Hằng ngày, 3 chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua suối Dưng (ở ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) của ông Nguyễn Hoàng Thông (49 tuổi) có rất đông người qua lại để đi làm, đi học... Nhờ những cây cầu này, người dân trong vùng đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Hằng ngày, 3 chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua suối Dưng (ở ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) của ông Nguyễn Hoàng Thông (49 tuổi) có rất đông người qua lại để đi làm, đi học... Nhờ những cây cầu này, người dân trong vùng đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Cầu dân sinh bắt qua suối Dưng do ông Nguyễn Hoàng Thông (ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) xây dựng |
Con suối Dưng ngoằn ngoèo chảy qua hết rẫy vườn này đến rẫy vườn khác và là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho nhà nông có rẫy vườn ven suối. Tuy vậy, nó cũng là trở ngại lớn đối với người dân ấp 5, ấp 4 xã Thanh Sơn ra vào làm rẫy, vận chuyển nông sản phải phụ thuộc vào đò hoặc đi đường vòng rất bất tiện.
* Tự thiết kế và bỏ kinh phí làm cầu
Do nhà ở bên kia suối, ông Thông cũng cảm thấy bất tiện cho bản thân và người dân. Chính vì vậy, năm 2011, ông đề xuất với địa phương được bỏ vốn ra làm cầu để người dân đi lại cho thuận tiện. Trước đề xuất của ông Thông, lãnh đạo xã Thanh Sơn, Ban điều hành ấp 5, ấp 4 có ý kiến, việc ông đề xuất làm 3 cây cầu ván bắc qua suối Dưng để nối thông tuyến đường dân sinh từ tổ 2, ấp 4 đến ấp 5 của xã là điều rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, để tiến hành làm 3 chiếc cầu này, ông cần có sự đồng thuận của trên 650 hộ dân của 2 ấp.
Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết việc ông Thông tự bỏ số tiền lớn của gia đình làm cầu dân sinh cho người dân ấp 4, ấp 5 đi lại trong khi ngân sách địa phương chưa đầu tư được là điều rất đáng khen ngợi nên địa phương luôn ủng hộ việc làm thiết thực, trách nhiệm của vợ chồng ông. |
Xã, ấp “bật đèn xanh” cho làm cầu và các hộ dân ấp 4, ấp 5 đồng thuận ký vào đơn xin làm cầu của ông để báo cáo với xã, ấp. Ông Thông tự mày mò thiết kế và thi công 3 chiếc cầu ván nhỏ bắt qua 3 đoạn suối Dưng nhằm kết nối các tuyến đường dân sinh lại với nhau, giải quyết được vấn đề đi lại trắc trở và phụ thuộc đò của người dân ấp 4 và ấp 5.
Trước năm 2013, vườn rẫy bên kia suối Dưng còn bạt ngàn mía. Đến mùa thu hoạch, nông dân chủ yếu dựa vào dòng suối Dưng để vận chuyển ra ấp 4 rồi mới thuê xe chở về nhà máy đường. Do đó, ông Thông thiết kế 3 chiếc cầu ván theo kiểu cầu rút nhằm tạo độ tĩnh không cho những ghe chở mía qua lại.
Ông Thông kể, việc thiết kế làm cầu ông phải tham khảo ý kiến của những người hiểu biết về chuyên môn. Sau đó, ông tự đo vẽ, tính toán và rút ra những điều hợp lý mới kêu thợ triển khai. Cũng vì làm cầu dạng rút nên mỗi khi có ghe mía chuẩn bị qua cầu là ông dùng sức kéo cho cầu trượt lên bờ. Ghe mía đi qua, ông tiếp tục dùng sức đẩy cầu về lại vị trí ban đầu để người đi xe máy chạy qua. Thấy ông bỏ ra số tiền trên 200 triệu đồng để làm 3 chiếc cầu ván rút vượt suối Dưng và sửa đường nên mỗi ngày qua suối làm rẫy, các hộ dân lại tự nguyện gửi ông 2 ngàn đồng/lượt xe máy qua 3 cầu. Còn học sinh, giáo viên, cán bộ ấp, xã qua lại cầu hoàn toàn không phải trả phí.
