Hơn nửa năm sau khi xảy ra vụ cá nuôi chết hàng loạt tại làng nuôi cá bè La Ngà (huyện Định Quán), đến nay nhiều ngư dân làng bè đã bước vào đợt thu hoạch mới với hy vọng có lợi nhuận để trang trải nợ nần...
Hơn nửa năm sau khi xảy ra vụ cá nuôi chết hàng loạt tại làng nuôi cá bè La Ngà (huyện Định Quán), đến nay nhiều ngư dân làng bè đã bước vào đợt thu hoạch mới với hy vọng có lợi nhuận để trang trải nợ nần và tiếp tục tái sản xuất.
Chợ cá ở làng bè La Ngà hoạt động nhộn nhịp dịp đầu năm mới |
Những ngày đầu xuân năm mới 2019, không khí làm việc ở làng bè La Ngà khá nhộn nhịp. Ngư dân hối hả cho các đợt thu hoạch còn thương lái liên tục đưa ghe đến mua cá, xuất bán đi khắp nơi.
* Hồi hộp vụ nuôi mới
Bước vào mùa khô, nước sông La Ngà bắt đầu hạ thấp, nhưng không vì vậy mà ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá của bà con ngư dân. Cách đây 4-5 tháng, hàng trăm hộ bước vào đợt thả giống mới, một số hộ khác thì gia cố lại bè nuôi để chuẩn bị tái sản xuất.
Ông Phạm Hữu Quyết, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc nhấn mạnh: “Bà con ngư dân không nên thả cá với mật độ quá dày, nhất là vào thời điểm giao mùa mưa, nắng; hạn chế đưa bè cá lên phía trên thượng nguồn sông La Ngà để tránh ảnh hưởng khi có thay đổi về môi trường, thời tiết”. |
Với những giống cá nuôi ngắn ngày như: diêu hồng, rô phi, lóc, trê... từ trước Tết đến nay thương lái đã đến đặt hàng và hỏi mua. Cá đang độ lớn và sắp sửa thu hoạch vì thế mà người dân lúc nào cũng túc trực bên vèo cá để theo dõi tình hình sức khỏe đàn cá cũng như môi trường nước trên sông nhằm kịp thời đối phó, xử lý.
Ông Ngô Văn Tới (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cho hay, trong đợt cá chết giữa năm 2018, gia đình ông lâm vào cảnh trắng tay. 7 vèo cá lăng đã nuôi trên 1 năm bị chết sạch, không tài nào cứu vớt. Chỉ trong phút chốc, số tài sản lớn lên đến hàng trăm triệu đồng “dứt áo” ra đi để lại hụt hẫng với gia đình ông.
Theo ông Tới, lo nhất chính là khoản tiền nợ thức ăn với các đại lý cám. Trong khi số nợ cũ chưa trả hết thì nay phải dồn sức khắc phục hậu quả số cá chết vừa qua. Gần chục năm làm nghề nuôi cá nước ngọt trên sông La Ngà, chưa lúc nào ông gặp cảnh đau lòng như vậy, nhưng không vì thế mà người ngư dân này chịu buông xuôi.
Sau 2 tháng cá chết, ông chạy vạy khắp nơi, tìm đủ cách dồn sức nuôi lại. Đợt này, ông Tới không dám mạo hiểm như lần trước mà chỉ thả nuôi 3 vèo cá lăng còn lại là cá diêu hồng. Ông thả cá nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” để từng bước vượt qua khó khăn. Sau gần 5 tháng xuống giống mới, Tết này gia đình ông đã bán chừng 30 tấn cá diêu hồng, dần vượt qua khó khăn, hồi phục kinh tế.
Cũng gặp hoàn cảnh tương tự, ông Hồ Văn Nam (ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc) chịu thiệt hại khá lớn vì cá chết. Nếu nguồn nước không bị ô nhiễm, 4 vèo cá lăng trên 2 năm tuổi có thể thu về 12 tấn cá thương phẩm, giúp gia đình trang trải nợ nần và chăm lo cho con ăn học. Tuy nhiên, chỉ trong 1 đêm toàn bộ gia sản mất hết, không vớt vát được chút gì.
