Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện Tổng đài 114 và những người "thích đùa dai"

09:06, 16/06/2019

Chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường, thế nhưng Tổng đài 114 (số điện thoại khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) ở Đồng Nai lại tiếp nhận nhiều tin quấy rối, chọc phá, trong đó có không ít cuộc gọi báo cháy giả.

Chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường, thế nhưng Tổng đài 114 (số điện thoại khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) ở Đồng Nai lại tiếp nhận nhiều tin quấy rối, chọc phá, trong đó có không ít cuộc gọi báo cháy giả.

Cán bộ, chiến sĩ  xử lý tin báo của người dân qua Tổng đài 114. Ảnh: M.Thành
Cán bộ, chiến sĩ xử lý tin báo của người dân qua Tổng đài 114. Ảnh: M.Thành

Mỗi ngày, Tổng đài 114 thuộc Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh nhận khoảng 50-70 cuộc gọi quấy rối, chọc phá, báo cháy giả, gọi nhầm... Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà có thể gây ra hậu quả khôn lường, thiệt hại đến công tác PCCC.

* Gọi 114 để... tâm sự đêm khuya

Theo một số cán bộ của Trung tâm 114, các cuộc gọi chọc phá, gọi nhầm diễn ra nhiều nhất là từ gần nửa đêm đến gần sáng. Hằng ngày, sau 23 giờ, 2 điện thoại trực của Trung tâm 114 vẫn nhận được nhiều cuộc điện thoại “rác” gọi đến Tổng đài 114. Vào tầm giờ này, rất hiếm cuộc gọi đến báo tin cháy mà phần lớn nội dung gọi đến để báo chuyện đua xe mất trật tự, chuyện cấp cứu do nhớ nhầm Tổng đài 114 là Tổng đài 113 (số điện thoại khẩn cấp về tình hình an ninh trật tự), 115 (số điện thoại khẩn cấp trên lĩnh vực cấp cứu, y tế).

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết để hạn chế tình trạng quấy rối, báo tin cháy giả đến Tổng đài 114, đơn vị sẽ tiếp tục truy tìm các đối tượng quấy rối từ số điện thoại gọi đến tổng đài để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời sẽ nâng cao ý thức cho người dân bằng cách tuyên truyền về tác hại cũng như chế tài sẽ gặp phải đi gọi báo tin cháy giả.

Thượng úy Trương Nhật Minh, cán bộ có 8 năm làm công tác trực Tổng đài 114 cho hay: “Thông thường các cuộc gọi đến Tổng đài 114 rơi vào 3 trường hợp, thứ nhất là báo cháy, thứ hai là lỗi kỹ thuật của nhà mạng, thứ ba là chọc phá, trong đó lỗi kỹ thuật và chọc phá là nhiều nhất. Nhiều người gọi đến với giọng nói đùa cợt, cười khúc khích hoặc chỉ im lặng. Thậm chí có người gọi điện tới chỉ để nói chuyện lúc nửa đêm...

Trong các trường hợp gọi báo cháy, nếu cán bộ trực nghi ngờ là báo cháy giả sẽ dùng một số câu hỏi nghiệp vụ xác minh nhanh tại chỗ. Thông thường các vụ cháy thật sẽ có nhiều cuộc gọi báo cháy cùng một thời điểm. Người báo tin cháy thật thường nói chuyện với giọng hốt hoảng, xung quanh có nhiều tiếng la hét; còn báo tin cháy giả thường nói với giọng cười cợt, thông tin không cụ thể, rõ ràng về địa điểm xảy ra cháy...”.

* Cần xử lý nghiêm

Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Phó đội trưởng Đội Công tác CC&CNCH cho biết, khi có bất cứ số điện thoại nào gọi đến, cán bộ trực phải nghe. Thậm chí có số điện thoại thường xuyên gọi đến chọc phá nhiều lần đến mức cán bộ trực nhớ luôn số điện thoại nhưng vẫn phải nghe máy. Theo nguyên tắc cán bộ trực tổng đài không được phép chặn bất kỳ số nào hoặc từ chối nghe cuộc gọi nào, đề phòng trường hợp có cháy thật xảy ra phải ứng cứu kịp thời. Vì nếu để sót một tin cháy nào sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như: triển khai chữa cháy chậm khiến đám cháy bùng phát, vượt quá tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến tính mạng người dân...

“Tin báo cháy giả là hành vi mang tính phá hoại, hết sức nguy hiểm bởi nó không chỉ làm tốn nguồn lực, nhân lực mà còn có thể dẫn đến việc chỗ cháy thật thì lực lượng chức năng không tới được mà phải điều con người, xe tới những chỗ cháy giả. Hành vi gọi điện thoại tới Tổng đài 114 để quấy rối, báo cháy giả có thể chiếm dụng đường dây điện thoại dẫn đến tổng đài không tiếp nhận được những cuộc báo cháy thật để xử lý kịp thời” - Thiếu tá Sơn phân tích.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, vừa qua có một trường hợp báo cháy giả tại huyện Nhơn Trạch đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra xử lý nghiêm. Từ khi thành lập Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (từ tháng 9-2018) đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì báo tin cháy giả.

Nói về khó khăn trong xử lý tin báo giả, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho hay: “Nhiều cuộc gọi báo cháy giả đến từ các sim rác, dù đã liên hệ với các nhà mạng liên quan nhưng không tìm ra được chủ thuê bao. Chúng tôi đang phối hợp với các nhà mạng để tìm ra phương án xử lý rốt ráo vấn đề này”.

Hiện nay, đối với hành vi gọi điện báo cháy giả chỉ mới dừng lại ở xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó quy định phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc cố tình gọi đến Tổng đài 114 quấy rối, báo giả thông tin có thể sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng việc chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi coi thường pháp luật này cao nhất chỉ 5 triệu đồng là quá thấp. Do đó, tăng tính răn đe, giáo dục, hạn chế tình trạng vi phạm cũng như tái phạm, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm còn phải tăng nặng việc xử phạt đối với những trường hợp cố tình quấy rối, báo tin cháy giả. Đối với những trường hợp cố tình quấy rối, báo tin cháy giả, đã xử phạt hành chính nhiều lần mà vẫn tái phạm, mức độ nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Minh Thành

Tin xem nhiều