Hiện nay, huyện Cẩm Mỹ đang vào mùa thu hoạch tiêu nhưng thiếu nhân công hái tiêu, cộng thêm giá tiêu giảm nên nhiều hộ không đủ tiền thuê người hái đành phải để tiêu tự rụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, thất thoát sản phẩm mà còn tác động xấu đến năng suất năm sau của cây tiêu.
Hiện nay, huyện Cẩm Mỹ đang vào mùa thu hoạch tiêu nhưng thiếu nhân công hái tiêu, cộng thêm giá tiêu giảm nên nhiều hộ không đủ tiền thuê người hái đành phải để tiêu tự rụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, thất thoát sản phẩm mà còn tác động xấu đến năng suất năm sau của cây tiêu.
Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) giúp người dân 2 xã Sông Ray và Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) thu hoạch tiêu |
Trước tình hình trên, Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đã ra quân làm dân vận đột xuất, giúp các hộ gia đình chính sách và gia đình có con em nhập ngũ ở 2 xã có diện tích tiêu lớn nhất huyện là Lâm San (trên 1,5 ngàn hécta) và Sông Ray (trên 770 hécta) thu hoạch tiêu chín.
* “Các anh về mái ấm nhà vui”
Có con trai vừa nhập ngũ cách đây vài ngày, ông Phạm Quý Bảy (ngụ ấp 3, xã Lâm San) đang loay hoay tìm người phụ thu hoạch 2 hécta tiêu của gia đình mà chưa có ai nhận lời dù đã trả tiền công trên 200 ngàn đồng/ngày. Ông Bảy cho hay giá này đã cao hơn năm trước 10 ngàn đồng/ngày nhưng vẫn không có người nhận hái. Trong khi đó giá tiêu hiện nay giảm mạnh, chỉ còn khoảng 45 triệu đồng/tấn (giảm 25 triệu đồng/tấn so với năm 2018).
Trong 3 ngày từ 22 đến 24-2, 225 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đã ra quân làm công tác dân vận đột xuất thu hoạch tiêu chín ở 2 xã Sông Ray và Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) giúp gần 40 hộ thuộc gia đình chính sách, gia đình có con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Dịp này, Sư đoàn 302 cũng triển khai 200 chiến sĩ hỗ trợ người dân huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hoạch tiêu chín. |
Trong lúc đang cùng vợ mua thêm bạt trải ra vườn chờ tiêu chín tự rụng thì ông nhận được tin gia đình ông nằm trong danh sách có cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 về giúp thu hoạch tiêu trong 3 ngày từ 22 đến 24-2 khiến ông rất mừng. Vì vậy, ngay từ sáng sớm ngày 22-2, ông Bảy cùng hơn 20 hộ gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ lần này tập trung rất đông ở Trung tâm văn hóa thể thao học tập cộng đồng xã Lâm San để đưa các chiến sĩ về rẫy giúp bà con thu hoạch tiêu chín.
Ông Bảy vui vẻ nói: “Mỗi nhà được đón 6 chiến sĩ về giúp hái tiêu. Chúng tôi chỉ lo cơm buổi trưa cho các chiến sĩ. Tối họ về ngủ nghỉ tập trung tại Trung tâm văn hóa thể thao học tập cộng đồng xã. Có các chiến sĩ về dân mừng lắm vì đang đúng thời điểm dân cần. Con trai tôi nghe được chuyện này cũng rất phấn khởi và yên tâm hơn khi lên đường nhập ngũ”.
Còn gia đình bà Cao Thị Chọn (ấp 6, xã Sông Ray) có khoảng 1,4 hécta tiêu, bình thường có 4 người tham gia hái tiêu (trong đó phải thuê 2 nhân công). Trong đợt thu hoạch này, bà Chọn là gia đình chính sách nên được các chiến sĩ Trung đoàn 88 về giúp đỡ thu hoạch tiêu nên đỡ phải thuê nhân công. Ông Hồ Văn Chí, con trai bà Chọn cho biết gia đình ông ai nấy đều rất mừng, với sự giúp đỡ của 6 chiến sĩ trẻ khỏe, nhiệt tình, việc thu hoạch tiêu của gia đình đã nhanh hơn rất nhiều. Ông Chí mong rằng những hoạt động dân vận thiết thực này sẽ được thực hiện nhiều hơn, để tinh thần gắn kết giữa quân và dân ngày càng thắm thiết.
