Trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng, thương lái từ nhiều nơi đã đổ về vùng trồng bưởi nổi tiếng Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đặt hàng với chủ vườn, chờ đúng dịp tết thì gom hàng đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng, thương lái từ nhiều nơi đã đổ về vùng trồng bưởi nổi tiếng Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đặt hàng với chủ vườn, chờ đúng dịp tết thì gom hàng đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thương lái phân loại bưởi Tân Triều sau khi mua tại vườn ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) |
Những tháng gần Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, tại làng bưởi Tân Triều không chỉ các nhà vườn bận rộn, vất vả chăm lo cho cây bưởi mà các thương lái cũng tất bật, lùng sục khắp làng bưởi để chọn cho mình vườn cây ưng ý có trái sai, đẹp và to rồi ngã giá, đặt cọc tiền.
* Đổ xô buôn bưởi
Cách mua bán này được những người trong nghề gọi là “mua mão”, ví như “canh bạc” mạo hiểm vì không biết giá cả, nhu cầu thị trường như thế nào. Bởi họ sẽ mua bưởi ngay trên cây từ lúc trái chưa chín sau đó thuê người kết hợp với chủ vườn cùng chăm sóc cho đến khi trái đạt chất lượng và thu hoạch.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) Phan Phụng Tiên cho biết, toàn xã hiện có 383 hécta đất trồng bưởi. Nhờ cây bưởi mà thu nhập của nông dân ở địa phương ngày càng nâng cao. Đặc biệt, nông dân không phải lo lắng nhiều đến đầu ra vì bưởi trồng ra đều được thương lái tìm về thu mua, phân phối đi khắp nơi góp phần quảng bá thương hiệu bưởi Tân Triều đến khắp mọi miền trong cả nước. |
Ông Vũ Ngọc Huy (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, gia đình ông không có đất trồng bưởi nhưng ông lại am hiểu về giống cây có múi này. Nhờ vậy, ông đủ kinh nghiệm để đi buôn bưởi nhiều năm nay. Làm nghề này ngoài cần số tiền lớn để đổ dồn mua cả vườn bưởi rộng lớn thì cũng cần sự nhạy bén với thị trường.
Gặp năm giá bưởi tốt, nhu cầu lớn, bưởi thu gom bao nhiêu cũng bán hết sạch dù cách tết cả chục ngày là năm đó thắng lớn. Tuy nhiên, khi thị trường không chạy hàng thì cầm chắc lỗ, bởi tất cả vốn liếng đều đổ vào vườn bưởi. Như Tết năm 2018, thông tin bưởi Tân Triều “hút” hàng, giá tốt, nhưng đến lúc thương lái bung hàng ra bán thì lại tiêu thụ chậm dẫn đến khó bán, nhiều người không có lời.
“Dân đi buôn bưởi sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua cả vườn rộng mấy mẫu. Sau khi chốt giá xong sẽ liên hệ với các mối lớn khắp các tỉnh, thành để giao kèo, mua đứt luôn. Cách làm này không lo dội hàng vì chủ động được nguồn tiêu thụ” - ông Huy bộc bạch.
Từ rằm tháng Chạp trở đi, dọc 2 bên đường dẫn vào vựa bưởi Tân Triều, từng sạp bưởi, cửa hàng nhỏ lẻ bắt đầu mọc lên nhiều hơn. Đây chính là những cơ sở thu mua bưởi trực tiếp từ nông dân, sau đó phân phối cho các sạp hàng, siêu thị hay chợ truyền thống. Bưởi hái về được chủ cơ sở chọn lựa cẩn thận từng trái rồi đóng thùng gửi xe tải chở đi khắp các địa phương trong tỉnh, xa hơn nữa là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, thậm chí là các tỉnh Tây nguyên.
