Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về những người mẹ nhiễm HIV sinh con khỏe mạnh

08:06, 28/06/2019

Trong thời gian qua, tại Đồng Nai, công tác điều trị bằng ARV (thuốc kháng virus HIV) cho mẹ và dự phòng cho trẻ đã đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, có một số trẻ em được sinh ra từ những người mẹ bị nhiễm HIV nhưng đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trong thời gian qua, tại Đồng Nai, công tác điều trị bằng ARV (thuốc kháng virus HIV) cho mẹ và dự phòng cho trẻ đã đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, có một số trẻ em được sinh ra từ những người mẹ bị nhiễm HIV nhưng đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

 Bác sĩ Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai tư vấn cho một phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Ảnh: T.TÂM
Bác sĩ Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai tư vấn cho một phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Ảnh: T.TÂM

 Bà M.T.P. (ngụ huyện Vĩnh Cửu) kể lại, khi còn trẻ, bà bị lây nhiễm HIV từ người yêu. Sau khi người yêu của bà qua đời, bà P. vẫn tham gia điều trị ARV đều đặn. Đến năm 2013, bà kết hôn với ông T.  Khi biết vợ chồng bà P. muốn sinh con, các bác sĩ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai cũ (nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã tư vấn giúp bà P. điều trị dự phòng lây nhiễm HIV sang con và đã thành công.

* Vỡ òa hạnh phúc

Nhờ điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế nên bà P. sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Bà P. tâm sự: “Ngày biết tin con mình không bị nhiễm HIV, vợ chồng tôi đã ôm con khóc nức nở vì quá xúc động. Với tôi đây quả thực là một phép màu, giúp chúng tôi có đủ nghị lực để tiếp tục sống lạc quan vì con”.

 Theo bác sĩ Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai: “Chúng tôi mong muốn tất cả phụ nữ mang thai đều có thể tầm soát HIV để phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Tốt nhất trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai, phụ nữ nên xét nghiệm sàng lọc HIV càng sớm càng tốt. Nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và lúc sinh; đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị HIV trong 4-6 tuần thì nguy cơ lây truyền mẹ con chỉ còn từ 2-5%, có thể được giảm xuống 0%”.

Cũng nhờ tuân thủ điều trị ARV, bà P. không lây nhiễm HIV cho chồng và con. Đến nay, con gái đầu lòng của bà P. đã 4 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Bà P. cho biết, nhờ điều trị ARV nên hàm lượng virus HIV trong cơ thể của bà giảm mạnh nên nguy cơ truyền virus HIV sang chồng và con rất thấp. Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, trong sinh hoạt gia đình, bà cũng rất kỹ lưỡng để tránh lây nhiễm bệnh cho chồng và con.

Bà T.M.T. (35 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, cách đây 10 năm, bà gần như suy sụp và tuyệt vọng khi phát hiện mình bị nhiễm HIV khi đang mang thai con đầu lòng. Sau đó, chồng bà đi xét nghiệm cũng bị nhiễm HIV.

“Nhà thì nghèo lại xa cơ sở y tế nên rất hoang mang. May nhờ được các bác sĩ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai (cũ) an ủi, động viên, hướng dẫn tôi điều trị bằng ARV nên vợ chồng tôi đã sinh được con trai khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ” - bà T. cho hay.

Đến nay, vợ chồng bà vẫn tham gia điều trị ARV đều đặn. Bà T. bộc bạch: “Nhìn con trai ngày càng khôn lớn, khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ chính là động lực cho vợ chồng tôi sống vui vẻ, lo làm ăn để nuôi con”.

* Điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao

Bác sĩ Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV. Do đó, nếu không được điều trị sớm thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con rất cao. Thuốc ARV có tác dụng ngăn sự nhân lên của virus HIV, từ đó làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể bệnh nhân và giảm khả năng lây truyền cho người khác.

 Vợ chồng bà T.M.T. (huyện Vĩnh Cửu) vui mừng khi con không lây nhiễm HIV từ mẹ
Vợ chồng bà T.M.T. (huyện Vĩnh Cửu) vui mừng khi con không lây nhiễm HIV từ mẹ

“Với người mẹ bị nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, lượng virus HIV trong cơ thể người mẹ sẽ giảm, nguy cơ truyền virus sang con cũng giảm xuống. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ” - bác sĩ Nguyễn Giỏi nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Đồng Nai có 10 trẻ em được sinh ra từ những người mẹ bị nhiễm HIV và đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Các trường hợp này đều tham gia điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ sớm.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quyết, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV càng sớm thì tỷ lệ lây nhiễm cho con càng thấp. Tuy nhiên không phải phụ nữ mang thai nào cũng quan tâm đến việc tầm soát HIV sớm để phát hiện và điều trị dự phòng. Cũng có những người sau khi kiểm tra biết mình nhiễm HIV nhưng họ không tin nên không điều trị. Điều này đòi hỏi những người làm công tác phòng chống HIV phải tận tâm, gần gũi, tư vấn và thuyết phục bệnh nhân hiểu để tham gia điều trị sớm.

Bác sĩ Quyết kể, vào cuối năm 2018, có một người phụ nữ mang thai sau khi xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV nhưng khuyên nhiều lần vẫn không chịu điều trị. “Chúng tôi đã rất khó khăn để thuyết phục chị ấy tham gia điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Tôi khuyên chị ấy hãy làm tất cả vì con và cuối cùng chị này đã đồng ý. Nhờ người mẹ tuân thủ điều trị nên trẻ sinh ra không bị lây nhiễm HIV và hiện vẫn sống khỏe mạnh nên chúng tôi rất vui” - bác sĩ Quyết kể lại.

Chị Đào Thị Lệ Nữ, hộ sinh Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai bộc bạch, chỉ có tham gia vào quá trình điều trị và tư vấn cho người mẹ nhiễm HIV mới hiểu được cảm giác chờ đợi đứa trẻ sinh ra và niềm vui nhân lên khi biết những đứa bé không bị nhiễm bệnh từ mẹ. Đây là món quà quý giá nhất mà những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS nhận được.

Tố Tâm

Tin xem nhiều