3 ngày qua, tại một số vườn tiêu trên địa bàn 2 xã Lâm San và Sông Ray nhộn nhịp, đông vui hơn với sự có mặt của các chiến sĩ Trung đoàn 88. Nhiều chiến sĩ đã tình nguyện leo các thang cao 7-8m để hái tiêu dù đây là lần đầu tiên họ làm công việc này. Chỉ sau vài giờ học hỏi, các chiến sĩ đã nhanh chóng làm quen với công việc thu hoạch tiêu. Họ luôn chọn leo cao hái tiêu ở những vị trí khó nhất và nhường chỗ thấp hơn cho người chủ nhà. Màu xanh của các rẫy tiêu hòa với quân phục xanh của chiến sĩ Trung đoàn 88 làm thành một “bức tranh” sinh động, ấm áp về tình quân dân nơi đây.
Thượng úy Đinh Minh Trương, Chính trị viên Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88 bộc bạch: “Cùng tham gia thu hoạch tiêu chín với người dân vùng này, chúng tôi được trải nghiệm công việc thu hoạch tiêu cũng khá vất vả, nguy hiểm khi phải leo cao để hái tiêu giữa trời nắng nóng gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên khi thấy bà con phấn khởi vì tiêu được thu hoạch nhanh chóng, giảm được phần nào chi phí để ít bị thua lỗ trong mùa vụ này chúng tôi cũng thấy vui lây”.
* Thiết thực và ý nghĩa
Theo lãnh đạo 2 xã Sông Ray và Lâm San, việc thiếu nhân công hái tiêu thì năm nào cũng diễn ra nhưng không trầm trọng bằng năm nay. Mới 3 năm trước, khi giá tiêu còn cao và lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương còn nhiều, xã Lâm San chỉ thiếu khoảng 300-400 nhân công, còn xã Sông Ray chỉ thiếu gần 200 nhân công. Vậy mà năm nay, riêng xã Lâm San thiếu khoảng 3 ngàn nhân công, còn xã Sông Ray thiếu hơn 1 ngàn nhân công.
Ông Phạm Quý Bảy (ngụ ấp 3, xã Lâm San) hướng dẫn chiến sĩ Trung đoàn 88 Sư đoàn 302 (Quân khu 7) thu hoạch tiêu |
Bí thư Đảng ủy xã Lâm San Đào Ngọc Minh lý giải: “Hiện nay do nhiều thanh niên địa phương và các vùng lân cận đi làm công nhân tại các công ty, cơ sở gia công hạt điều mới mở; một số gia đình lại tập trung nuôi tằm nên không còn người đi hái tiêu thuê. Ngoài ra, giá tiêu hiện nay chỉ bằng khoảng 60% giá tiêu cùng kỳ năm ngoái nên người dân không đủ trả tiền thuê nhân công hái. Nhiều hộ dân đã trải bạt để tiêu tự rụng và đi nhặt sau”.
Biết được tình hình khó khăn của người dân tại địa phương nơi đang đóng quân, lãnh đạo Trung đoàn 88 (đóng quân tại huyện Cẩm Mỹ) đã nhanh chóng liên lạc với xã Sông Ray và Lâm San, gấp rút tổ chức đợt dân vận lần thứ 1-2019. Đây cũng là đợt dân vận đột xuất với mục đích giúp các gia đình chính sách, gia đình có con em nhập ngũ thu hoạch tiêu chín, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết quân dân và cũng để làm tốt chính sách hậu phương quân đội.
Đại tá Trần Vinh Ngọc, Phó chính ủy Sư đoàn 302 cho biết: “Chúng tôi giúp nhân dân thu hoạch tiêu không chỉ vì trách nhiệm mà còn là cách thể hiện tình cảm với bà con nơi đơn vị đóng quân. Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện dân vận với hình thức này. Dù chỉ làm dân vận trong 3 ngày nhưng đã tạo được sự gắn kết giữa đơn vị với Đảng ủy chính quyền, nhân dân địa phương”.
Đăng Tùng