Duy tu, sửa chữa đường thủy nội địa là công việc khá vất vả, nhất là sửa chữa các phao, biển báo định kỳ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không am hiểu sông nước và có khả năng bơi lội tốt.
Duy tu, sửa chữa đường thủy nội địa là công việc khá vất vả, nhất là sửa chữa các phao, biển báo định kỳ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không am hiểu sông nước và có khả năng bơi lội tốt.
Công nhân duy tu đường thủy đang gia cố lại những chi tiết trên phao tiêu đường thủy ở sông Cái. |
Một ngày đầu năm 2019, chiếc ghe chở tốp công nhân duy tu đường thủy của Công ty TNHH Bá Lộc (thầu gói duy tu đường thủy nội địa do tỉnh quản lý, trụ sở đặt tại TP.Biên Hòa) đến những vị trí phao, biển báo cần được sửa chữa ở sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai chảy qua địa bàn TP.Biên Hòa), bắt đầu một ngày làm việc vất vả.
* “Đánh đu” theo con sóng
Ghe vừa dừng ở vị trí một phao tiêu, tốp công nhân nhanh chóng chia nhau mỗi người một việc, người neo ghe, người kiểm tra tình trạng phao, người chuẩn bị dụng cụ sửa chữa... Trên mũi ghe, 3 người dùng tay giữ phao tiêu không rung lắc để một công nhân khác kiểm tra, khắc phục những vị trí bị lỏng ốc, lỏng dây ràng, hư đèn, chỉnh lại phao bị dạt sai vị trí và sơn lại những chỗ bong tróc.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai cho hay, hiện toàn tỉnh có 13 tuyến sông với tổng chiều dài gần 115km do khu quản lý. Trong 13 tuyến trên đã bố trí trên 100 báo hiệu các loại và 56 phao tiêu báo hiệu. Hằng năm, những công nhân làm công tác duy tu đường thủy nội địa có vai trò rất quan trọng, giúp các phương tiện đường thủy di chuyển an toàn. |
Anh Nguyễn Thành Đông (công nhân duy tu đường sông Công ty TNHH Bá Lộc) cho biết một phao tiêu (dùng xác định luồng di chuyển cho phương tiện thủy) gồm nhiều bộ phận, chìm dưới đáy sông là “con rùa” làm bằng bê tông, nối với phao bằng dây xích có chức năng neo phao ở vị trí nhất định; trên cùng là phao được sơn màu để xác định bờ trái, phải cùng đèn chớp nháy chạy bằng năng lượng mặt trời.
Định kỳ mỗi năm 2 lần vào giữa và cuối năm, công nhân sẽ duy tu sửa chữa đồng loạt các phao. Ngoài ra, hằng tuần khi đi kiểm tra, nếu phát hiện hư hỏng, công nhân bộ phận duy tu sửa chữa cũng sẽ tiến hành khắc phục ngay.
“Dưới sức cản của gió và nước, nếu chỉ 1-2 người sẽ không thể nào hoàn thành được các công việc. Mỗi khi có ghe, sà lan lớn đi ngang qua là phao và ghe duy tu đang neo lại lắc mạnh theo sóng, lúc đó, chúng tôi phải tạm ngưng việc chờ phao ổn định mới tiếp tục công việc để đảm bảo an toàn” - anh Đông chia sẻ.
Đây là công việc đặc thù ở môi trường sông nước nên thao tác rất tỉ mỉ và “ngốn” rất nhiều thời gian so với duy tu, sửa chữa trên bờ. Do làm việc ở môi trường sông nước bấp bênh nên những nguy hiểm sẽ đến với người thợ bất kỳ lúc nào. Những vật trôi nổi trên sông va vào phao lúc người thợ đang mải mê làm có thể khiến họ té nhào xuống nước. Hoặc những sà lan, ca-nô lướt ngang qua tạo sóng mạnh đột ngột có thể khiến công nhân đang bám vào phao tiêu mất thăng bằng té ngã... Do đó, công nhân bộ phận duy tu đường thủy nội địa luôn nhắc nhở, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc để không có sự cố đáng tiếc xảy ra.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng (công nhân duy tu đường sông Công ty TNHH Bá Lộc) kể lại: “Mới đây, khi đi sơn biển báo ở tuyến đường sông thuộc huyện Nhơn Trạch, khi chúng tôi tìm cách tiếp cận, leo lên một biển báo thì bất chợt biển báo đổ ập xuống. Lúc đó, chúng tôi nhanh chân nhảy xuống ghe nên không bị thương, nếu đổ ập cùng biển báo thì sẽ nguy hiểm lắm”.
* Giữ an toàn cho tàu thuyền
Ngoài việc duy tu, bảo dưỡng các phao tiêu, biển báo thì công việc thường xuyên của những công nhân duy tu, bảo trì đường thủy nội địa là đi dọc các tuyến sông phát hiện các hành vi xâm phạm trái phép trong phạm vi luồng và hành lang luồng, phát quang cây cối che biển báo, kiểm tra vào các đợt mưa bão. Hằng đêm luôn có ca trực trên ghe để xử lý sự cố. Các dịp lễ, tết hay có bão lũ, công ty luôn bố trí công nhân trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường thủy.
Để duy tu một phao tiêu đường thủy cần có sự phối hợp của nhiều người để đảm bảo an toàn. |
Anh Nguyễn Thanh Hoàng cho biết thêm, các phao tiêu, biển báo đường thủy có chức năng y hệt đèn giao thông, biển báo đường bộ, nếu đèn gặp trục trặc nhảy màu lung tung hoặc biển báo bị mờ sẽ khiến cho giao thông hỗn loạn. Còn trên sông nước, phương tiện rất nặng nề, lại phải di chuyển ngược xuôi theo dòng nước nên xử lý tình huống khó hơn, vì vậy nhiệm vụ của công nhân duy tu đường sông phải luôn đảm bảo phao tiêu, biển báo hoạt động tốt, sáng rõ cho các phương tiện đường thủy đi lại an toàn.
Đặc biệt vào những lúc mưa dông, các phao tiêu, biển báo đường thủy bị đứt xích trôi hoặc lệch hướng... Khi đó, nếu có tin báo về là những công nhân duy tu sửa chữa đường thủy nội địa phải lên đường tìm kiếm ngay, tránh để phao trôi tự do, gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Có những lúc phao bị hư hại, đứt xích trôi dạt vào các kênh, rạch sâu hoặc dạt vào bờ, công nhân duy tu phải đi tìm kiếm nhiều giờ liền mới phát hiện ra và đưa về neo lại vị trí cũ.
Ông Nguyễn Trần Minh Triết, Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Lộc cho hay việc thi công duy tu các phao tiêu phải theo con nước, nước lớn thì ghe di chuyển dễ dàng hơn, đó là chưa kể những đoạn sông ô nhiễm, nước, rác thải trôi dày đặc nhưng công nhân vẫn phải nhảy xuống trục vớt phao. Với tính chất công việc vất vả nên công ty luôn nhắc nhở công nhân phải cố gắng và cẩn thận trong quá trình bảo dưỡng nhằm giúp biển báo, phao tiêu mới ít bị hư hỏng nặng, lần bảo dưỡng sau sẽ đỡ vất vả và an toàn đường thủy nội địa đảm bảo hơn.
Đăng Tùng