Câu nói của Pyotr Đại đế khi hiệu triệu binh sĩ của mình trước một trận đánh lớn: "Anh em không nên nghĩ mình chiến đấu cho Pyotr, mà cho chế độ của Sa hoàng được nhân dân giao phó cho Pyotr... Phải biết rằng ông ấy không quý trọng mạng sống của mình, nhưng nên hiểu rằng nước Nga phải trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh" khiến tôi mãi bâng khuâng: quốc gia nào cũng khao khát được trường tồn và có quyền được trường tồn.
Câu nói của Pyotr Đại đế khi hiệu triệu binh sĩ của mình trước một trận đánh lớn: “Anh em không nên nghĩ mình chiến đấu cho Pyotr, mà cho chế độ của Sa hoàng được nhân dân giao phó cho Pyotr... Phải biết rằng ông ấy không quý trọng mạng sống của mình, nhưng nên hiểu rằng nước Nga phải trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh” khiến tôi mãi bâng khuâng: quốc gia nào cũng khao khát được trường tồn và có quyền được trường tồn. Nhưng trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh quả không là số đông!
Đoàn cán bộ Đồng Nai tham quan Cung điện Mùa thu |
* Thành phố di sản văn hóa thế giới
Chúng tôi đến Saint Petersburg (St. Petersburg) khi trời vừa sáng. Ra khỏi khách sạn, nơi được sưởi ấm, thời tiết buốt giá. Những chiếc xe hơi, trông có phần cũ kỹ, đầy bụi bẩn, âm thanh ma sát trên đường nghe rào rào. Mãi sau này, chúng tôi mới biết, ở nước Nga cuối mùa tuyết tan, đường phố ở ngoại thành luôn sũng nước. Tất cả các xe vào mùa băng tuyết phải được sử dụng loại lốp (bánh) đặc biệt. Một người dân giải thích, mặt ngoài của bánh xe có một lớp đinh để bám xuống đường. Đó là lý do tại sao âm thanh của chúng nghe thật khó chịu như tiếng xe đua của những chàng trai trẻ ở xứ ta. Khi tuyết tan hết, người ta phải thay một loại lốp mới. Bình thường, người Nga dù ở
St. Petersburg hay Moscow, đều chạy xe cẩn thận. Những ngả đường không có đèn xanh đèn đỏ, tài xế thấy có người đi bộ chuẩn bị băng qua, liền dừng lại. Có lần, tôi thấy mấy vị du khách, chắc người châu Á, đứng nói chuyện sát bên đường, xe hơi liền dừng lại, họ cứ ngỡ các vị khách ấy sắp qua đường.
St. Petersburg sáng sớm thật yên bình. Từng dãy nhà dài, rộng, cửa đóng im lìm (trời lạnh, hẳn nhiên rồi!). Trên từng con phố, những chú chim nhởn nhơ, chỉ khẽ bay lên hay dạt sang một bên khi có chiếc xe nào đó chạy qua.
* Đó chỉ là một phần của St. Petersburg
Thành phố này, không kể vùng phụ cận, rộng gần bảy trăm cây số vuông, St. Petersburg có dân số 4,7 triệu người. Tôi nhẩm tính, gấp 2,5 lần về diện tích và gần 3,8 lần về dân số so với Biên Hòa.
St. Petersburg chỉ mới được đích thân Pyotr Đại đế chỉ huy xây dựng từ năm 1703, trên một đầm lầy. Toàn bộ thành phố tọa lạc trên 42 hòn đảo của châu thổ sông Neva - con sông có lưu lượng nước lớn nhất châu Âu, rộng tới 650m, sâu từ 14-23m. Như vậy, tuổi đời của St. Petersburg xấp xỉ với Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh (320 năm). Nếu tìm một so sánh tương đồng với một thành phố ở Việt Nam, có lẽ TP.Hồ Chí Minh là phù hợp hơn, về quá khứ cũng như hiện tại. St. Petersburg đã là kinh đô của nước Nga hơn 2 thế kỷ. Từ đó đến nay, nó luôn là thành phố lớn thứ 2 của nước Nga về kinh tế, chính trị... Nhưng có mặt, St. Petersburg là thứ nhất, như lượng du khách hằng năm. Tổ chức UNESCO từng công nhận đây là thành phố du lịch hấp dẫn thứ 8 của thế giới. Vào năm 1990, tổ chức này lại công nhận Trung tâm lịch sử St. Petersburg là Di sản văn hóa thế giới. Cho đến nay, đây là thành phố duy nhất trên thế giới có danh hiệu này.
