Trà Phú Hội vốn kết tinh từ đất, nước và tay nghề rang, ướp thủ công của người trồng trà xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) nên hương vị khác biệt với các loại trà nổi tiếng ở những vùng, miền khác.
Trà Phú Hội vốn kết tinh từ đất, nước và tay nghề rang, ướp thủ công của người trồng trà xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) nên hương vị khác biệt với các loại trà nổi tiếng ở những vùng, miền khác.
Bà Năm Bế (ấp Xóm Hố) mời khách ly trà Phú Hội do chính bà rang, ướp. |
Để có được ấm trà Phú Hội chính hiệu đãi khách ngày xuân, người sành trà phải dặn chủ vườn trà ở xã Phú Hội cả tháng trước tết may ra mới mua được ít nhiều. Bởi số lượng trà Phú Hội hiện trồng ngày càng giảm; cách rang, ướp trà của người Phú Hội vẫn còn thủ công nên phải mất nhiều thời gian hơn.
* Đặc trưng của trà Phú Hội
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Quốc (102 tuổi, ấp Đất Mới) hóm hém bộc bạch, cây trà có ở Phú Hội trước khi bà ra đời. Bà không biết rõ giống trà được đem về trồng ở vùng đất Phú Hội từ năm nào, chỉ biết được thời đất nước còn kháng chiến chống Pháp, cây trà đã xanh um và nghề hái trà, chế biến trà thủ công đã xuất hiện, phát triển mạnh cho tới năm 1975.
Toàn xã Phú Hội hiện chỉ còn hơn 7 hécta trồng trà và cây trà được trồng xen canh dưới các tán cây ăn trái của 32 hộ nông dân. Để vực dậy vườn trà Phú Hội và nghề rang, ướp trà thủ công như trước đây, đầu năm 2019 Hội Nông dân xã Phú Hội đã thông qua kế hoạch thành lập mô hình trồng trà Phú Hội (hình thức tổ hợp tác) để tiến tới quy tụ người trồng trà, nâng diện tích trồng trà Phú Hội lên 10 hécta vào năm 2020. |
Trước năm 1975, vùng đất Phú Hội với bạt ngàn vườn, đồi trà. Cây trà được người dân trồng độc canh hoặc xen canh trong các vườn cây ăn trái như: chôm chôm, mít, sầu riêng... Thời gian đó, ở Phú Hội có 3 cơ sở chế biến trà Phú Hội quy mô lớn và hàng trăm hộ gia đình rang, ướp trà theo kiểu thủ công. Trà Phú Hội ngày ấy được các thương lái chở về Sài Gòn trao đổi, buôn bán.
Sau năm 1975, cây trà Phú Hội và nghề rang, ướp trà thủ công vẫn còn trong dân nhưng giá trị cây trà đem lại thu nhập không cao bằng lúc trước nên người dân Phú Hội lần lượt bỏ hoang vườn trà hoặc chuyển đất trồng trà sang trồng các cây ăn trái khác. Vì vậy, nghề rang, ướp trà thủ công chỉ được các hộ còn trồng trà duy trì và hoạt động nhỏ lẻ nhằm kiếm thêm thu nhập.
Theo các hộ dân sống lâu năm ở xã Phú Hội, cách rang, ướp trà Phú Hội thủ công xưa và nay vốn theo một công thức, lá trà tươi được hái xong đem đạp rồi phơi nắng, sau đó đem rang, ướp với lá trà Phật, lá ren, lá dứa, hoa lài tạo nên một hương vị thơm ngon đặc trưng của cây trà và vùng đất Phú Hội.
Ông Lê Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội cho biết cây trà Phú Hội rất khó ươm để nhân giống và nhạy cảm với các loại phân, thuốc hóa học cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trong quá trình đô thị hóa của địa phương. Do đó, để phục hồi lại vườn trà, người trồng trà Phú Hội tốn rất nhiều thời gian, phải có nhiều kinh nghiệm và phải là người tâm huyết với cây trà mới thành công. Do đó, địa phương khuyến khích những người trồng trà trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trà cho nhau, giữ lại những gốc trà lâu năm bên cạnh trồng thêm diện tích mới.
