Là xã thuần nông của huyện miền núi Xuân Lộc nên nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giúp nhà nông chủ động chuyển đổi cây trồng luôn là sự trăn trở của Đảng bộ xã Lang Minh.
Là xã thuần nông của huyện miền núi Xuân Lộc nên nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giúp nhà nông chủ động chuyển đổi cây trồng luôn là sự trăn trở của Đảng bộ xã Lang Minh.
Đảng viên Trần Văn Hiệp (ngồi bên phải, ngụ ấp Tân Bình 1, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) chuyển đổi đất trồng bắp, cà phê sang thanh long ruột đỏ cho thu nhập trên 600 triệu đồng/hécta/năm |
Trước tình hình đó, cách đây 20 năm, Đảng ủy xã Lang Minh đã ban hành nghị quyết chuyên đề Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất cây bắp lai vụ Đông Xuân và quán triệt đến từng đảng viên thực hiện.
* Đột phá từ trồng bắp vụ Đông Xuân
Để nghị quyết được thực thi khi ban hành, Đảng ủy xã Lang Minh chỉ đạo UBND xã liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng bắp lai, thành lập các tổ tín chấp vay vốn ngân hàng, lập tổ thủy nông để điều phối nguồn nước hồ Suối Vọng, phát động toàn dân khai thông kênh mương nội đồng…
Bí thư Đảng ủy xã Lang Minh Vi Hữu Đông cho hay, từ việc thực hiện các nghị quyết hợp lòng dân của Đảng bộ xã, bộ mặt nông thôn của địa phương tiếp tục khởi sắc, đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng chất đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 58 triệu đồng. |
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể xã, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức họp dân bàn về vấn đề chuyển đổi cây lúa vụ đông xuân sang trồng cây bắp lai. Riêng đảng viên trong xã có đất tại cánh đồng Tây Minh phải làm “đầu tàu” bỏ lúa chuyển sang trồng bắp vụ đông xuân. Còn đảng viên không có đất tại cánh đồng Tây Minh thì có trách nhiệm cùng các đoàn thể, ban ấp ra đồng đôn đốc nông dân thực thi nghị quyết.
Ông Bùi Xuân Miệu, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Tây Minh kể, theo tinh thần nghị quyết, vụ đông xuân năm 2000, trong 300 hécta diện tích lúa tại cánh đồng Tây Minh, nông dân phải chuyển đổi từ cây lúa sang trồng bắp lai tại các chân ruộng thấp là 100 hécta. Do đó, các đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu, cũng như tích cực vận động người dân không xuống giống lúa vụ đông xuân nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho các hộ chuyển sang trồng bắp.
Ngày cây bắp cho thu hoạch đạt 9-10 tạ/sào, cánh đồng Tây Minh như trẩy hội. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, đoàn thể, chi bộ các ấp thở phào nhẹ nhõm khi cây bắp lai giờ đã giải quyết được nỗi lo đất bỏ hoang vụ đông xuân và diện tích lúa vụ đông xuân liên tục thất bát như trước đây.
* Để đồng thêm xanh
Năm 2014, xã Lang Minh xây dựng nông thôn mới thành công và các mô hình 2 bắp 1 lúa/năm, 2 lúa 1 bắp/năm ngày càng phát huy hiệu quả đem lại thu nhập cao cho nhà nông ở 2 cánh đồng Tây Minh và Đông Minh. Năm 2015, để thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết xác định lại mục tiêu, nhiệm vụ đột phá. Trong đó đặc biệt chú trọng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng trên cánh đồng Tây Minh, Đông Minh theo hướng bê tông hóa, điều tiết nước chủ động, tiết kiệm, hiệu quả gắn kết với hệ thống kênh mương hồ Gia Măng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống lưới điện sản xuất trên địa bàn toàn xã. Các nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh liên kết với các công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, xây dựng 2 cánh đồng Tây Minh và Đông Minh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Các cánh đồng ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) xanh ngát màu xanh của bắp vụ Đông Xuân |
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lang Minh Trần Sơn Kim bộc bạch, để nâng chất nông thôn mới ở Lang Minh, Đảng ủy xã liên tục ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, ấp về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thị trường, tăng giá trị sử dụng đất trên cùng diện tích cây trồng...
Bám sát nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy và UBND xã, nông dân, đảng viên, cán bộ 2 ấp Tân Bình 1, Tân Bình 2 mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng tiêu, điều, cà phê kém năng suất sang cây thanh long, cây ăn trái... Vùng trồng lúa tại 2 cánh đồng Tây Minh, Đông Minh đảng viên, nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng cây có múi, thanh long... trên những diện tích phù hợp và nằm ngoài vùng quy hoạch vùng an ninh lương thực.
Do đất quy hoạch vùng an ninh lương thực của xã khá lớn nên chi bộ 2 ấp Tây Minh, Đông Minh sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, đảng viên, cán bộ đã mạnh dạn ra nghị quyết chỉ đạo Ban điều hành ấp, chi hội các đoàn thể, đảng viên, nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích ngoài quy hoạch. Chính sự táo bạo này đưa 2 ấp Tây Minh, Đông Minh từ vùng trồng bắp truyền thống đến nay đã có trên 30 hécta cây công nghiệp, cây ăn trái cho thu nhập trên 500 triệu đồng/hécta/năm (gấp nhiều lần trồng 2 lúa 1 bắp hoặc 2 bắp 1 lúa).
Trong khi đó, Chi bộ ấp Tân Bình 1 và Tân Bình 2 do không có quỹ đất nằm trong quy hoạch an ninh lương thực nên chủ động bám sát Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã quyết liệt chỉ đạo ấp, nông dân, đảng viên, cán bộ chuyển đổi nhanh những diện tích cây trồng không hiệu quả, phù hợp với thị trường để tăng thu nhập, giá trị sử dụng đất.
Bí thư Chi bộ ấp Tân Bình 1 Vương Thị Quy cho biết, từ những diện tích cà phê, tiêu, điều không hiệu quả đến nay ấp Tân Bình 1 chuyển đổi được trên 50 hécta bưởi, thanh long, mít... Thu nhập của các hộ chuyển đổi đạt từ 500-700 triệu đồng/hécta/năm nên tạo động lực, niềm tin và sự phấn khởi cho nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Đoàn Phú