Đối với các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, những năm tháng hoạt động, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là những năm tháng chiến đấu ác liệt,...
Đối với các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, những năm tháng hoạt động, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là những năm tháng chiến đấu ác liệt, là tinh thần chiến đấu kiên cường, vượt mọi hiểm nguy, không ngại hy sinh để xây dựng và bảo vệ tuyến đường chi viện cho quân giải phóng miền Nam.
Các cựu chiến binh trong Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Đồng Nai cùng ôn lại kỷ niệm của một thời “xẻ dọc” Trường Sơn đi cứu nước. Ảnh: Đăng Tùng |
Đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ quan trọng này chính là Bộ Tư lệnh Trường Sơn (tiền thân là Đoàn 559) với quy mô rất lớn. Trong giai đoạn giữa năm 1974, Bộ Tư lệnh có 9 sư đoàn cùng 21 trung đoàn trực thuộc với quân số khoảng 100 ngàn người và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.
* Tuyến lửa ác liệt
Năm nào cũng vậy, cứ giữa tháng 5, các thành viên trong Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Đồng Nai lại gặp gỡ để chuẩn bị cho buổi họp mặt chính thức vào ngày 19-5 (ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn).Trong câu chuyện chứa đầy kỷ niệm về một thời trai trẻ, tất cả chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đều cùng nhắc đến những lần oanh tạc của máy bay địch.
Những người lính Trường Sơn đều từng đối mặt trước lằn ranh sống - chết khi máy bay địch liên tục quần thảo, đánh bom bất kể ngày đêm. Sự nguy hiểm của máy bay địch thể hiện rõ trong 2 năm 1971 và 1972, các đơn vị vận tải trên đường Trường Sơn bị địch bắn hỏng khoảng 4 ngàn xe.
Trong 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn đã được xây dựng thành mạng lưới giao thông liên hoàn với 216 con đường, có chiều dài hơn 20 ngàn km. Riêng tuyến đường ống xăng dầu đoạn qua Trường Sơn dài 1,7 ngàn km cùng một hệ thống kho chứa nhiên liệu gần 30 ngàn tấn. Trên tuyến đường Trường Sơn, quân đội đã đưa vào chiến trường 3 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, quân dụng và 5,5 triệu lít xăng dầu; đưa đón hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào Nam, ra Bắc. |
Ông Dương Văn Ổn (66 tuổi, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa, từng công tác tại Cục Xe - máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng) vẫn nhớ như in quãng thời gian ác liệt khi lái xe trên đường Trường Sơn chở hàng hóa, phương tiện từ khu vực miền Bắc đến tỉnh Quảng Bình những năm 1971-1972.
“Áp lực của máy bay địch đánh phá các đoàn xe vận tải là rất lớn, mà mỗi khu vực chúng lại có một kiểu đánh phá khác nhau. Do đó, chúng tôi có nhiều cách để đối phó. Xe chủ yếu chạy ban đêm để đảm bảo an toàn. Khi chạy, xe không bật đèn pha mà chỉ có một đèn nhỏ bật dưới gầm để thấy đường, đêm nào có trăng sáng thì không bật đèn nữa. Nhiều con đường đi qua, mặt đất đầy những hố bom sâu phải có sự giúp đỡ của các thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ dẫn đường, phá bom chưa nổ, đưa xe qua các ngầm, suối... tất cả đều đảm bảo an toàn cho hàng hóa, phương tiện được chuyển vào chiến trường” - ông Ổn kể lại.
Trước sự đánh phá ác liệt của máy bay địch, để tăng cường lực lượng phòng không trên đường Trường Sơn, giữa năm 1971, Sư đoàn Phòng không 377 được Bộ Quốc phòng điều động trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn; đồng thời bổ sung thêm 728 khẩu pháo phòng không các loại, 20 ngàn chiến sĩ và 15 ngàn thanh niên xung phong cho Trường Sơn. Đây là những đơn vị sát cánh cùng lực lượng vận tải, giao liên, “chia lửa” cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... với nhiệm vụ bắn hạ máy bay địch, bảo vệ tuyến đường không bị đánh phá bởi bom, pháo.
Là một trong những người lính cao xạ bảo vệ đường Trường Sơn suốt 4 năm (1971-1975), ông Nguyễn Văn Tân (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, từng là chiến sĩ thuộc Sư đoàn Phòng không 377) cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực bến phà Gianh (tỉnh Quảng Bình) và các phương tiện qua lại.
Ông Tân cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi và bắn hạ máy bay địch nên phải chia nhau ngồi vững trên mâm pháo sẵn sàng chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Lúc máy bay địch quần thảo trên trời, chúng tôi không sợ mà ai nấy đều nghĩ sẽ hy sinh đến người cuối cùng để bắn hạ máy bay địch. Ngồi trên mâm pháo canh máy bay địch chính chúng tôi cũng trở thành mục tiêu cho các máy bay địch tấn công. Nguy hiểm là thế nhưng thế hệ chúng tôi chưa bao giờ biết chùn bước trước kẻ thù”.
* Vượt qua gian khó
Trên tuyến đường Trường Sơn, để làm tốt việc chuyển quân, đảm bảo hậu cần cho các đoàn quân vào Nam ra Bắc là hệ thống 13 binh trạm với 60 trạm giao liên cấp Đại đội, bên cạnh đó còn 13 trạm giao liên cơ giới, 3 trạm giao liên thuyền. Các trạm này cung cấp giao liên dẫn đường, gạo, chăm sóc y tế, chuyển thư từ... góp phần giúp các đơn vị di chuyển trên tuyến đường này được thuận lợi, an toàn. Những giao liên nơi đây phải thông thuộc đường sá, biết nơi nào thường bị đánh bom, biết cách xử lý những sự cố bất ngờ để vừa đảm bảo đoàn quân đến trạm kế tiếp an toàn, vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân.
Các đoàn xe vận tải chuyển vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
Ông Nguyễn Mạnh Tuyên (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) từng làm giao liên ở Binh trạm 35 (phía Tây tỉnh Quảng Trị) trong những năm 1966-1967 kể lại, giao liên ngày ấy đi bộ, trạm này cách trạm kia gần 20km. Nhiều lần các đơn vị hành quân đang di chuyển thì bị địch tấn công, nhiều chiến sĩ bị thương hoặc bị bệnh phải nằm lại ở các trạm để được chăm sóc.
“Khó có thể diễn tả hết nguy hiểm trong rừng nhiệt đới, ngoài các loại rắn, côn trùng thì muỗi truyền bệnh sốt rét cũng là mối nguy hiểm lớn của bộ đội Trường Sơn vì thời gian đó lương thực, thuốc men rất thiếu thốn. Nhiều chiến sĩ hy sinh vì bị căn bệnh sốt rét hành hạ” - ông Tuyên nhớ lại.
Ông Nguyễn Đại Phong (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Đồng Nai tự hào cho biết, mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Trường Sơn vẫn không ngừng được củng cố, vươn xa, đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến. Đó là sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn hình thành từ sự chiến đấu kiên cường của các đơn vị trên các tuyến đường Trường Sơn và sự đóng góp của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bảo vệ tuyến đường, góp phần cho thắng lợi lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Minh Thành