Giao thông cách trở, điều kiện đi lại khó khăn nên bao năm qua người dân một số xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đều mơ ước có được cây cầu kiên cố. Trong dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, một số cây cầu mới được hoàn thành, góp phần nối nhịp bờ vui.
Giao thông cách trở, điều kiện đi lại khó khăn nên bao năm qua người dân một số xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đều mơ ước có được cây cầu kiên cố. Trong dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, một số cây cầu mới được hoàn thành, góp phần nối nhịp bờ vui.
Người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) đi lại trên cây cầu mới kiên cố và an toàn sau nhiều năm chờ đợi |
Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, không khí đón xuân của bà con ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) vui tươi hơn hẳn. Nhiều năm nay, người dân nơi đây đã mơ đến 1 cây cầu bê tông chắc chắn, an toàn kể từ khi cây cầu treo bắc qua sông bị đổ sập.
* Niềm vui ở Tà Lài
Sau khi cầu treo Tà Lài bị sập vào giữa tháng 11-2016, huyện Tân Phú đã đầu tư xây dựng cầu Tà Lài mới bằng bê tông vĩnh cửu. Cầu được khởi công từ tháng 1-2018 với tổng kinh phí trên 77 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh với chiều dài hơn 174m, chiều rộng 8m, gồm 5 nhịp với 2 làn xe, có tải trọng 30 tấn.
Chủ tịch UBND xã Tà Lài (huyện Tân Phú) Phan Phú Khánh cho biết, từ khi cầu treo Tà Lài bị sập, việc lưu thông của người dân ở 2 bên bờ sông gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Do vậy, cầu Tà Lài mới hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp bà con đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Tân Phú. |
Ngày 24-1 vừa qua, UBND huyện chính thức khánh thành và thông xe cầu Tà Lài sau 1 năm thi công, đem lại niềm vui lớn cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp 4. Bởi đây là con đường duy nhất để người dân giao thương hàng hóa và đưa con em đến trường thay thế cho những tháng ngày qua sông phải lụy phà như trước.
“Kể từ ngày cầu treo bị sập, chúng tôi mong ngóng từng ngày, từng giờ. Ai cũng trăn trở, ước có cây cầu kiên cố để qua sông nhất là vào những ngày nước lớn, nước lũ. Ngán ngại nhất là chuyện mua bán, giao thương 2 bên đều trắc trở bởi những bất cập của việc vận chuyển bằng phà” - ông Nguyễn Văn Phước (ngụ ấp 4, xã Tà Lài) bộc bạch.
Với cây cầu bê tông kiên cố vừa hình thành, hình ảnh của một xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn như Tà lài cũng trở nên khác hẳn. Từng chứng kiến nỗi thất vọng, lo âu khi cầu treo sập, chúng tôi không khỏi vui lây với niềm vui ánh lên trên từng khuôn mặt của bà con nơi đây. Bây giờ, xe cộ đi lại đông đúc, xe tải trọng lớn, ô tô khách cũng có thể đi lại 2 bên mà không phải chờ đợi.
Ông Phước hy vọng có cây cầu kiên cố chuyện làm ăn của người dân không còn bị động, phụ thuộc. Những chuyến xe chở nông sản của bà con ấp 4 không bị thương lái ép và trả giá thấp. Các mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày như: gạo, xăng, dầu, vật liệu xây dựng... được mua với giá rẻ hơn. Đời sống người dân trong nay mai sẽ dần ổn định và khấm khá.
Với các em học sinh nơi đây, những buổi đến trường chắc chắn sẽ không còn vất vả, gian nan. Hay tin có cầu mới, nhiều em đã được cha mẹ sắm cho những chiếc xe đạp mới, số khác cũng lấy những xe cũ cất giữ bao lâu nay để đem ra sử dụng. Con đường tới lớp chưa bao giờ liền mạch như thế, chỉ mất vài phút đạp xe là đến nơi.
“Được đạp xe vẫn thích hơn so với cha mẹ chở hoặc cuốc bộ. Chúng em thường tập trung thành nhóm rồi cùng nhau đi học, không phải thấp thỏm lo sợ trên những chuyến phà tròng trành lúc trời mưa gió. Nhờ đó mà việc học hành cũng thuận lợi, khuyến khích các bạn trong lớp đi học đầy đủ” - em Dương Thị Thủy (học sinh lớp 9 Trường THCS Tà Lài) hồ hởi nói.
* Những hy vọng mới
Cách nhau chỉ bởi một con suối, nhưng bao năm qua, người dân ở ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) phải đi đường vòng mất hơn 5km mới đến nơi. Không có cầu, trong khi con đường nhỏ hẹp đầy sình lầy vào mùa mưa, gió bụi mùa khô ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con.
Công nhân làm việc khẩn trương và nhộn nhịp trên công trường xây cầu Bến Thuyền (nối huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận với huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) |
Ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ xã Sông Nhạn) cho hay, ngày khánh thành cây cầu dài 6m nối liền 2 xã Sông Nhạn với Bàu Hàm 2 dịp trước Tết Nguyên đán 2019, người dân nơi đây rất phấn khởi. Cây cầu nhỏ nhưng mang lại niềm vui lớn, là mong đợi từ bấy lâu nay của bà con 2 xã vùng sâu, vùng xa này. Từ nay trở đi, nông sản làm ra theo xe lớn chạy một mạch tới tỉnh lộ 769 để ra huyện Thống Nhất, không phải chờ đợi như trước.
“Khu vực này bà con chủ yếu làm rẫy, nuôi heo nên có cầu mới, đường sá thông thoáng thì trong nay mai kinh tế sẽ đi lên. Nhiều người bây giờ đã tính cách làm giàu, mở rộng sản xuất vì giao thương thuận lợi, đi lại nhanh chóng và an toàn” - ông Thọ bộc bạch.
Sau Tết Nguyên đán, công trình cầu Bến Thuyền nối liền bờ sông La Ngà đoạn thuộc xã Đức Tín, huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) với ấp 10 xã Gia Canh (huyện Định Quán) tiếp tục được thi công với không khí làm việc nhộn nhịp và khẩn trương. Nếu cường độ làm việc được duy trì như vậy thì cây cầu sẽ sớm về đích.
Ông Vũ Mạnh Dương, Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh cho biết cầu Bến Thuyền là một công trình trọng điểm có sự liên kết giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Nhằm tạo ra sự phát triển kinh tế vùng, thông thương hàng hóa, giao thông đi lại cho người dân. Khi các nhịp cầu nối liền, Đồng Nai sẽ tiến hành thi công giai đoạn 4 là làm đường giao thông từ trung tâm xã đi thẳng đến cầu.
Cầu có chiều dài 100m gồm 4 nhịp, rộng 9m với tổng kinh phí xây dựng trên 21 tỷ đồng. Đến nay, công trình đang thi công với khoảng 60% khối lượng công việc. Cầu mới hoàn thành, đoạn đường giữa 2 địa phương sẽ ngắn đi giúp người dân đi lại thuận lợi và an toàn.
“Đây là một công trình để đột phá về kinh tế, xã hội và an ninh - quốc phòng, đồng thời đáp ứng được sự mong mỏi của hàng vạn người dân 2 tỉnh. Với những cố gắng, nỗ lực của cả 2 địa phương, hy vọng cây cầu và hệ thống đường giao thông sớm hoàn thiện sẽ đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu đi lại của người dân nơi đây” - ông Dương nhấn mạnh.
Thanh Hải