Năm 2015, rẫy vườn bên kia suối Dưng không còn trồng mía nữa nên việc vận chuyển mía theo dòng suối Dưng không còn. Chính vì vậy, ông Thông bắt đầu thiết kế 3 cây cầu rút thành 3 cây cầu ván cố định. Năm 2017, nhận thấy việc đi lại của người dân ấp 4, ấp 5 ngày một nhiều hơn và các cây cầu cũng đã xuống cấp dẫn tới thiếu an toàn, ông Thông không ngần ngại bỏ ra số tiền gần 1 tỷ đồng để thiết kế 3 cây cầu sắt (mặt cầu lót ván, trụ cầu bằng bê tông) và xin đất các chủ rẫy mở rộng đường.
Ông Hồ Văn Kiệt, Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp 5 cho biết, ngày nào ông cũng qua lại 3 cây cầu này, ngày mùa thì vận chuyển nông sản bằng xe máy 6-8 lượt. Vì có rẫy ở đây nên ông tự nguyện trả phí 2 ngàn đồng/lượt để góp phần với mọi người hỗ trợ ông Thông có chi phí duy tu cầu, đường. Nhờ có những cây cầu này, từ nhà ông vào rẫy chỉ mất 7km (giảm 10km đi đường vòng vừa tốn xăng, đường xấu mất thời gian).
* Vươn lên từ nghèo khó
Ông Thông quê tỉnh Tây Ninh, vì kinh tế gia đình khó khăn, năm 1988 khi 18 tuổi ông một mình về vùng đất ấp 4 heo hút làm nghề rừng, làm rẫy thuê. Trong quá trình làm thuê, ông gặp bà Lê Ngọc Hương (Việt kiều Campuchia) và cả hai tự kết duyên vợ chồng.
Nhờ những cây cầu do ông Nguyễn Hoàng Thông (thứ 3 từ trái qua) xây dựng, người dân ở ấp 4, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đi lại thuận lợi hơn |
Dù có 2 mặt con, năm 1997 ông Thông cũng tình nguyện nhập ngũ và được giao về Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Quán. Trước khi ông lên đường nhập ngũ, Ban điều hành ấp 4 và bà con đã kịp dựng lại cho vợ ông cái chòi mới. Trong quá trình tại ngũ, mỗi lần ông được đơn vị cho phép về thăm nhà, vì không có tiền đi xe ôm, ông phải đi bộ từ trung tâm huyện về nhà mất khoảng nửa ngày.
18 tháng quân ngũ trở về, ông Thông tiếp tục được Ban điều hành ấp và nhân dân góp sức cùng vợ chồng ông dựng lại cái chòi mới lần 2. Từ cái chòi lá nghĩa tình này, vợ chồng ông từng bước vượt qua những khốn khó của cuộc sống khi khai phá được hơn 4 hécta rẫy. Đến năm 2003, ông làm thêm nghề mua xoài lá (thuê vườn xoài chăm sóc) thì kinh tế bắt đầu ổn định.
Năm 2015, nông dân vùng đất ấp 4 bắt đầu chuyển đổi mạnh từ điều, xoài sang bưởi, cam, quýt, sầu riêng, vợ chồng ông Thông cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Cũng nhờ thu nhập từ 4 hécta bưởi, cam, quýt, vợ chồng ông Thông vươn lên thành hộ khá của ấp 4.
Chính việc trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống và cảm động bởi nghĩa tình chòm xóm dành cho mình lúc khốn khó nên khi tạo dựng được cuộc sống với kinh tế ổn định, ông Thông luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ những hộ khó khăn trong tổ, ấp. Ngoài chuyện bỏ tiền ra làm cầu dân sinh cho dân đi, ông Thông còn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nông dân trong trồng trọt, cùng với các chức sắc trong Họ đạo giáo khu suối Dưng vận động xây được 7 nhà tình thương cho giáo dân, trao tặng hàng trăm phần quà/năm, nhắc nhở giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo.
Đoàn Phú