Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa ngày toàn thắng

10:04, 26/04/2019

Sau khi "cánh cửa thép" Xuân Lộc bị đập tan, ngày 21-4-1975, các cánh quân giải phóng tiếp tục tiến về Sài Gòn từ nhiều hướng. Trên quốc lộ 1, các chiến sĩ Quân đoàn 4 đã nhanh chóng giải phóng các khu vực địch còn cố thủ và cùng quân dân địa phương tấn công giải phóng TX.Biên Hòa những ngày cuối tháng 4-1975.

Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, ngày 21-4-1975, các cánh quân giải phóng tiếp tục tiến về Sài Gòn từ nhiều hướng. Trên quốc lộ 1, các chiến sĩ Quân đoàn 4 đã nhanh chóng giải phóng các khu vực địch còn cố thủ và cùng quân dân địa phương tấn công giải phóng TX.Biên Hòa những ngày cuối tháng 4-1975.

Quân giải phóng tiến vào tiếp quản TX.Biên Hòa trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Quân giải phóng tiến vào tiếp quản TX.Biên Hòa trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Trước khi tấn công vào Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Miền đã nhận định khu vực Biên Hòa là đô thị lớn, chính quyền Sài Gòn đặt ở nơi đây những đơn vị, căn cứ quan trọng như: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình và nhiều trường, trung tâm huấn luyện khác đặt ở vùng ven... Do đó, Bộ Tư lệnh Miền xác định việc đánh vào Biên Hòa không hề dễ dàng, ngoài bộ đội chủ lực tấn công vào Biên Hòa từ nhiều hướng còn có sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ, đảng viên, nhân dân của TX.Biên Hòa.

* Ráo riết chuẩn bị

Ngay ngày 9-4-1975, khi Chiến dịch Xuân Lộc vừa nổ ra, các công tác chuẩn bị cho việc cướp chính quyền đã được Thị ủy Biên Hòa bắt tay chuẩn bị như: mua vải may cờ, mua gạo đề phòng chiến sự kéo dài, ghi âm lời kêu gọi binh lính chế độ cũ đầu hàng.

Ngày 10-4-1975, ông Phan Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Biên Hòa, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Biên Hòa) đã giao cho bà Tám Huệ (Bí thư Chi bộ chợ Biên Hòa) tổ chức phá khám Biên Hòa, giải phóng tù nhân, treo cờ Mặt trận. Đồng thời, ông Phan Văn Trang cũng đến các xã trong nội thị Biên Hòa giao việc tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa, chuẩn bị cướp chính quyền cho các Chi bộ Đảng.

Trong hồi ký Những kỷ niệm của một đời người, ông Phan Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) ghi lại không khí ở Biên Hòa trong đêm 30-4-1975 như sau: “Toàn thành phố tối 30-4, ánh điện sáng choang, nước đủ dùng, dân tình vui vẻ. Ngày đầu tiên của chính quyền mới thật khẩn trương, mau nhanh. Đến 12 giờ đêm, công việc mới tạm ổn. Niềm vui giải phóng quê hương, được sống tự do đã tiếp sức, khiến ai nấy đều không biết mệt, quên cả cái đói”.

Sau khi giải phóng Long Khánh, ngày 24-4-1975, tại Sở cao su Bình Lộc (TX.Long Khánh), Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã cùng với ông Phan Văn Trang bàn kế hoạch đánh vào Biên Hòa. Trong hồi ký Những kỷ niệm của một đời người, ông Phan Văn Trang ghi lại không khí chuẩn bị giải phóng Biên Hòa như sau: “Tình hình binh lính Sài Gòn trong nội thành đang hoang mang dao động. Các tầng lớp nhân dân vui mừng, bàn tán công khai chuyện địch thua trận. Cán bộ, đảng viên thì đang tích cực chuẩn bị cướp chính quyền. Ở Biên Hòa khi đó chỉ chờ quân chủ lực tấn công, lực lượng tại chỗ sẽ nổi dậy cướp chính quyền”.