Bà Tám Duyên (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, ngày thường bà chỉ kinh doanh nhỏ, nhưng cứ đến gần tết là bà gom tiền đi mua bưởi đem về bỏ mối cho các bạn hàng lớn. Bà thuê một ki-ốt ngay đầu đường vào làng bưởi làm nơi tập kết rồi thuê người đi thu hoạch, lựa hàng, đóng gói đưa đi bán ở tỉnh xa.
“Mỗi năm chỉ có một vụ tết, làm một vụ ăn một năm nên dồn sức, dồn của để buôn bán chấp nhận một lời, một lỗ. Nghề này bây giờ cạnh tranh khốc liệt, nếu như trước đây chỉ vài ba người thì nay đã lên đến hàng chục người. Một số người làm ăn chụp giật, mua bưởi gốc tại đây rồi lấy hàng từ nơi khác trộn với nhau gắn mác bưởi Tân Triều để đem bán với giá cao nên ảnh hưởng rất lớn đến chuyện làm ăn của chúng tôi” - bà Tám Duyên bức xúc.
* Hồi hộp đến ngày cuối
Với những thương lái và cơ sở thu mua bưởi, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi là cao điểm thu hoạch vụ bưởi tết. Chỉ chờ bạn hàng gật đầu đồng ý, họ sẽ tập trung nhân lực để cắt trái, phân loại và đóng thùng đưa đi. Năm nay, bưởi Tân Triều được mùa, trái đẹp đúng như mong đợi của nông dân. Tuy nhiên, các thương lái vẫn đang hồi hộp, lo lắng chờ những ngày cận tết khi sức mua tăng, giá bán được đẩy lên cao, đối với thương lái lúc đó tết mới thực sự bắt đầu.
Vườn bưởi đường da cam trong làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) đang chờ thu hoạch vụ tết |
Bà Nguyễn Thị Vân (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, năm nào bà cũng đặt mua từ các vườn bưởi trong làng hàng chục ngàn trái. Giá bưởi tăng theo từng ngày, thời điểm từ rằm đến 20 tháng Chạp giá chỉ cao hơn ngày thường 100-200 ngàn đồng/chục (loại 12 trái), nhưng sau ngày 20 sẽ bán với giá tết. Khách mua càng sớm giá càng rẻ và có nhiều lựa chọn sao cho ưng ý.
Theo “bật mí” của bà, giá bưởi đường lá cam loại nhất hiện mua tại vườn từ 700-800 ngàn đồng/chục, loại nhì 300-400 ngàn đồng/chục, nhưng khi đến tay người tiêu dùng giá tăng cao do qua nhiều khâu trung gian. Cận tết, hàng loại nhất được đẩy lên 1-1,2 triệu đồng/chục, loại nhì khoảng 600-800 ngàn đồng/chục. Khoảng mấy năm trở lại đây, sức hút từ thương hiệu bưởi Tân Triều rất lớn nên năm nào cứ vào ngày 27, 28 tháng Chạp là “cháy” hàng, không còn để bán.
“Năm nay không biết giá cả như thế nào, nhưng hiện tại bưởi bán khá chạy. Số lượng được bạn hàng đặt đều tăng so với những năm trước đây nên người bán cũng yên tâm. Nếu cứ duy trì giá cả như vậy cho đến hết tết thì chắc chắn nhiều người sẽ có lời. Đến năm sau lại đổ xô quay lại đây để kiếm vận may” - bà Vân tâm sự.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp cận kề, sự nhộn nhịp và hối hả của người bán lẫn người mua bưởi đã tạo nên một bầu không khí tấp nập, rộn rã ở khắp các ngã đường đổ về làng bưởi Tân Triều. Đối với người dân ở làng bưởi, đây là một không khí quen thuộc báo hiệu mùa xuân đang đến rất gần. Năm nay, đi đâu người dân trong vùng cũng phấn khởi nói về cây bưởi được mùa, bà con nông dân sẽ đón một cái tết đủ đầy, sung túc hơn.
Thanh Hải