Dù chỉ “cưỡi ngựa” xem thành phố, đến St. Petersburg, bất kỳ ai cũng phải thừa nhận sự vinh danh của UNESCO là công bằng và chuẩn xác! Sau khi được hình thành, nó đã được mệnh danh là Venice của phương Bắc. Có lẽ chưa có xứ sở nào lại có những cung điện nguy nga như ở đây. Nhiều cung điện xây dựng mất đến hàng chục năm. Riêng Cung điện Pavlovsk xây hơn năm mươi năm. Sự kỳ vĩ của nó, thật quá sức tưởng tượng của một người quê kiểng như tôi. Cung điện Mùa thu có chu vi gần một cây số vuông. Cung điện Mùa đông có khuôn viên rộng chín mươi ngàn mét vuông... Sự lộng lẫy, độc đáo của các công trình thật hiếm có. Cung điện Mùa đông gồm hơn 700 căn phòng, chứa hơn ba triệu tác phẩm nghệ thuật. Cung điện Mùa thu được dát hơn một trăm ký vàng ở bên ngoài, riêng căn phòng Hổ phách được viền quanh bằng những bức tranh bằng hổ phách nặng gần nửa tấn!
Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận, ông Vũ Như Tô ở cuối thời Lê có khát vọng xây dựng Cửu Trùng Đài để sánh với những công trình đồ sộ ở một nước láng giềng. Tiếc thay, ước mơ ấy không thành, Cửu Trùng Đài bị đốt cháy khi đang xây và người nghệ sĩ ấy cũng đã bị giết.
Có người nói, từng con đường, góc phố của St. Petersburg đều mang một huyền thoại. St. Petersburg hấp dẫn mọi người hẳn không ở sự giàu sang, lộng lẫy của những cung điện, đền đài mà ở lịch sử, văn hóa đã thấm đẫm vào từng nơi ấy. Như Cung điện Mùa đông, nơi đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ngày 7-11-1917, những người dân cày và thợ máy, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lenin, đã vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Như trong ba năm (9-1941 - 1-1944), Leningrad (tên gọi St. Petersburg thời Xô Viết) bị phát xít Đức bao vây, gần một triệu người, tức hơn một phần ba dân số, đã chết vì bom đạn, đói rét và bệnh tật. Như Cung điện Mùa thu ở ngay thành phố mang tên A. Puskin (một thành phố nhỏ thuộc St. Petersburg), người Cha của nền văn học Nga, bởi đây chính nơi là nhà thơ thiên tài đã sinh ra và sáng tác những vần thơ làm nên tâm hồn Nga...
Năm tháng trôi qua, nhưng lịch sử không mất đi. Vàng son và cả đau đớn của nó vẫn “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”. Hãy lắng nghe và gìn giữ tiếng nói âm thầm và bền bỉ ấy!
* Sự kỳ vĩ của một quân vương
Đến St. Petersburg hay Moscow, chúng tôi nhìn thấy tượng đài và luôn được nghe nhắc đến một con người. Đó là Pyotr Đại đế (10-6-1672 - 8-2-1725). Tôi không dám chắc trên toàn cõi nước Nga, có lẽ nhưng đa số người dân Nga đều luôn tự hào về vị Hoàng đế vĩ đại của mình.
Chính Pyotr Đại đế là người đã cho xây dựng St. Petersburg từ đầm lầy với khát vọng biến nơi đây thành một Venice của phương Bắc. Nhưng ông còn làm cho nước Nga bao điều to lớn hơn thế nữa.