Sau khi chính quyền địa phương hỗ trợ 115 triệu đồng, lại được đại lý cám tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng/vèo cá, ông Nam mạnh dạn đầu tư cho lứa cá mới. Nuôi cá diêu hồng thời gian nuôi ngắn, cho thu hồi vốn nhanh nên sau Tết bè cá của ông đã có thể xuất bán.
“Nuôi cá bây giờ như đánh cược ván bài lớn vậy. Do phụ thuộc phần lớn vào con nước nên người nuôi cá phập phồng, hồi hộp. Gặp đợt giá bán tốt thì không sao, chứ giá thấp thì chỉ có hòa vốn, lời lãi chẳng bao nhiêu. Nhưng thời điểm ra Tết, nhu cầu thị trường cao sẽ phần nào giúp người nuôi bớt lo lắng” - ông Nam bộc bạch.
* Quy hoạch chăn nuôi bền vững
Ông Nguyễn Văn Đạt (ngụ ấp 5, xã La Ngà) cho hay, gia đình đã bước vào vụ nuôi mới với 5 vèo cá lóc. Đợt này, sau khi sự cố cá chết xảy ra hàng loạt, ông được địa phương và các ngành chức năng trực tiếp thăm hỏi và đưa ra các khuyến cáo để thực hiện chăn nuôi bền vững và an toàn.
Ông Ngô Văn Tới (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cho cá ăn để chuẩn bị xuất bán |
Theo kinh nghiệm của ông Đạt, vào mùa nắng hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm mạnh. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy. Nếu nguồn nước xấu, không đạt tiêu chuẩn (dân trong nghề gọi là con nước liu riu) cá rất kén ăn dẫn đến bỏ ăn. Vì vậy, người nuôi lúc nào cũng phải theo dõi cẩn thận để cân đối nguồn thức ăn và đảm bảo sức khỏe đàn cá.
Không chỉ ngư dân cố gắng từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất mà các thương lái, đầu mối mua cá ở làng bè La Ngà cũng phấn khởi, hoạt động nhộn nhịp dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019. Kể từ khi cá chết, ngư dân bỏ nuôi khiến chuyện kinh doanh của tiểu thương phải tạm gác thì nay nhiều người đã quay trở lại với công việc.
Bà Sáu Bé (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc) hồ hởi nói: “Mỗi ngày cơ sở của tôi xuất đi thị trường hàng chục tấn cá. Đợt cá mới kịp bán đúng dịp Tết Nguyên đán nên ai cũng phấn khởi dù giá cả không được cao như mọi năm”.
Vụ cá chết hàng loạt trên sông La Ngà xảy ra hồi tháng 5-2018 khiến cho 129 hộ nuôi cá của 2 xã La Ngà (52 hộ), Phú Ngọc (77 hộ) bị thiệt hại nặng nề. Tổng thể tích lồng bè bị ảnh hưởng là trên 126,5 ngàn m3; tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân gần 12,3 tỷ đồng. Đến nay, đã được chính quyền 2 xã chi trả xong.
Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc Phạm Hữu Quyết cho biết, đợt cá chết trên sông Là Ngà cuối tháng 5-2018, Phú Ngọc là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Đến nay, đã có gần 2/3 số lồng bè được người dân tái sản xuất. Nhằm giúp bà con ổn định chăn nuôi, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (đơn vị quản lý mặt nước sông La Ngà) lên phương án quy hoạch chăn nuôi cá tập trung.
Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng cá chết hàng loạt, người dân không nên tăng sản lượng, không tập trung lượng lớn bè nuôi, lồng xổng tại một chỗ mà nên giãn khoảng cách giữa các bè, mật độ cá chừng 50-70 con/m3 để có đủ lượng oxy cho cá. Đồng thời, địa phương cũng khuyến cáo ngư dân chỉ nên cho cá một lượng thức ăn vừa phải, tránh thức ăn tự chế và gắn thêm các thiết bị sục oxy cho bè, lồng.
Thanh Hải