* Giữ hương cho trà Phú Hội
Trà Phú Hội được chế biến thủ công chưa tẩm ướp hiện có giá 500 ngàn đồng/kg khô; được tẩm ướp thêm 3 hoặc 4 hương liệu khác thì có giá 600 ngàn đồng/kg khô. Dù trà Phú Hội hiện nay có giá trị cao nhưng số lượng trà Phú Hội sản xuất từ các nhà vườn không nhiều.
Người dân xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) thu hoạch trà. |
Bà Năm Bế (ấp Xóm Hố) tâm sự, để làm ra được 1kg trà Phú Hội khô phải mất 5kg đọt trà tươi và các loại khác như: trà Phật, lá ren, lá dứa, hoa lài. Vườn trà 150 gốc lớn nhỏ trồng dưới tán cây ăn trái các loại của gia đình bà chỉ thu hoạch 5-10 kg lá tươi/đợt (10 ngày thu hoạch/đợt). Cho nên, trà gia đình bà chế biến không đủ bán cho những người thân quen uống hoặc đem biếu tặng cho người thân ở nước ngoài. Bởi vậy, trà Phú Hội nay trở thành mặt hàng cao giá, không còn bình dân, giá rẻ, dễ mua như trước nữa.
Bên ly trà Phú Hội nóng, tỏa hương thơm ngát, bà giáo về hưu Nguyễn Thị Lít (ấp Xóm Hố) cho biết gia đình bà vốn có truyền thống trồng và rang, ướp trà Phú Hội. Cách sơ chế trà Phú Hội thủ công ngày nay mọi người dùng ủng để đạp (chứ không như ngày xưa dùng chân trần) nhằm giữ vệ sinh và khỏi bị nhựa trà bám vào da. Quy trình pha trộn lá trà Phú Hội phơi khô với các loại lá để rang, ướp giữa các hộ có đôi chút khác nhau nhưng tất cả cũng nhằm mục đích tạo nên hương vị riêng của trà Phú Hội.
Ông Đặng Thanh Phong (ấp Phú Mỹ 2) bộc bạch, do trà Phú Hội cung không đủ cầu nên cũng bị làm “nhái”. Một số người đã lấy lá trà xanh của các vùng khác về chế biến thủ công như trà Phú Hội để bán với giá rẻ hơn, phổ biến hơn. Tuy nhiên, người sành trà Phú Hội uống vào sẽ biết ngay đó là trà “nhái” vì phân biệt được màu sắc nước trà, vị thơm ngọt đặc trưng của trà Phú Hội.
Ông Lê Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội cho hay những năm gần đây ngày càng có nhiều người tìm mua trà Phú Hội để sử dụng hoặc làm quà cho người thân trong và ngoài nước, làm quà biếu tết nên nhiều hộ nông dân xã Phú Hội đang tiến hành cải tạo, khôi phục và trồng mới cây trà Phú Hội.
Tuy nhiên, việc phục hồi lại vườn trà, nghề chế biến trà thủ công nơi vùng đất Phú Hội hiện đang gặp trở ngại. Đó là địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nên quỹ đất phù hợp với cây trà (vùng triền đồi) không còn nhiều; môi trường, nguồn nước, chất đất bị tác động bởi công nghiệp nên ảnh hưởng tới cây trà Phú Hội vốn rất nhạy cảm.
Ông Phạm Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Phú Hội bày tỏ, địa phương vẫn ủng hộ Hội Nông dân xã khôi phục lại diện tích trồng trà, nghề chế biến trà truyền thống và tiến tới đăng ký thương hiệu trà Phú Hội để lưu giữ đặc sản nổi tiếng của vùng đất Phú Hội anh hùng.
Đoàn Phú