Một trong những nét rất đặc trưng của Côn Đảo (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là những cây bàng cổ thụ hiện diện ở khắp nơi, từ những con đường trung tâm thị trấn Côn Sơn đến các di tích nhà tù, công viên, trường học...
Một trong những nét rất đặc trưng của Côn Đảo (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là những cây bàng cổ thụ hiện diện ở khắp nơi, từ những con đường trung tâm thị trấn Côn Sơn đến các di tích nhà tù, công viên, trường học...
Những cây bàng cổ thụ đặc trưng trên tuyến đường Lê Duẩn ở thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Đ.Ngọc |
Theo Ban Quản lý di tích Côn Đảo, toàn huyện có 53 cây bàng cổ thụ được công nhận là “cây di sản” vào năm 2012. Phần lớn các cây bàng cổ thụ này có tuổi đời hơn 100 năm (tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù vào năm 1862).
* Ấn tượng với “cây di sản”
Du khách đến tham quan Côn Đảo đều ngạc nhiên, thích thú khi ngắm nhìn những cây bàng cổ thụ cao to, sừng sững, thân cây sần sùi, gốc cây xù xì lồi ra nhiều “ung bướu” tạo nên những hình thù khác lạ, ngộ nghĩnh.
“Cây di sản” là những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ. Việc tuyển chọn, vinh danh Cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ tài nguyên - môi trường Việt Nam công nhận nhằm nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam... |
2 tuyến đường có nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận “cây di sản” nhiều nhất đảo là Tôn Đức Thắng (19 cây) và Lê Duẩn (11 cây). Đây cũng là 2 tuyến đường trung tâm của thị trấn Côn Sơn, đi đến các di tích lịch sử ở Côn Đảo như: hệ thống nhà tù chính trị, nhà chúa đảo, cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này). Do đó, hằng ngày đều có rất đông du khách dừng lại ven các con đường này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hàng cây bàng cổ thụ và chụp ảnh lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Trúc Phương (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Lần đầu tiên ra Côn Đảo, tôi rất ấn tượng với hàng cây bàng cổ thụ vì tôi chưa từng thấy cây bàng nào ở trên đất liền to cao như vậy. Mặc cho bão táp phong ba, cả trăm năm qua cây bàng vẫn vươn lên mạnh mẽ, xanh tươi như biểu tượng cho ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng yêu nước năm xưa trước đòn roi, tra khảo của bọn quản ngục”.
Vừa lái xe điện chở chúng tôi tham quan một vòng Côn Đảo, anh Phạm Văn Linh (ngụ thị trấn Côn Sơn) cho biết, hình ảnh cây bàng cổ thụ rất thân thuộc, gần gũi với người dân ở Côn Đảo. Nhờ những cây bàng cổ thụ mọc khắp nơi trên đảo đã xoa dịu phần nào cái nóng oi ả của mùa hè. Vào mùa mưa bão, những cây bàng trên đảo sừng sững, hiên ngang giống như “con đê” chắn sóng, cản gió, chở che cho người dân Côn Đảo, nhất là mùa gió chướng (bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 2 dương lịch hằng năm). Vào mùa gió chướng, sóng biển rất to, gió thổi vào đất liền mạnh.
* “Chứng nhân” lịch sử
Không chỉ đẹp và hữu ích, những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo còn được xem là “chứng nhân” lịch sử, gắn liền với ký ức của những người cựu tù chính trị năm xưa.
Một cây bàng cổ thụ rợp bóng mát trong Di tích Trại Phú Hải |
Ông Phan Hoàng Oanh, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo kể lại, ngày đó bọn cai ngục không từ một thủ đoạn nào để truy bức người tù chính trị. Thậm chí bọn chúng còn dùng những thủ đoạn thâm hiểm để hành hạ tù chính trị mà không cần đánh đập, trong đó có việc không cho người tù ăn rau trong nhiều tháng liền, làm rối loạn chức năng tiêu hóa, mắc nhiều căn bệnh tiêu hóa khiến sức khỏe của người tù dần suy kiệt.
“Ngày đó, người tù như chúng tôi thường dùng lá bàng non để ăn thay rau nhưng không phải ai cũng được ra ngoài để hái lá bàng. Những ngày bị giam ở Trại Phú Bình (chuồng cọp Mỹ), tôi được giao nhiệm vụ nấu ăn cho các tù chính trị nên hay được ra ngoài buồng giam. Mỗi lần như vậy tôi lại lén hái lá bàng non mang về cho đồng đội chia nhau ăn để có chất xơ, chống lại những căn bệnh tiêu hóa” - ông Phan Hoàng Oanh cho biết.
Ngày nay, người dân Côn Đảo còn dùng trái bàng để chế biến thành món ăn đặc sản như: hạt bàng rang, mứt hạt bàng... Bà Huỳnh Thị Kim Loan (ngụ thị trấn Côn Sơn) cho biết, từ khoảng cuối tháng 12 đến tháng 3 dương lịch, cây bàng Côn Đảo chuyển màu lá từ xanh thành đỏ rực. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây bàng ra lá non xanh mơn mởn. Từ tháng 6 đến tháng 9, cây bàng ra trái. Vào mùa bàng rụng trái, từ tháng 10 đến tháng 11 một số người dân Côn Đảo đi nhặt trái bàng về rang muối hoặc làm mứt.
Để làm được các món ăn từ trái bàng rất vất vả. Theo bà Loan, cực nhất là công đoạn nhặt trái bàng, thường phải dậy sớm từ 3-4 giờ sáng mới nhặt được nhiều trái (ban đêm trái bàng rụng nhiều, lại có ít người nhặt). Sau đó, công đoạn chặt trái bàng cũng không kém nhiêu khê vì trái bàng to nhưng hạt bàng rất nhỏ, chặt cả ngày mới được khoảng 1kg hạt bàng.
“Phơi hạt bàng vào mùa nắng còn đỡ cực, vào mùa mưa vừa phơi vừa canh chừng, nếu khi mưa không cất kịp, hạt bàng bị ẩm sẽ mọc mầm lên ngay. Cuối cùng là cách chế biến: rang muối hoặc ngào gừng. Tuy nhiên, việc rang hạt bàng mất khá nhiều thời gian. Rang cả tiếng mới xong 1 mẻ” - bà Loan nói.
Bà Loan cho hay, hạt bàng rang muối có giá khoảng 350 ngàn đồng/kg nhưng công sức bỏ ra quá nhiều nên ngày càng có ít người dân trên đảo làm nghề rang hạt bàng. Một số nhà thỉnh thoảng tự rang hạt bàng để làm quà gửi cho người thân, bạn bè ở đất liền.
Hiện nay, các cây bàng cổ thụ di sản của Việt Nam được người dân Côn Đảo gìn giữ, bảo vệ rất kỹ lưỡng. UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo đơn vị quản lý cây xanh của huyện thường xuyên thực hiện công tác chăm sóc, cắt tỉa cành, nhánh khô, xử lý những cây bị sâu bệnh, cây già cỗi, dễ gãy, đổ gây nguy hiểm cho người đi đường và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, phá hoại cây trồng. Nhờ đó những hàng cây bàng cổ thụ luôn tươi tốt, góp phần tạo nên không gian cổ kính, vốn rất riêng của Côn Đảo.
Đặng Ngọc