Từ giữa thế kỷ XVII về trước, nước Nga là một quốc gia bị xâu xé hết đế quốc này thành đế quốc khác. Bao nhiêu vùng đất màu mỡ dần bị chiếm. Khi quân Mông Cổ tung vó ngựa khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, nước Trung Hoa hiên ngang bị khuất phục đến nỗi mất cả quốc hiệu, nước Nga cũng chịu chung số phận ấy, cũng xin mở ngoặc, chỉ có 2 quốc gia bé nhỏ “ngoan cố” không chịu cúi đầu, trái lại đã khiến cho đội quân ấy thảm bại là Cao Ly (Triều Tiên) và Đại Việt (Việt Nam). Nước Nga thời trung đại hoàn toàn mờ nhạt trên địa cầu, không ai biết đến nó và lạc hậu hơn các nước Tây Âu vài thế kỷ. Vậy mà, dưới triều đại không dài của Pyotr (1696 - 1725), nước Nga trở thành một đế quốc hùng cường. Khi đã lên ngôi vua, trong 2 năm, Pyotr đã giả dạng đến các nước Hà Lan, Anh... để học kỹ thuật, nhất là kỹ nghệ đóng tàu. Về nước, ông tiến hành các cuộc cải tổ lớn lao. Pyotr là người đầu tiên lập nên thể chế nghị viện ở Nga, tập trung phát triển kinh tế, thành lập Hải quân, rồi tiến hành giành lại các vùng đất rộng lớn mà hai cựu thù vào thời đó là đế quốc Ottoman và Thụy Điển đã chiếm giữ, mở đường thông ra biển Bắc... Ngày nay, lãnh thổ Nga rộng hơn 17 triệu cây số vuông (gấp hơn 56 lần diện tích nước ta) chủ yếu có từ thời Pyotr.
Không chỉ làm nên sức mạnh to lớn về chính trị, kinh tế với nước Nga, Pyotr đại đế còn cày xới tất cả các mặt đời sống, văn hóa, xã hội ở đất nước này. Ông đã cho xây dựng hàng loạt trường học mới. Thật khó hình dung, vào thế kỷ XVII, dưới sự chỉ huy của “hiệu trưởng” Pyotr, trường học đã dạy đủ các ngành khoa học, từ toán, y học, đến hàng hải, xây dựng, đóng tàu, khai thác mỏ... Nhà vua đã cử nhiều đoàn học sinh đến các nước Tây Âu để học hỏi, ban hành quy định tất cả con em quý tộc đều phải đi học và phải giỏi một ngoại ngữ, nếu không sẽ bị tước đoạt quyền thừa kế. Ông bắt buộc học sinh nào không tốt nghiệp sẽ không cho phép kết hôn! Chắc hẳn thời đó, ở nước Nga, không hiếm tiếng kêu than của những cậu ấm, cô chiêu quen được sung sướng và chiều chuộng.
Tôi xin kể một câu chuyện sau chót nghe được về vị quân vương vĩ đại này. Đó là mùa đông năm 1724, Pyotr I vốn mạnh khỏe bỗng nhiên ốm liệt giường. Mấy ngày trước, một chiến hạm từ Kronshtadt trở về kinh đô bị mắc cạn ở vịnh Phần Lan, thủy thủ trên tàu nhảy xuống có thể bị chết cóng. Nhà vua đã không kể tới tính mạng của mình, cũng tự nhảy xuống nước để cứu nguy cho con tàu. Con tàu được cứu, những người lính bình an, chỉ duy nhất Pyotr bị cảm lạnh. Người ta kể, bệnh tình của nhà vua ngày một kém. Đã thế, ông lại bị bí tiểu. Dù được một bác sĩ người Anh rút ra gần 4kg nước tiểu để giảm đau đớn, bệnh tình ông vẫn không khỏi. Sáng sớm ngày 28 tháng Giêng năm đó, Pyotr Đại đế qua đời. Khi đó, ông mới 50 tuổi, nhưng đã trị vì nước Nga được 43 năm!
Ở nước Nga, tôi được nghe câu này của Pyotr Đại đế khi hiệu triệu binh sĩ của mình trước một trận đánh lớn: Anh em không nên nghĩ mình chiến đấu cho Pyotr, mà cho chế độ của Sa hoàng được nhân dân giao phó cho Pyotr... Phải biết rằng ông ấy không quý trọng mạng sống của mình, nhưng nên hiểu rằng nước Nga phải trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh.
Quốc gia nào cũng khao khát được trường tồn và có quyền được trường tồn. Nhưng trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh quả không là số đông!
Bùi Quang Huy
(*) Bài tiếp theo các bài từ số báo 7-5.