Đến Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) mới thấy được công việc điều trị cho những bệnh nhân bị loạn thần do rượu, bia, ma túy của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ở đây rất khó khăn và gặp không ít nguy hiểm.
Đến Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) mới thấy được công việc điều trị cho những bệnh nhân bị loạn thần do rượu, bia, ma túy của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ở đây rất khó khăn và gặp không ít nguy hiểm.
Nhân viên tại Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần trung ương 2 chăm lo từng bữa cơm cho bệnh nhân |
Vào một ngày cuối tháng 1-2019, có mặt tại Khoa Nghiện chất chúng tôi thấy có một số người phụ nữ ôm lỉnh kỉnh nhiều đồ đạc, đứng nép vào bức tường len lén quan sát bệnh nhân từ xa rồi nước mắt chực trào.
* Sa ngã cuộc đời vì ma túy
Sau khi đứng nhìn con trai từ xa, bà N.T.N. (ngụ huyện Long Thành) mới đi vào phòng giao ban của bác sĩ, điều dưỡng nhờ gửi cho con bịch bún còn nóng hổi, thùng mì tôm và một ít bánh trái để ăn Tết. Bà không quên dặn nhân viên của khoa: “Đừng nói cho nó biết tôi lên thăm nó nha cô”.
Bà N. tâm sự, đây là lần thứ 4 con trai của bà đi chữa bệnh nghiện ma túy. “Lần nào tôi lên thăm, con đều cầu xin cho về nhà và trách tôi không thương nó. Làm mẹ dễ yếu lòng nên mỗi lần con năn nỉ, hứa bỏ ma túy là tôi lại xin bác sĩ cho nó về. Nhưng lần này tôi quyết tâm rồi, để con hết đợt điều trị rồi mới được về. Vì vậy, tôi không dám gặp con vì sợ nó lại đòi về thì tôi lại xiêu lòng” - bà N. cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Minh Dũng, Phụ trách Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết: “Đối với các bệnh nhân loạn thần do nghiện chất, ngoài điều trị bằng thuốc, chúng tôi còn dùng liệu pháp tâm lý để động viên và giải thích tác hại của chất kích thích để họ có quyết tâm cao trong việc từ bỏ ma túy, rượu mà quay về với gia đình”. |
Ngày phát hiện con trai nghiện ma túy, bà N. đã tìm mọi cách giúp con đi cai nghiện nhưng đều không hiệu quả. Sau khi cai nghiện về, con trai bà lại tiếp tục giao du với bạn bè rồi tái nghiện, sử dụng cả ma túy đá. Bà N. kể, gần đây nhất con trai bị ngáo đá chạy ra đường chửi bới, đập phá đồ đạc của người khác nên bà sợ quá nhờ công an đến can thiệp và đưa vào bệnh viện chữa trị.
Ngồi trong phòng khám bệnh của Khoa Nghiện chất có thể nghe thấy những tiếng nói sảng, chửi bới của bệnh nhân từ trong khu chữa bệnh vọng lại. Các bác sĩ cho biết đó là do người nghiện chất kích thích dẫn tới loạn thần và mới được đưa vào điều trị. Thời gian đầu, bệnh nhân vẫn còn những biểu hiện nói sảng hoặc đòi đánh nhau, nhưng khoảng 3-5 ngày điều trị là chấm dứt tình trạng trên.
Được chữa trị tại Khoa Nghiện chất hơn 2 tháng nên trông anh N.V.P. (26 tuổi, ngụ huyện Long Thành) đã tỉnh táo và nhanh nhẹn. Anh P. được giao nhiệm vụ lấy cơm cho các bệnh nhân khác cùng ăn, hoặc làm một số việc vặt để vận động chân tay. “Cách đây khoảng 3 năm, tôi đi theo bạn bè rồi bị rủ dùng ma túy. Không ngờ sau lần thử đó lại gắn đời tôi vào ma túy không dứt ra được. Khi lên cơn, tôi cứ nhìn bóng đèn hoặc cái cây chửi đổng. Lần này mong là sau khi điều trị bệnh về, tôi sẽ khỏe mạnh để làm lại cuộc đời” - anh P. cho biết.
