Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang bằng việc thống nhất các đơn vị quân đội và công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Đây chính là lực lượng tiền thân của Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng ngày nay, từ đó ngày 3-3 trở thành ngày truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang bằng việc thống nhất các đơn vị quân đội và công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Đây chính là lực lượng tiền thân của Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng ngày nay, từ đó ngày 3-3 trở thành ngày truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Nai tham quan nhà truyền thống Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh |
Suốt 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, biết bao thế hệ của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đổ xương máu vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ.
* Tuổi xuân trên tuyến lửa
Trải qua bao khó khăn từ ngày mới thành lập đến lúc hăng hái chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam rồi tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, không một chút ngơi nghỉ, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục phải bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn và đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch. Đặc biệt trong những năm 1975-1986 đầy căng thẳng, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm biên giới, trực tiếp đương đầu với quân Pol Pot ở biên giới Tây Nam và quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Năm 1959 Thủ tướng Chính phủ ra nghị định thành lập Công an nhân dân vũ trang do Bộ Công an quản lý; ngày 10-10-1979 Bộ Chính trị chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đến ngày 31-5-1988 lại chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng sang Bộ Nội vụ. Ngày 8-8-1995, Bộ Chính trị lại chuyển lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng quản lý và trở thành một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng đến ngày nay. |
Ông Nguyễn Mạnh Chới (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa), Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Nai cho hay, từ lực lượng Công an vũ trang tỉnh Thanh Hóa, năm 1975 ông vào chi viện cho lực lượng an ninh miền Nam, tiếp quản khu vực tỉnh Cà Mau và ở lại đây làm nhiệm vụ cho đến năm 1984.
“Đây là một giai đoạn cực kỳ khó khăn với chúng tôi lúc đó khi cùng lúc vừa phải giữ vững các đồn, bảo vệ các đảo trước sự tấn công của quân Pol Pot vừa phải ngăn chặn sự đột nhập của các nhóm phản động. Nhiều lần tôi đã điều động cán bộ, chiến sĩ dưới quyền phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Cà Mau đánh bại các nhóm biệt kích định đột nhập vào nội địa bằng đường biển” - ông Chới kể.
Ông Phạm Quốc Chỉ (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), Phó trưởng ban thường trực Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, trước năm 1976 ông công tác tại đồn Công an vũ trang Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh), sau đó được điều động vào bảo vệ biên giới, các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang. Đối mặt với sự tàn ác của quân Pol Pot, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh. Ông Chỉ cùng những đồng đội khác nhiều lần nén nước mắt và dồn căm hờn vào những đợt tấn công đẩy bật kẻ thù sang bên kia biên giới.
Ông Chỉ kể, dù đóng quân nhiều nơi, nhưng với ông đồn Công an vũ trang Pò Hèn lại là nơi ác liệt nhất. Những người bạn của ông còn ở lại đây làm nhiệm vụ đến tháng 2-1979 đều hy sinh hết vì bị quân Trung Quốc tấn công. Đặc biệt, lúc ông vào miền Nam thì có kết thân với một người bạn tên Phạm Xuân Tảo cùng công tác ở Công an vũ trang tỉnh Kiên Giang. Tháng 2-1979, ông Tảo được điều động ra đồn Pò Hèn. Ngày 15-2, ông Tảo nhận nhiệm vụ chính trị viên đồn thì đến rạng sáng 17-2, ông Tảo đã hy sinh khi quân Trung Quốc ồ ạt tấn công qua các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
* Khát vọng hòa bình
Từ khi rút quân từ Campuchia (năm 1989) về nước và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), lực lượng bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bạn, các địa phương phân giới, cắm mốc biên giới đất liền với Trung Quốc, Campuchia và tôn tạo cột mốc với Lào.
Đặc biệt, nhiều năm qua, các đơn vị bộ đội biên phòng đã tiến hành đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm, giữ vững an ninh trật tự vùng biên. Không chỉ bảo vệ biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng còn có nhiều mô hình giúp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo ở vùng biên giới như: thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh, chiến sĩ tuyên truyền quân hàm xanh...
Ông Phạm Đức Khanh (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) từng công tác tại đồn Biên phòng Long Bình, huyện An Phú (tỉnh An Giang) từ những năm 1977-1984 kể: “Những năm tháng đóng quân ở biên giới dù gặp nhiều thiếu thốn trong cuộc sống nhưng chúng tôi luôn cố giúp bà con địa phương hết sức có thể. Nhất là việc chia sẻ thuốc men, lương thực, xây dựng lại nhà cửa, làng xóm sau khi đẩy lui kẻ địch về phía bên kia biên giới. Chưa khi nào chúng tôi nề hà những việc khó khăn, điều đặc biệt là tình quân dân ở vùng biên giới rất thắm thiết, người dân luôn coi cán bộ, chiến sĩ biên phòng chúng tôi như con em trong nhà”.
Khi đã về hưu hoặc chuyển ngành, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng lại tập hợp hoạt động cùng nhau ở ban liên lạc truyền thống bộ đội biên phòng các địa phương. Như tại Đồng Nai hiện nay có khoảng 300 hội viên nguyên là những sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến đấu qua các thời kỳ lịch sử của lực lượng công an nhân dân vũ trang, an ninh miền Nam thời chống Mỹ, bộ đội biên phòng. Hằng năm, ban liên lạc đều duy trì các hoạt động thăm hỏi, động viên nhau, ôn lại truyền thống lực lượng và để gặp được những người từng sát cánh chiến đấu năm xưa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ông Phạm Quốc Chỉ cho biết: “Bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để giữ gìn bờ cõi, tới thế hệ chúng tôi lại cống hiến tuổi xuân cho biên giới. Thì nay tôi mong chờ những cán bộ, chiến sĩ trẻ của lực lượng bộ đội biên phòng có thể tiếp tục phát huy truyền thống đó. Không chỉ bảo vệ biên giới mà còn phải giúp những thôn xóm, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn có điều kiện phát triển, vì họ chính là chỗ dựa cho lực lượng biên phòng theo đúng khẩu hiệu của lực lượng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”.
Minh Thành