60 năm trôi qua, ông Lê Thanh Huyền (80 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, nguyên là chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai) vẫn không thể quên những buổi đầu mở đường Trường Sơn huyền thoại...
60 năm trôi qua, ông Lê Thanh Huyền (80 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, nguyên là chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai) vẫn không thể quên những buổi đầu mở đường Trường Sơn huyền thoại (sau này là đường Hồ Chí Minh).
Ông Lê Thanh Huyền (phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Đăng Tùng |
Ông Lê Thanh Huyền kể lại, đầu năm 1959 ông nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau 3 tháng được huấn luyện ở Trung đoàn 9 Sư đoàn 325 (Quân đoàn 4) tại khu vực đồi Vĩnh Tuy (tỉnh Quảng Bình), ông cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lên đường thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt là mở đường Trường Sơn.
* Buổi gặp gỡ đặc biệt
Một sự kiện khiến ông Lê Thanh Huyền không thể quên được đó là một ngày trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này, đơn vị của ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Buổi nói chuyện được Đại tướng bắt đầu bằng những lời động viên, khích lệ các chiến sĩ đã hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới. Tiếp đó, Đại tướng thông báo đôi nét tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
Ông Lê Thanh Huyền bộc bạch : “60 năm trôi qua, tôi vẫn thấy đường Trường Sơn là một sáng tạo chiến lược của Đảng, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc. Đường Trường Sơn không chỉ đơn thuần là một tuyến đường vận tải chiến lược mà còn là một chiến trường, một mặt trận chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia”. |
Cả đơn vị của ông Huyền đã rất xúc động khi nghe Đại tướng kể, trước lúc vào trong Khu 4 công tác, Đại tướng có sang báo cáo với Bác Hồ. Bác đã ân cần dặn dò Đại tướng cho Bác gửi lời chúc sức khỏe và động viên chiến sĩ, đồng bào ra sức thi đua lao động sản xuất làm nhiều lúa gạo, khoai sắn, sản vật khác để có cái ăn, cái mặc, cuộc sống luôn được cải thiện. Bác cũng gửi lời chúc cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội, công an vũ trang hăng say rèn luyện, chắc tay súng bảo vệ non sông, đất nước, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ thù.
Ông Huyền còn nhớ trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, Đại tướng thông báo nhiệm vụ mới của đơn vị và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tiếp theo của các đồng chí cũng không kém phần quan trọng, đó là mở “con đường chiến lược”. Con đường này hôm nay là đơn sơ, chật hẹp, bí mật quốc gia nhưng tương lai sẽ rộng mở huy hoàng đón bạn bè bốn phương. Tất cả điều đó đang chờ bàn tay, khối óc, ý chí và nghị lực của toàn dân tộc mà hiện tại các đồng chí là những người lính xung kích trên mặt trận này”.
Tiếp đó, Đại tướng đi khắp các hàng quân, bắt tay động viên từng người trong đơn vị của ông Huyền. Cuộc nói chuyện diễn ra chỉ hơn một tiếng đồng hồ nhưng đã chuyển tải đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhiều thông tin quý giá, sự động viên tinh thần to lớn. Ngay ngày hôm sau, cả đơn vị của ông Huyền đội ngũ chỉnh tề, mang theo trang bị cuốc, xẻng, dao, rựa, búa... theo đội hình hành quân vào rừng Trường Sơn bắt tay vào nhiệm vụ mới: mở đường Trường Sơn.
* Trường Sơn vẫy gọi
Ông Lê Thanh Huyền nhớ mãi lần đầu tiên đặt chân tới rừng già, nhiều người trong đơn vị không khỏi bỡ ngỡ. Trong rừng, cây cối rậm rạp nhiều cây hàng trăm năm tuổi đan xen che khuất cả ánh nắng mặt trời. Nhất là vào mùa mưa, ẩm ướt, muỗi, vắt nhiều khủng khiếp. Thế mà dần dần rồi cũng quen, ai nấy lao vào công việc một cách say sưa, quên hết mệt nhọc, quên cả nhớ nhà, nhớ quê. Khẩu hiệu mà mọi người đều thuộc lòng là: “Vượt nắng, thắng mưa, không quản sớm trưa, năng suất vượt trội” như một động lực thúc giục mọi người lao động khí thế hơn.
Các đoàn xe vận tải chuyển vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
“Khi đơn vị tôi đến, trước đó tuyến đường đã được các chiến sĩ công binh đo đạc phóng tiêu, cắm tuyến. Lực lượng bộ đội chỉ việc bạt núi, xẻ rừng. Có những cánh rừng nguyên sinh, cây cổ thụ kết lại như bức tường thành. Với tầm vóc nhỏ bé của con người như là một thách đố, bởi toàn dụng cụ thô sơ chứ làm gì có máy móc như bây giờ. Thế mà chả bao lâu rừng núi cũng phải nhường chỗ cho con đường” - ông Huyền kể lại.
Dù vất vả, gian nan nhưng những người lính tham gia mở đường Trường Sơn trong những buổi đầu ấy làm việc rất hăng say và sáng tạo. Ông Huyền cho biết, chỉ bằng những con dao tông, chiếc rìu nhỏ bé, có người lính đã tạo ra những chiếc xe cút kít để vận chuyển đất, đá, tăng năng suất gấp 15-20 lần. Người lính này được bình bầu là kiện tướng xuất sắc và danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Các đơn vị quân đội còn lập lò rèn tại công trường, đưa sắt thép từ dưới xuôi lên để vừa sản xuất dụng cụ lao động như: xà beng, chòng và sửa chữa những thứ hư hỏng, đáp ứng kịp thời cho bộ đội. Những người lính trẻ măng chưa từng biết đến nghề rèn nhưng sau một thời gian mày mò, tìm hiểu cũng trở nên lão luyện với nghề.
“Ban ngày thì lao động vất vả nhưng tối đến các chiến sĩ vẫn giữ nếp sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ tưng bừng. Nhiều tờ bích báo, bài thơ khá hay do anh em tự sáng tác, đọc lên vui và khích lệ lắm. Chẳng hạn như bài hát ra đời từ trên công trường của một cán bộ Tuyên huấn đơn vị, được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Nội dung đại thể là: Hò dô ta... đào/ Hò dô ta... cuốc/ Hò dô ta... mở đường/ Trường Sơn yêu thương, gọi ta mở đường vì đất nước, quê hương... Không hiểu sao khi cất lên bài hát này, lòng ai nấy dâng lên phơi phới một tình cảm với quê hương, đất nước vô cùng” - ông Lê Thanh Huyền cho biết.
Sau 3 tháng hăng say lao động, một cung đường do đơn vị của ông đảm nhiệm đã hoàn thành góp phần tạo hình hài của “con đường chiến lược” uốn lượn, chạy ngoằn ngoèo theo vách núi, vực sâu được vươn xa. Thời điểm đó có lệnh thu quân, đơn vị của ông Huyền trở về doanh trại trên đất Quảng Bình. Ít lâu sau, ông Lê Thanh Huyền và một số đồng đội được tuyển chọn, trở thành xạ thủ giỏi của đơn vị pháo chống tăng vác vai ĐKZ tăng cường cho chiến trường Trung Lào, tham gia đánh trận Tà Khống, giải phóng một vùng rộng lớn cho bạn Lào và bảo vệ “tuyến đường chiến lược” cho cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Quốc Hoàn