Ngoài việc lên kế hoạch tấn công từ quốc lộ 1 hướng từ Trảng Bom về Biên Hòa, để đại quân có thể thông suốt đi về Sài Gòn, cũng trong đêm 24-4-1975, một cánh quân khác đã âm thầm luồn lách áp sát cầu Hóa An, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát để chiếm giữ các vị trí quan trọng này, đó là Trung đoàn Đặc công 113. Nhiều gia đình gần đó đã âm thầm giúp trung đoàn đào công sự để làm sở chỉ huy, thậm chí tháo dỡ cả cánh cửa nhà để làm công sự cho trung đoàn.

* Ác liệt trên các tuyến đường

44 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Đăng Mong, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 22, Đoàn Tăng - thiết giáp 26 thuộc Bộ Tư lệnh Miền vẫn không thể quên được thời khắc chiến đấu oanh liệt khi đơn vị của ông tấn công vào khu vực Hố Nai, đi thẳng xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) để tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Quân giải phóng tiến vào tiếp quản Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Quân giải phóng tiến vào tiếp quản Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Ông Mong kể lại, ngày 29-4-1975, theo kế hoạch, đại đội của ông đi tuyến thứ 2, tuyến đầu có 1 đại đội xe tăng cùng tiểu đoàn đi phía trước mở đường. Tuy nhiên, địch cố thủ tại khu vực Hố Nai rất gắt với pháo, súng chống tăng liên tục bắn ra, đại đội xe tăng đi trước có gần 10 xe tăng bị phá hỏng, nhiều chiến sĩ bộ binh đi cùng đã anh dũng hy sinh.

 “Đó là những cuộc giao tranh rất dữ dội, khi tiêu diệt xong các cụm hỏa lực của địch tại Hố Nai, quân giải phóng cũng hy sinh nhiều do pháo của địch bắn hoặc bị trúng mìn khi di chuyển trên các tuyến đường lớn. Vì khi địch rút lui, chúng để lại mìn và che đậy bằng nón sắt, quân phục vứt lại trên đường để làm chậm bước tiến của quân giải phóng” - ông Mong cho biết.

Trong khi đó, chính quyền của chế độ Việt Nam cộng hòa tại TX.Biên Hòa tổ chức phòng thủ ở nhiều khu vực, đến 6 giờ ngày 30-4-1975, Quân đoàn 4 vẫn chưa chiếm được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của địch. Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã giao nhiệm vụ đánh giải phóng Biên Hòa cho Sư đoàn 6, còn đại bộ phận Quân đoàn 4 phải thần tốc về Sài Gòn chiếm Dinh Độc Lập. Trước sức ép tiến công của quân giải phóng, địch tan rã dần. Sư đoàn 6 giao nhiệm vụ cho các trung đoàn vào tiếp quản Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình...

Bên trong nội thành Biên Hòa, lực lượng cách mạng đã nổi dậy cướp chính quyền từ sáng sớm 30-4, máy ghi âm phát đi lời kêu gọi địch đầu hàng. Trước đó tối 29-4, Chi bộ chợ Biên Hòa đã cùng quần chúng phá khám Biên Hòa, giải phóng hàng trăm tù nhân chính trị bị địch bắt giam.

Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) kể lại: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ qua cầu Hóa An về Sài Gòn tuy nhiên, trưa 30-4-1975, do cầu Hóa An bị tàn quân địch đánh sập 1 nhịp nên chỉ có bộ binh Sư đoàn 341 dùng ô tô vượt qua cầu Ghềnh tiến vào Sài Gòn. Xe tăng và bộ binh Sư đoàn 7 quay lại theo đường xa lộ Biên Hòa dưới sự chỉ dẫn của một cận vệ của ông Phan Văn Trang, tiến vào tấn công Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa”.

Đúng 10 giờ ngày 30-4-1975, Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa bị quân giải phóng chiếm. Tại Quảng trường Sông Phố, người dân đứng nghẹt reo mừng chiến thắng dưới cái nắng nóng gay gắt của ngày cuối tháng 4 lịch sử. Đến 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, quân giải phóng làm chủ hoàn toàn TX.Biên Hòa, Ủy ban Quân quản thành phố bắt tay ngay vào công tác giữ gìn an ninh trật tự.               

Minh Thành

Tin xem nhiều