Nơi gian bếp nhỏ của Khoa Nghiện chất, ông N.V.K. (44 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) vừa xới cơm, múc canh cho những bệnh nhân khác vừa nói: “Ăn nhiều vào cho khỏe mà ra ngoài nha”. Nếu không mặc áo bệnh nhân, có lẽ ít người biết được ông K. cũng là bệnh nhân và là người điều trị lâu nhất ở Khoa Nghiện chất.
“Đây là lần thứ 3 tôi vào bệnh viện để chữa bệnh và cai nghiện ma túy. Mấy lần trước xin ra viện sớm rồi lại tái nghiện. Đợt này tôi muốn ở lâu hơn để điều trị đúng phác đồ và khi về nhà quyết không vướng vào ma túy nữa. Các bác sĩ và nhân viên của khoa rất chu đáo, nhiệt tình nên người nhà vẫn chọn nơi đây để chữa bệnh cho tôi” - ông K. bộc bạch.
* Nghề nguy hiểm
Vừa đi làm lại sau một thời gian điều trị trật khớp chân, điều dưỡng Nông Thị Thái kể, cách đó khoảng 2 tháng, trong một lần vào khu khám bệnh chăm sóc y tế cho người bệnh thì chị bị một bệnh nhân mới nhập viện đuổi đánh nên té ngã. “Lúc đó bệnh nhân còn ngáo đá đã đuổi đánh tôi nhưng may được đồng nghiệp giúp đỡ nên chỉ bị thương nhẹ” - chị Thái nói.
Bác sĩ Khoa Nghiện chất Bệnh viện tâm thần trung ương 2 thăm khám và động viên người bệnh hằng ngày |
Đó chỉ là một trong những lần nguy hiểm mà các bác sĩ, nhân viên tại đây thường gặp phải. Điều dưỡng Thái cho biết thêm, nếu làm nghề này mà không nhẹ nhàng và biết cách tự bảo vệ mình thì rất dễ bị các bệnh nhân hành hung. Vì khi bệnh nhân mới vào khoa thường trong tình trạng loạn thần và luôn nghĩ có người đòi bắt, đánh mình nên họ chống trả bằng cách đánh đối phương. Phải trải qua nhiều ngày điều trị mới khiến họ bình thường trở lại.
Kể lại những ngày chạy chân đất đi kiếm bệnh nhân trốn trại, điều dưỡng Khoa Nghiện chất Trương Thị Thu cho biết, do trong khoa không có đội bảo vệ chuyên trách nên các bác sĩ và điều dưỡng phải luôn túc trực và thường xuyên đi kiểm tra phòng bệnh nhân để phát hiện kịp thời các sự cố xảy ra. Theo chị Thu, phát hiện bệnh nhân bỏ trốn đã khó mà đưa họ quay về lại còn khó hơn vì thường người bệnh chống trả quyết liệt. Trong tình huống đó phải nhờ lực lượng bảo vệ của bệnh viện cưỡng chế đưa về khoa.
Bác sĩ Nguyễn Minh Dũng, Phụ trách Khoa Nghiện chất, Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết, hiện tại khoa có khoảng 40 bệnh nhân đang điều trị loạn thần do rượu, bia hoặc ma túy. Mỗi đợt điều trị kéo dài từ hơn 1- 6 tháng. Những người bệnh sau khi sử dụng chất kích thích, nhất là ma túy sẽ tác động đến hệ thần kinh dẫn đến rối loạn tâm thần, gây ra hoang tưởng, ảo giác và có thể gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Theo bác sĩ Dũng, những hành động gây nguy hiểm của các bệnh nhân tại đây đều do cảm xúc, sự hoang tưởng chi phối. Do đó, để chữa trị, thời gian đầu người bệnh khi nhập trại sẽ được bác sĩ điều trị cắt cơn, cho dùng thuốc để xóa hoang tưởng, ảo giác. Sau khi đã bình tĩnh thì bệnh nhân sẽ được sống hòa nhập, sinh hoạt, ăn uống và có sự tiếp xúc với những người xung quanh trong khu tập thể để họ sớm hồi phục, hòa nhập cộng đồng.
Tố Tâm