Đảo Năm Bầu (thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cách đất liền khoảng 3km, là một trong số 76 đảo trên lòng hồ Trị An (diện tích hơn 32 ngàn hécta). Đảo vốn là gò đất còn sót lại sau khi ngăn dòng chảy sông Đồng Nai làm Nhà máy thủy điện Trị An. Hơn 32 năm qua, trên hòn đảo rộng khoảng 4,2 hécta này chỉ có duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi) sinh sống.
Đảo Năm Bầu (thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cách đất liền khoảng 3km, là một trong số 76 đảo trên lòng hồ Trị An (diện tích hơn 32 ngàn hécta). Đảo vốn là gò đất còn sót lại sau khi ngăn dòng chảy sông Đồng Nai làm Nhà máy thủy điện Trị An. Hơn 32 năm qua, trên hòn đảo rộng khoảng 4,2 hécta này chỉ có duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi) sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Long (giữa) trò chuyện với cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai |
Ông Long kể, sở dĩ đảo có tên Năm Bầu là do tên thường gọi của ông là Năm, lúc mới lên đảo vợ ông đang có bầu. Do đó, người dân trong vùng gọi nơi vợ chồng ông ở là đảo Năm Bầu để phân biệt với các đảo khác trên lòng hồ Trị An.
*
Bám đảo mưu sinhNgồi trong căn chòi sát bờ hồ, với chất giọng miền Tây đặc sệt, ông Long kể từ năm 1983, lúc lòng hồ Trị An vẫn chỉ là một rừng cây, ông theo người thân từ tỉnh Long An lên khu vực rừng Mã Đà để khai hoang, đốn củi kiếm sống.
Ông Trương Đình Minh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, gia đình ông Long sinh sống trên đảo đã từ lâu nên hiểu hết các đặc điểm của lòng hồ Trị An. Mỗi khi phát hiện vấn đề gì xảy ra trên hồ và đảo thì ông Long đều gọi điện báo để các cán bộ kiểm lâm có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản. |
“Lúc đó chúng tôi dựng lều trên rừng để ở tạm. Mãi đến năm 1984, khi Nhà nước ngăn dòng sông Đồng Nai để làm hồ Trị An, khu đất rừng mà chúng tôi ở biến thành một hòn đảo nên mọi người chuyển dần lên trên đảo sinh sống” - ông Long cho biết.
Ngày đó, cuộc sống của ngư dân trên đảo chủ yếu trồng mía, bắp, mì; đốn củi và đánh bắt cá dưới hồ để mưu sinh. Cuộc sống trên đảo rất khó khăn, thiếu thốn, sinh hoạt, đi lại bất tiện nên nhiều người quay về đất liền để sinh sống, chỉ còn vợ chồng ông Long bám trụ ở đảo cho đến tận bây giờ.
Bà Trần Thị Thanh Nga (58 tuổi, vợ ông Long) tâm sự: “Ngày đó gặp nhau trên đảo rồi ổng ngỏ lời thương nên tui nhận lời. Do nghèo quá, cứ thế về sống chung với nhau chớ đâu có mâm cơm nào ra mắt họ hàng”.
Hàng chục năm trời sống trong cảnh không có điện, vợ chồng ông Long phải dùng đèn dầu hoặc vào đất liền để sạc bình. Nước ăn uống thì ông bà hứng nước mưa dùng. Vì quá khó khăn nên sau khi sinh 2 người con gái, ông bà gửi về quê ở tỉnh Long An cho người thân trông nom giúp, chỉ có người con trai út được ở lại đảo với cha mẹ nhưng hiện nay cũng đã thuê nhà trên đất liền để đi làm.
Dù cuộc sống giữa vùng nước mênh mông đầy khó khăn nhưng vợ chồng ông Long vẫn không nản lòng. Vợ chồng ông đã bỏ công sức để cải tạo đảo thành vườn điều, xoài trĩu quả, những khu chăn nuôi đặc sản như: heo rừng lai, gà vườn... Để lấy ngắn nuôi dài, ông bà vẫn làm nghề chài lưới để mưu sinh. Nhờ đó cuộc sống dần ổn định hơn.
* Du lịch xanh trên lòng hồ Trị An
Ông Long nhớ lại 5 năm về trước, có vài vị khách đi thuyền ghé đảo Năm Bầu chơi và gợi ý cho ông bà về việc làm du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Thấy nhiều vị khách đến tham quan cũng tỏ ra thích thú cảnh quan và nét hoang sơ trên đảo nên ông Long đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch vườn. Ông dựng vài căn chòi cho khách nghỉ dưỡng và mua tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ nước sinh hoạt, tưới cây thoải mái.
Ông Nguyễn Văn Long tự đan lưới để bắt cá. Ảnh: T.TÂM |
Nhờ nhiều người giới thiệu, đảo Năm Bầu ngày một đông khách đến tham quan và ở lại vào những ngày cuối tuần. “Khách đến đa phần là các gia đình hoặc nhóm bạn trẻ thích nét hoang sơ và không khí trong lành. Chủ yếu là những người thành phố muốn xa chốn ồn ào nên về đây vài hôm cho thoải mái” - ông Long nói.
Nguồn thức ăn phục vụ khách chủ yếu là gà thả vườn, heo trong chuồng, cá tự đánh bắt và trái cây là xoài cho khách tự hái. Khi khách có nhu cầu thêm về thức ăn khác thì bà Nga sẽ chèo thuyền vào đất liền để mua về chế biến. Mỗi khách nghỉ qua đêm giá chỉ 50 ngàn đồng/người, tiền thức ăn giá cũng rất bình dân.
Ngoài những ngày cuối tuần tất bật đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, hằng ngày vợ chồng ông Long vẫn thư thả với công việc quen thuộc. Ông chèo thuyền đi lưới cá, còn bà chèo thuyền chở cháu nội là bé Hiếu, 5 tuổi lên bờ đi học lớp mầm non. Chiều 2 ông cháu lại ra sông tắm. Tiếng cười giòn tan của bé Hiếu giúp cuộc sống của ông bà trở nên vui vẻ hơn, xua tan những lo toan của cuộc sống.
Ông Long bộc bạch: “Chúng tôi muốn ở lại để giữ gìn hòn đảo này không để người ta gây hư hại đến cảnh quan thiên nhiên. Để cải tạo hòn đảo này, vợ chồng tôi đã phải lao động cật lực suốt mấy chục năm nay nên tôi hy vọng con cháu của mình cũng sẽ tiếp tục được sống nơi đây và giữ gìn sự bình yên, hoang sơ của hòn đảo”.
Theo lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đơn vị đang xin UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để quản lý các hòn đảo trong lòng hồ Trị An, trong đó có đảo Năm Bầu. Sau đó đơn vị sẽ ký hợp đồng với người dân sống lâu năm trên đảo và có định hướng khai thác để kết nối với Khu bảo tồn tạo thành một chuỗi du lịch sinh thái trên hồ Trị An.
Tố Tâm