Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả "chăm sóc" xe cứu hỏa

09:04, 12/04/2019

Xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là phương tiện chuyên dùng được nhập từ nước ngoài hoặc sản xuất trong nước với giá thành có chiếc lên đến cả chục tỷ đồng. Do đó, việc chăm sóc, bảo dưỡng xe hằng ngày khá công phu.

Xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là phương tiện chuyên dùng được nhập từ nước ngoài hoặc sản xuất trong nước với giá thành có chiếc lên đến cả chục tỷ đồng. Do đó, việc chăm sóc, bảo dưỡng xe hằng ngày khá công phu.

Các lái xe của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra, vệ sinh màn hình điện tử điều khiển của xe thang cứu hộ, cứu nạn 52m. Ảnh: Đ.TÙNG
Các lái xe của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra, vệ sinh màn hình điện tử điều khiển của xe thang cứu hộ, cứu nạn 52m. Ảnh: Đ.TÙNG

Tại Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh giao hẳn nhiệm vụ chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa cho đội ngũ lái xe. Những cán bộ, chiến sĩ lái xe cứu hỏa không chỉ đối diện với áp lực lái xe di chuyển trên đường sao cho đến hiện trường kịp thời, an toàn mà còn khá vất vả trong việc “chăm sóc” xe hằng ngày.

* “Bắt bệnh” cho xe

Suốt nhiều năm qua, bất kể ngày nghỉ, lễ, Tết, cứ vào khoảng 7 giờ 15, Thiếu tá Đoàn Minh Tâm, lái xe Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa lại tự động xuống nhà xe nổ máy, kiểm tra tình trạng các xe, lượng dầu, bọt, nước trong các xe.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay, thời gian qua đội ngũ lái xe của các đội chữa cháy trực thuộc phòng đã thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, bảo quản các loại xe chuyên dụng. Nhờ đó phát hiện sớm các hư hỏng, kịp thời khắc phục sửa chữa các sự cố kỹ thuật trong quá trình làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Tâm cho biết, mỗi ngày dù không phải lái xe đi chữa cháy, diễn tập... nhưng khi bàn giao giữa các ca trực, tất cả các xe của đội đều phải được nổ máy, hoạt động ít nhất 15 phút để tài xế nắm được tình trạng xe, có biện pháp khắc phục ngay những hỏng hóc, bất thường. Do khởi động xe hằng ngày nên nhiều lái xe chỉ cần nghe tiếng động cơ, lái vài vòng quanh sân là cơ bản nắm được tình trạng xe hiện tại và những sự cố mà xe đang gặp phải.

Các lái xe của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa không chỉ phải biết lái tất cả các loại xe cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn có trong biên chế mà còn phải biết cách xử lý các “bệnh” của xe hay gặp phải.

32 năm công tác liên tục trong lực lượng PCCC, Thiếu tá Tâm đã lái qua nhiều dòng xe, loại xe cứu hỏa chuyên dùng khác nhau và có kinh nghiệm phong phú về nhiều chứng “bệnh” thường gặp của các xe này. Thiếu tá Tâm kể lại: “Các dòng xe cũ từ hơn 20 năm trước ít sử dụng thiết bị điện tử mà phần nhiều là hệ thống cơ học nên việc xử lý sự cố dễ dàng hơn. Còn với các dòng xe hiện nay có nhiều bảng điện tử, hệ thống điều khiển các vòi phun từ xa, thang nâng nên chúng tôi phải học từ các chuyên gia của hãng xe; đồng thời mày mò học hỏi để khắc phục một số sự cố của máy xe, dầu, cửa, thắng... Với các xe cứu hỏa đắt tiền, việc cán bộ, chiến sĩ lái xe tự sửa chữa được các sự cố dù nhỏ cũng giúp đơn vị giảm nhiều chi phí sửa chữa, đồng thời luôn có xe sử dụng ngay.

Trung úy Nguyễn Hữu Nam, lái xe Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa tâm sự, hiện nay ở đội có nhiều dòng xe cứu hỏa của các hãng khác nhau nên “bệnh” cũng khác nhau. Để nắm được các “bệnh” của xe, ngoài việc thường xuyên kiểm tra hằng ngày, lái xe còn phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để biết cách khắc phục những lỗi cơ bản nhất của xe. Mặt khác, lái xe không được nề hà khó khăn, chăm chỉ luyện tập để địa hình khó khăn mấy cũng phải lái qua, hạn chế thấp nhất các sự cố gây hỏng hóc, đảm bảo an toàn cho người và xe khi di chuyển trên đường và thực hiện nhiệm vụ.

* Chủ động khắc phục sự cố

Vào cao điểm những tháng mùa khô như hiện nay, mỗi ngày lượt xe cứu hỏa của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa được điều động tăng cao. Vào mùa mưa có tuần đội không đi chữa cháy lần nào, còn mùa khô năm nay có ngày đội phải huy động hết các lái xe vì có đến 3 đám cháy cỏ liên tiếp xảy ra, chưa kể còn phải chi viện cho khu vực khác.

Các lái xe của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng kiểm tra một xe chữa cháy để tìm ra sự cố. Ảnh: Đ.TÙNG
Các lái xe của Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng kiểm tra một xe chữa cháy để tìm ra sự cố. Ảnh: Đ.TÙNG

Mỗi đám cháy có khi kéo dài nhiều giờ liền nên khi trở về đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong đội ai nấy cũng đều thấm mệt. Tuy nhiên, các lái xe không nghỉ ngơi ngay mà phải tiếp tục kiểm tra một lượt các máy móc của xe, bơm dầu, xăng, nước đầy đủ. Nhiều lần do phải chữa cháy ở khu vực rộng, gió thổi ngược khói về phía xe nên xe bám đầy khói đen, các lái xe vừa về đến đơn vị phải rửa ngay, đề phòng tro, bụi ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị điện tử trên xe.

Cũng là người có 32 năm công tác trong lực lượng PCCC, Thiếu tá Vũ Văn Rung, lái xe Đội Chữa cháy khu vực Biên Hòa cho hay: “Không chỉ sửa chữa nhỏ, đảm bảo sự hoạt động liên tục của xe mà lái xe chúng tôi còn phải biết xử lý sự cố gặp phải trên đường để tránh tai nạn hoặc xe va chạm hỏng hóc. Đây chính là yếu tố đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh rèn luyện qua nhiều năm công tác”.

Trung úy Nguyễn Hữu Nam nói thêm, nhờ kiểm tra, bảo dưỡng xe liên tục nên các sự cố vừa mới xuất hiện đã được khắc phục ngay, đảm bảo số lượng xe sẵn sàng nhận nhiệm vụ. “Chúng tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Nghề nào cũng vậy, khó khăn, sự cố là không thể lường trước nên anh em trong đội cố gắng tự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để khắc phục khó khăn, kịp thời ứng phó với sự cố trong quá trình làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Trung úy Nam cho hay.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích