Báo Đồng Nai điện tử
En

Căng sức giữ rừng mùa nắng nóng

09:03, 17/03/2019

Trước cái nắng khô khốc của tháng 3, rừng già thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) đang ở mức cảnh báo cấp 5 - mức cực kỳ nguy hiểm...

Trước cái nắng khô khốc của tháng 3, rừng già thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) đang ở mức cảnh báo cấp 5 - mức cực kỳ nguy hiểm. Để phòng, chống cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm và người dân luân phiên nhau canh lá rừng đang khô giòn dưới cái nắng chói chang.

Ông Tăng Ngọc Phước (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đang túc trực quan sát rừng trên chòi canh
Ông Tăng Ngọc Phước (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đang túc trực quan sát rừng trên chòi canh

Đưa chúng tôi đi qua những con đường vào rừng mịt mù bụi, sỏi để đến các trạm kiểm lâm: Suối Kop, Da Kinde, Bù Đăng, kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Thủy (Văn phòng Hạt Kiểm lâm thuộc Khu bảo tồn) cho biết, trong tình hình nắng nóng kéo dài, lực lượng kiểm lâm và những người được Khu bảo tồn hợp đồng phòng, chống cháy rừng mùa khô luôn đề cao cảnh giác trước những dấu hiệu cảnh báo cháy rừng.

* Vất vả phòng, chống cháy rừng

Ông Nguyễn Xuân Thủy phân tích, có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng, cụ thể như: do hiện tượng tự nhiên (sét, phát cháy từ bùn đất), do con người tác động (đốt rẫy, hút thuốc lá, nấu nướng...). Trong đó, nguy cơ cháy rừng do con người tác động luôn là một thách thức lớn nhất của công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô. Do đó, Khu bảo tồn đã triển khai công tác này theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để ứng phó mọi tình huống cháy rừng xảy ra.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi cho biết: “Ngoài các quy định thù lao làm thêm giờ, thêm ca theo Bộ luật Lao động, anh em kiểm lâm sẵn sàng hy sinh quỹ thời gian nghỉ ngơi vì nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng. Chính tinh thần trách nhiệm, tình yêu rừng của các thế hệ kiểm lâm mà khu rừng ở đây mãi xanh tươi, luôn an toàn trước những mối nguy cơ cháy rừng rình rập qua nhiều mùa khô hạn”.

Cái chòi canh cao chót vót nơi bìa rừng tại Tiểu khu 77, Trạm Kiểm lâm Suối Kop là do ông Tăng Ngọc Phước (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, người được thuê phòng, chống cháy rừng mùa khô) phụ trách. Ông Phước có nhiệm vụ canh lửa từ xung quanh vườn, rẫy dân sinh. Hằng ngày phiên trực chòi của ông bắt đầu từ 7-17 giờ.

Mồ hôi ướt đẫm khi leo lên chòi canh cao trên 25m, ông Phước nói giọng đứt quãng: “Mùa khô năm nay khắc nghiệt hơn các năm trước vì không xuất hiện một số cơn mưa xen kẽ những đợt nắng nóng để rừng có chút độ ẩm. Do đó, tôi không dám lơ là công việc. Mỗi ngày tôi liên tục theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình cháy ở các khu vườn, rẫy sát rừng cho lãnh đạo Trạm Kiểm lâm Suối Kop để các anh biết”.

Nơi vị trí cầu km7, tiểu khu 73 thuộc Trạm Kiểm lâm Suối Kop, ông Lê Minh Chánh (ngụ xã Phú Lý) luôn chở theo cái bình xịt (loại đeo vai, dùng xịt thuốc cỏ) và can nước 20 lít khi làm công việc tuần tra trên những tuyến đường rừng từ cầu km7 đến Trạm Kiểm lâm Suối Kop và từ cầu km7 về hướng Trạm Kiểm lâm Da Kinde. Ông Chánh vốn là nhân viên lái xe của Khu bảo tồn về hưu nhưng vì yêu rừng, nhớ rừng, 7 năm nay khi rừng của Khu bảo tồn vào mùa khô là ông xin hợp đồng làm nhiệm vụ trực phòng, chống cháy rừng với Trạm Kiểm lâm Suối Kop.

“Để làm tốt công việc được giao, mỗi lần đi tuần tra phòng, chống cháy rừng tôi luôn gặp gỡ người dân để tuyên truyền phòng, chống cháy rừng, hỏi thăm về tình hình rừng khi họ từ rẫy, vườn đi ra mới có thể bao quát hết tình hình” - ông Chánh tâm sự.

Nhìn con suối Mã Đà mùa khô cạn nước, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Quách Thanh Bình cho biết, mùa này người dân từ tỉnh Bình Phước dễ dàng vượt suối xâm nhập rừng để thu hoạch ươi, mây, rau rừng, bẫy thú nhỏ, lấy mật ong... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng do vào rừng hút thuốc, đốt ong... và không loại trừ họ bức xúc cố ý gây cháy khi xung đột với lực lượng kiểm lâm.

 Lực lượng kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Bù Đăng (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) kiểm tra hiện trạng cây rừng mùa khô
Lực lượng kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Bù Đăng (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) kiểm tra hiện trạng cây rừng mùa khô

Ông Bình cho hay, để tránh xung đột với dân, đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục dân tham gia, hỗ trợ phòng, chống cháy rừng ngay từ cuối mùa mưa; đồng thời xây dựng kỹ lưỡng các phương án phòng, chống cháy rừng trong các tình huống xấu để chủ động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại rừng.

* Bám rừng mùa khô

Bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô từ tháng 2 cho đến mùa mưa, lực lượng kiểm lâm tại 19 trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn gần như không ai xin nghỉ phép năm (trừ trường hợp bất khả kháng như: con bệnh tật, người thân qua đời, cưới hỏi) mà tất cả dành cho những chuyến tuần tra rừng, canh phòng những điểm chốt phòng, chống cháy rừng.

Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Lu (Trạm Kiểm lâm Bù Đăng) đã hơn 1 tháng nay chưa rời rừng nghỉ ngơi, vui chơi bên bạn bè, gia đình. Kiểm lâm viên Lu bày tỏ, dù đơn vị không có chế độ thù lao thêm cho anh nhưng vì thời điểm rừng đang khô khát, đồng đội cần người hỗ trợ nên anh tự nguyện gác lại niềm vui cá nhân để bám rừng cùng đồng đội. 

Vào mùa khô, công tác giữ rừng cũng vất vả hơn. Khi các con suối dần khô cạn, thú rừng tập trung về những nơi nhiều nước để uống, tìm thức ăn. Đây chính là thời điểm một số người lén lút vào rừng săn, bẫy thú. Nắm bắt quy luật này, lực lượng kiểm lâm tăng cường tổ chức những chuyến tuần tra đêm, bám rừng mật phục những vị trí xung yếu để bảo vệ thú, cây rừng.

Nhờ vậy, từ đầu năm đến đầu tháng 3-2019, các trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 4 vụ/4 người vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng, động vật rừng với số tiền trên 23 triệu đồng. Bên cạnh đó, các trạm kiểm lâm cũng đã ngăn chặn, giáo dục hàng chục người xâm nhập rừng trái phép, thu giữ hơn 1 ngàn dây bẫy các loại.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn cho biết: “Chúng tôi luôn động viên, nhắc nhở lực lượng Kiểm lâm luôn bám dân, bám rừng, bám trọng điểm và phối hợp nhịp nhàng cùng các lực lượng, địa phương, người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng, bằng mọi giá phải bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy rừng rất cao. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách của chúng tôi hiện nay”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều