồng Nai đã triển khai nhiều phương thức cai nghiện ma túy hiệu quả giúp người nghiện dần tránh xa ma túy, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cai nghiện ma túy, Đồng Nai vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hiện nay, chất lượng công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đồng Nai đã triển khai nhiều phương thức cai nghiện ma túy hiệu quả giúp người nghiện dần tránh xa ma túy, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cai nghiện ma túy, Đồng Nai vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bài 1: Nỗ lực “kéo” người nghiện thoát khỏi ma túy
Toàn tỉnh hiện có số lượng người nghiện ma túy khá đông với hơn 4,5 ngàn người (quý I-2019 tăng khoảng 200 người nghiện). Trung bình số người nghiện ma túy mỗi năm tăng khoảng 500 người. Trước tình hình đó, Đồng Nai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế, kéo giảm số người nghiện ma túy, trong đó có việc triển khai hiệu quả công tác cai nghiện ma túy.
* Nhiều phương thức cai nghiện
Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đang điều trị nghiện ma túy cho gần 750 học viên, phần lớn thuộc diện cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân các huyện, thành phố ra quyết định xử lý.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ, động viên các học viên học nghề để có cơ hội hòa nhập cộng đồng |
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai cho biết, sau sự việc người nghiện bỏ trốn khỏi trung tâm vào năm 2016 vì quá tải, đơn vị đã tiến hành tu sửa, gia cố lại cơ sở vật chất đã xuống cấp. Việc tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy cũng hạn chế vì phải đảm bảo không vượt quá số lượng theo quy định của đơn vị (khoảng 750 người) và thực hiện đúng quy trình cai nghiện.
“Sau khi tập trung cai nghiện từ 18-24 tháng, phần lớn người nghiện hầu như không còn lệ thuộc các chất ma túy. Các học viên còn được học các nghề: cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp và dân dụng để có tay nghề, dễ dàng xin việc làm, hòa nhập cộng đồng” - ông Hồ Trí Lịch cho biết.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, hiện nay tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện vẫn còn cao. Cụ thể tỷ lệ tái nghiện sau 1 năm cai nghiện là 30%, sau 2 năm cai nghiện là 50% và sau 5 năm cai nghiện lên đến trên 80%. |
Điển hình như ông Lý Hùng Dũng (50 tuổi, ngụ huyện Tân Phú), sau khi được gia đình đưa vào cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, với sự hỗ trợ của bác sĩ ở trung tâm, quyết tâm của bản thân cùng sự giúp đỡ của gia đình, ông đã từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời.
Ngoài ra, Đồng Nai còn triển khai hiệu quả chương trình cai nghiện ma túy bằng methadone. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có hơn 1,3 ngàn người điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone tại 7 cơ sở điều trị ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai và 6 địa phương (TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom).
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Khoa Phòng chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, việc điều trị bằng methadone đã giúp cho nhiều người nghiện ngừng sử dụng hoặc giảm đáng kể lượng heroin phải sử dụng; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác qua con đường tiêm chích; nhiều bệnh nhân không còn bị những cơn vật vã và có thể lao động, sinh hoạt bình thường; không còn áp lực kiếm tiền mua ma túy về sử dụng.
* Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện ma túy. Toàn tỉnh có hơn 4,5 ngàn người nghiện ma túy. Trong đó, đang cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai chỉ gần 750 người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở là gần 300 người; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là gần 500 người. Như vậy, số người nghiện ở ngoài xã hội vẫn còn nhiều.
Nhiều người nghiện heroin được điều trị cai nghiện bằng methadone đã không còn cảm giác thèm nhớ ma túy. Trong ảnh: Bệnh nhân uống methadone tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: T.TÂM |
Một trong những nguyên nhân là do quy mô của Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai không đáp ứng hết nhu cầu cai nghiện. Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai chỉ có quy mô khoảng 750 học viên. Bên cạnh đó, không phải người nghiện ma túy nào cũng đủ điều kiện để được vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Theo Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 221 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, sau khi đã xác định tình trạng nghiện sẽ được bàn giao cho gia đình, địa phương quản lý trong thời gian từ 3-6 tháng, trường hợp tái nghiện mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đáng chú ý hiện nay số người nghiện ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc...) ngày càng nhiều, chiếm 80% tổng số người nghiện trên địa bàn tỉnh. Việc lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi sức khỏe cho nhóm người nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Quốc Lộc, phụ trách chuyên môn Cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone huyện Định Quán cho biết, việc điều trị bằng methadone đạt hiệu quả cao với người sử dụng heroin, nhưng đối với các chất ma túy tổng hợp thì không có tác dụng.
“Người sử dụng đơn thuần heroin không nhiều, chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp. Một số bệnh nhân sau khi điều trị bằng methadone ổn định lại có xu hướng chuyển sang dùng các loại ma túy tổng hợp, nhất là ma túy “đá” nên việc điều trị khó khăn, nguy cơ tái nghiện cao” - bác sĩ Lộc cho hay.
Đồng Nai cũng đã triển khai cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với gần 500 người nghiện được quản lý. Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa đạt hiệu quả và còn mang tính hình thức do những người trong tổ công tác cai nghiện đều làm công tác kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian quan tâm đến người nghiện. Ngoài ra, người nghiện không được cắt cơn, giải độc đúng phác đồ điều trị mà chỉ tự mình cai nghiện với sự hỗ trợ của gia đình nên hầu như không có khả năng từ bỏ ma túy.
Tố Tâm
Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc