Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) có diện tích tự nhiên trên 10 ngàn hécta, được bao bọc bởi rừng và con sông Đồng Nai hiền hòa. Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Sơn ngày càng khoe dáng của một vùng đất trù phú nơi thượng nguồn sông Đồng Nai.
Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) có diện tích tự nhiên trên 10 ngàn hécta, được bao bọc bởi rừng và con sông Đồng Nai hiền hòa. Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Sơn ngày càng khoe dáng của một vùng đất trù phú nơi thượng nguồn sông Đồng Nai.
Những tuyến đường nhựa tạo điểm nhấn để Thanh Sơn thêm đẹp, phát triển. |
Tiếp chuyện chúng tôi trong niềm vui khi địa phương kịp về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho biết, Thanh Sơn tươi đẹp, sung túc, phát triển như hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn của Nhà nước; sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân địa phương.
* Điểm tô cuộc sống
Từ vùng đất ấp 5, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) thuộc diện đặc biệt khó khăn, năm 1994 Thanh Sơn trở thành xã với 8 ấp, dân số khoảng 5 ngàn hộ. Ông Ngô Văn Sơn kể, lúc đó UBND xã phải mượn khu nhà cấp 4 cũ kỹ của Lâm trường La Ngà (nay là Công ty TNHH một thành viên La Ngà) làm trụ sở. Cán bộ lẫn người dân cùng sống trong cảnh không điện, không đường.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn Đỗ Thành Trung cho rằng sự phát triển của Thanh Sơn hôm nay ngoài nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của từng người dân còn có sự đóng góp rất lớn, quý giá của đội ngũ trí thức (giáo viên, cán bộ). Chính sự quyết tâm bám trụ, gắn bó của đội ngũ trí thức từ những năm tháng khó khăn đã góp phần đào tạo nên nguồn nhân lực có trình độ cho địa phương. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Thanh Sơn ngày càng phát triển như ngày nay. |
2 năm sau, khu vực bến phà Thanh Sơn bừng lên ánh điện từ hệ thống đường dây trung thế vượt sông, tuyến đường cấp phối dài 10km nối các khu dân cư với nhau và các chương trình đi kèm như: điểm trường, trạm xá, nhà ở, vốn vay... được Nhà nước ưu tiên đầu tư đã nhanh chóng tạo thêm niềm tin, sự kỳ vọng vào sự đổi thay của người dân nơi vùng đất Thanh Sơn vốn khó khăn nhất huyện Định Quán.
Nông dân Hai Thăng (ấp 2) kể lại: “Thời đó, nông dân tại các ấp không có điện, đường đẹp như khu vực bến phà Thanh Sơn đã thỉnh thoảng rủ nhau ra đó hát karaoke, ngắm điện, đường rồi về nhà ước ao, mong chờ ngày có điện”.
Rồi theo năm tháng, vùng rừng Thanh Sơn từng bước lóe lên ánh sáng điện khi đường dây trung, hạ thế do Nhà nước liên tiếp đầu tư. Song hành với hệ thống lưới điện là những khu dân cư với những mái nhà cấp 4 vững chắc, hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng, đường được trải nhựa, trường học được đầu tư khang trang... Đặc biệt, chính sách xóa nhà tạm, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi năng suất cao, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, chăm lo con em học hành được địa phương rất quan tâm.
Đến mùa xuân năm 2005, Thanh Sơn không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn nữa khi cơ sở hạ tầng, kinh tế phát triển, đời sống dân sinh được nâng cao hơn trước gấp nhiều lần. Ông Đinh Võ Bắc, Bí thư Chi bộ ấp 4 cho biết thời điểm đó không phải khu dân cư nào cũng có điện, có đường nhựa, cấp phối to đẹp vì xã Thanh Sơn vẫn còn 2 ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn (ấp 3 và ấp 8). Tuy vậy, người dân vẫn tự hào, hãnh diện, vững tin khi chính quyền càng gần, sát dân thì Thanh Sơn sớm muộn gì cũng “cất cánh”.
Thầy giáo Lê Văn Khâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Sơn tâm sự, ông cảm nhận sự đổi thay của Thanh Sơn qua những học trò nhỏ của mình, khi ngày càng có nhiều em vượt qua khó khăn, thiếu thốn được trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng uy tín. Nhiều học sinh ở Thanh Sơn đã viết lên những câu chuyện đẹp về sự ham học, nghị lực vươn lên trong học tập, tạo thành một truyền thống hiếu học đáng quý ở vùng sâu, vùng xa này.
* Xuân về cù lao thêm xanh
Những ngày đầu tháng Chạp, cánh đồng lúa 3 vụ Bàu Lùng, Bàu Kiên vàng rực sắc xuân đang chờ thu hoạch. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn Lê Văn Bích cho biết nông dân xã đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng đầu tư các vườn cây ăn trái như: cam, quýt, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, riêng cây lúa thì xây dựng cánh đồng mẫu 3 vụ năng suất cao.
Vườn cây ăn trái của nông dân Thanh Sơn đem lại thu nhập trên 600 triệu đồng/hécta/năm. |
Để khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông sản sạch (tiêu chuẩn VietGap) Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh xã đã xây dựng trên 50 tổ tín chấp, giúp cho hàng trăm hội viên vay số tiền 118 tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi xem vườn quýt, bưởi, sầu riêng và ngắm những cây cầu bắt qua con suối Dưng quanh co do gia đình bỏ tiền túi ra đầu tư gần 1 tỷ đồng, nông dân Nguyễn Hoàng Thông (ấp 4) kể, nhờ các hộ dân hiến đất nên ông bỏ tiền ra làm 3 cây cầu sắt và tuyến đường đất cho người dân ấp 4, ấp 5 đi lại, vận chuyển nông sản ra bên ngoài thuận tiện hơn trước kia gấp nhiều lần. Ông Thông còn ấp ủ ý tưởng sẽ biến 3,9 hécta vườn cây ăn trái của gia đình thành khu sinh thái trong tương lai nhằm gia tăng thêm giá trị sử dụng đất, giới thiệu cây xanh, trái ngọt vùng đất cù lao Thanh Sơn đến với khách phương xa.
Vốn là xã thuần nông, nay Thanh Sơn đang chuyển mình theo hướng nông lâm nghiệp chiếm dưới 65%, tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ lên trên 35%. Ông Bùi Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, trước kia địa phương khó khăn về địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung. Nay lợi thế về quỹ đất, hạ tầng được đầu tư tương đối tốt nên Thanh Sơn trong nay mai sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách với môi trường xanh - sạch - đẹp, vẻ đẹp tự nhiên của 2 khu du lịch: thác Thượng, thác Ba Giọt... và các khu du lịch sinh thái vườn khi được đưa vào khai thác.
Đoàn Phú