Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc động vật hoang dã - nghề nguy hiểm

09:03, 13/03/2019

Những người làm nghề chăm sóc động vật hoang dã luôn phải đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Đây là nghề nguy hiểm, vất vả nhưng vẫn có nhiều người say mê với công việc này để mưu sinh và vì tình yêu với động vật hoang dã.

Những người làm nghề chăm sóc động vật hoang dã luôn phải đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Đây là nghề nguy hiểm, vất vả nhưng vẫn có nhiều người say mê với công việc này để mưu sinh và vì tình yêu với động vật hoang dã.

Anh Y Knô chăm sóc một con voi Tây nguyên
Anh Y Knô chăm sóc một con voi Tây nguyên

Với diện tích hơn 40 hécta, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) không chỉ phục vụ cho nhu cầu tham quan mà còn là nơi chăm sóc, bảo tồn số lượng động vật quý hiếm lớn nhất Đông Nam bộ. Số lượng động vật lớn nên đội ngũ nhân viên kỹ thuật, chăm sóc thú tại đây lúc nào cũng có trên 30 người nhằm đảm bảo công tác chăm sóc, duy trì giống luôn được thực hiện liên tục.

* “Làm bạn” với thú dữ

Theo các nhân viên chăm sóc động vật hoang dã ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, những loài động vật hoang dã từng quen sống trong rừng với môi trường tự nhiên. Việc nắm bắt tập tính, môi trường sống đặc thù của từng loài động vật đóng vai trò quan trọng khi xây dựng phương pháp chăm sóc, nuôi nhốt sao cho gần gũi với thiên nhiên nhất để chúng duy trì được tập tính của loài.

Ông Nguyễn Ngọc Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài cho biết, khu du lịch không chỉ là nơi vui chơi, giải trí và tham quan của công chúng mà còn phục vụ trưng bày, giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu động vật hoang dã. Nơi đây đã thuần dưỡng và nhân giống thành công nhiều loài thú quý như: hổ, sư tử, gấu đen, các loài linh dương và loài chim khác.

Mỗi loài có cách chăm sóc riêng, không loài nào giống loài nào, thậm chí có con phải cho uống sữa vì hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thể ăn lá cây hoặc các loại thức ăn khác. Ngoài chế độ dinh dưỡng được tính toán tỉ mỉ, việc vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho chúng cũng được đặt ra chặt chẽ. Từ thức ăn, nước uống đến việc tắm rửa, theo dõi tình hình bệnh tật…

Anh Y Knô (24 tuổi) hiện đang chăm sóc 2 con voi Tây Nguyên trên 30 năm tuổi. Dù còn trẻ, nhưng Y Knô là người có kinh nghiệm chăm sóc voi khi từng cùng cha mẹ thuần dưỡng voi rừng ở tỉnh Đắk Lắk. 7 năm trước, anh được thuê về đây để chăm sóc cho đôi voi này. Từ đó đến nay, Y Knô gắn bó với chúng như hình với bóng đến nỗi không có anh tất cả các nhân viên chăm sóc thú ở đây không một ai có thể cưỡi lên chúng.

Y Knô cho biết, voi có khứu giác cực nhạy, một mùi lạ cũng có khả năng làm voi cảm thấy môi trường sống bị tác động, trở nên hoảng loạn, hung dữ. Voi có thể trở chứng bất cứ lúc nào, lại có một số đặc tính như: bị ức chế, thù oán, nhớ lâu… cho nên chúng có thể bộc phát tấn công người.

“Ngán nhất là những ngày trở trời hay đến kỳ động dục, voi trở nên hung dữ, gặp ai cũng muốn tấn công. Nếu như mình không vỗ về, đảm bảo không gian hoạt động hợp lý thì chúng dễ bị ức chế. Vì vậy người chăm sóc lúc nào cũng kề cận, tương tác với nó như những người bạn” - Y Knô nói.

Trong số những nhân viên kỹ thuật, công nhân làm nghề chăm sóc thú nuôi ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, nguy hiểm nhất là những người hằng ngày cho ăn, tắm và chữa bệnh cho các loài ăn thịt như: hổ, báo... Nhiều thời điểm trong năm, chúng dữ hơn và dễ gây tai nạn cho người chăm sóc.

Anh Bờ Đáp (35 tuổi) cho hay, chỉ cần lạ hơi người, những con hổ sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng như muốn tấn công. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc chữa trị, theo dõi tình hình sức khỏe của chúng. Khi một con hổ bị bệnh, chúng dễ bị kích động, việc tiếp cận nó rất khó khăn, nguy hiểm.

“Chỉ những người gan dạ, có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc gần. Cho nên mọi động tác như đưa dồn các con thú vào cũi nhốt, dùng dụng cụ tiêm thuốc phải thao tác thật nhanh và luôn có người giữ cũi an toàn, chắc chắn” - anh Bờ Đáp cho hay.

* Ngôi nhà thứ 2

Hiện nay, vườn thú ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài có trên 5 ngàn cá thể, trong đó có hàng chục loài quý hiếm như: báo Cheeta, gấu ngựa, khỉ đuôi dài, vượn đen má trắng… Ngoài ra, ở đây còn có hàng chục loài chim, bò sát với đủ chủng loại, nguồn gốc khác nhau. Vườn thú cũng có đàn cá hải tượng khổng lồ với trọng lượng hơn 100kg và dài hơn 2m có xuất xứ từ vùng sông Amazon (châu Mỹ).

Anh Phan Thanh Thuận chăm sóc 2 mẹ con hà mã trong Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài
Anh Phan Thanh Thuận chăm sóc 2 mẹ con hà mã trong Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài

Gần như các chuồng thú ở đây được xây dựng giống môi trường sống thiên nhiên phù hợp với lối sống của từng loài. Nhiều loài như: gấu đen, hà mã, hươu, cá hải tượng… được đưa về đây đã sinh sản thành công.

Nhân viên chăm sóc hà mã Phan Thanh Thuận (22 tuổi) cho biết vườn thú vừa đón hà mã con từ cặp hà mã nhập từ Châu Phi. Cặp hà mã này được nuôi và thuần dưỡng trong hơn 2 năm. Việc mang thai hoàn toàn tự nhiên mà không có sự can thiệp của nhân viên vườn thú.

Anh Thuận kể, hà mã con được đặt tên là Xoài, hiện nay đã gần 4 tháng tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và đang trong gian đoạn bú sữa hà mã mẹ. Quá trình từ nuôi dưỡng đến khi phát hiện cá thể mẹ mang thai là một kỳ công với đội ngũ nhân viên kỹ thuật, công nhân chăm sóc động vật ở đây.

Các loài động vật ở đây đều được gắn chíp theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe thường xuyên. Nhiều loài khi mang về từ các trạm cứu hộ động vật hoang dã trên cả nước được chăm sóc cẩn thận, phát triển tốt không thua gì môi trường tự nhiên.

“Chính nhờ lòng yêu nghề mà những người chăm sóc thú đã vượt qua được những nguy hiểm đe dọa cả đến tính mạng. Những con vật nuôi dù ít nhiều đã được thuần hóa, nhưng vẫn chưa thể quên bản năng hoang dã của chúng. Việc chăm sóc, bảo tồn đều được giám sát, thực hiện chặt chẽ để chúng vừa sống tốt ở đây, vừa tạo kích thích tính hoang dã vốn có” - bác sĩ thú y Hoàng Duy tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Các loại Thức ăn cho mèo