Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số thanh thiếu niên sử dụng "bóng cười" để tăng thêm niềm vui trong những buổi nhậu, cuộc chơi. Có người sử dụng "bóng cười" như một thói quen mà không nghĩ hít loại khí này rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số thanh thiếu niên sử dụng “bóng cười” để tăng thêm niềm vui trong những buổi nhậu, cuộc chơi. Có người sử dụng “bóng cười” như một thói quen mà không nghĩ hít loại khí này rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Một bạn trẻ sử dụng “bóng cười” trong một quán bar ở TP.Biên Hòa |
Hiện nay, “bóng cười” được mua bán tràn lan trên mạng xã hội. Hầu hết các đại lý phân phối chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội...
* Mua bán tràn lan trên mạng
Để tìm hiểu về thực trạng này, phóng viên Báo Đồng Nai đã gọi điện cho một người rao bán “bóng cười” trên internet thì được một người đàn ông xưng tên Tài (ở TP.Hồ Chí Minh) tư vấn nhiệt tình từ giá cả, hương vị cho đến hình thức giao hàng.
“Bóng cười” được rao bán tràn lan trên mạng xã hội |
Theo ông Tài, 1 bình khí 3kg sẽ được bán với giá 1,1 triệu đồng, bình 6kg sẽ bán với giá 1,6 triệu đồng với đủ các loại hương cho người mua lựa chọn như: dâu, táo, nho... Mỗi bình khí 6kg sẽ bơm được từ 100-300 quả bóng và bán với giá 70-150 ngàn đồng/quả. “Nếu mua chúng tôi sẽ chuyển hàng đến tận nơi và người mua phải trả tiền vận chuyển. Nhận hàng mới thanh toán tiền” - người đàn ông này thỏa thuận.
Tại Đồng Nai, các điểm bán “bóng cười” chủ yếu là trong các quán bar hoặc karaoke. Nhưng thông thường chỉ khách quen liên hệ thì họ mới bán, còn những người lạ hoặc các số điện thoại lạ sẽ khó mua hơn.
Từng sử dụng “bóng cười” nhiều lần, anh N.T.T. (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, trong một lần đi nhậu, anh thấy bạn bè hút “bóng cười” nên sử dụng chung cho vui. “Khi hút được vài hơi, người lâng lâng, sảng khoái rồi cười sặc sụa không dừng lại được. Thực sự tôi cũng không biết sử dụng “bóng cười” có gây độc hại gì không nhưng khi nhậu xong hút vào sẽ thấy không khí vui tươi, quên đi mệt mỏi và chán nản. Thấy không ảnh hưởng gì cả nên tôi vẫn dùng thường xuyên” - anh T. giãi bày.
Tương tự, chị P.X.H. (ngụ huyện Vĩnh Cửu) cũng cho biết, bản thân đã sử dụng “bóng cười” nhiều lần. Lần đầu tiên, chị dùng nửa lượng khí trong quả bóng là thấy phấn khích trong người và muốn được du dương theo tiếng nhạc, nhưng những lần sau đó thì chị hút 1 bóng rồi tăng dần lên 2-3 bóng trong một cuộc nhậu. Chị H. nghĩ “bóng cười” không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lại tạo cảm giác hưng phấn nên mỗi lần ngồi nhậu chị và bạn bè đều mua về sử dụng.
Tại một quán nhậu vỉa hè trên đường Võ Thị Sáu (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), anh P.N. (ngụ TP.Biên Hòa) vừa uống bia vừa hút “bóng cười” và kèm một hơi Shisha rồi nhả ra từng đợt khói trắng mù mịt. Anh N. cho hay: “Tôi nhờ mấy người bạn mua giùm rồi cùng bạn bè mỗi người hút vài hơi để gây cười thôi. Lâu dần thành thói quen, khi có chuyện gì buồn thì tôi lại hút loại khí này và thấy liều dùng càng ngày càng tăng”.
* Sử dụng “bóng cười” có thể bị ngộ độc khí
Chính vì nghĩ “bóng cười” không độc hại, không gây nghiện nên dù mới du nhập vào Việt Nam không lâu nó đã nhanh chóng được một số bạn trẻ yêu thích, thậm chí coi nó như một cách giải trí mỗi khi đi nhậu, hát karaoke hoặc vui chơi ở các quán bar.
“Bóng cười” được rao bán tràn lan trên mạng xã hội |
Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào bị ngộ độc “bóng cười” nhưng ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều trường hợp sử dụng quá nhiều “bóng cười” bị ngộ độc khí (N2O) với biểu hiện như: rối loạn cảm giác, tê bì tay chân, đi lại không vững...
Bác sĩ Châu cho hay, bóng cười thực chất là một quả bóng bay được bơm vào phía trong loại khí N2O (Dinitrogen monoxide hay Nitrous Oxide). Khí N2O là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ, thường được sử dụng để gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Ở nồng độ thấp, N2O khi vào cơ thể sẽ kích hoạt trung tâm gây cười trong não, tạo hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ duy trì từ 2-5 phút. Trong y học, chất này thường được phối hợp với thuốc gây mê khác có tác dụng gây tê, giảm đau.
Mới đây, Bộ Công an đang nghiên cứu và đã có đề xuất đưa “bóng cười” vào danh sách các chất ma túy và tiền chất chế biến ma túy để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép chất này. |
“Tuy nhiên “bóng cười” tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại. Người chơi sẽ thấy sảng khoái, không kiểm soát được tiếng cười và sau đó đắm chìm hoàn toàn vào ảo giác, đê mê về mọi thứ xung quanh. Việc dùng “bóng cười” sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh. Nếu lạm dụng nó sẽ gây nên trầm cảm hoặc tử vong” - bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Châu, việc sử dụng “bóng cười” có thể gây nghiện, khiến người sử dụng bị lờ đờ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ và nhịp tim, gây thiếu máu. Khi sử dụng “bóng cười” một thời gian dài sẽ bị quen với cảm giác “phê”, người dùng từ đó sẽ tìm đến những thứ có cảm giác mạnh hơn như ma túy chẳng hạn. Ngay cả khi sử dụng nồng độ thấp, khí cười N2O cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, giảm tầm nhìn và thính giác. Nhất là với những người mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, các bệnh liên quan đường hô hấp khi sử dụng N2O sẽ dẫn đến ngừng thở.
Mặc dù “bóng cười” rất nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng nhưng theo đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, hiện ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật nào cụ thể liên quan đến việc xử lý đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ hay sử dụng “bóng cười”.
“Sử dụng bóng cười tuy chưa có điều luật cụ thể quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười sai mục đích là vi phạm vì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng và có thể bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, việc xử lý hành chính không đủ sức răn đe, cần có chế tài thật mạnh để xử lý” - một vị đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh kiến nghị.
Tố Tâm