Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn lên từ rừng già Phú Lý

10:12, 17/12/2018

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giữa tháng 12, rừng già Phú Lý "rủ nhau" thay lá mới. Nhìn khung cảnh này, bà Lưu Thị Kim (71 tuổi, ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, người dân tộc Tày) chợt nhớ lại những ngày đầu tiên cùng với chồng là ông Ninh Sui Đào (nguyên Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng, mất năm 2011) dắt díu đàn con từ tỉnh Bắc Giang vào rừng già Phú Lý để mưu sinh.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giữa tháng 12, rừng già Phú Lý “rủ nhau” thay lá mới. Nhìn khung cảnh này, bà Lưu Thị Kim (71 tuổi, ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, người dân tộc Tày) chợt nhớ lại những ngày đầu tiên cùng với chồng là ông Ninh Sui Đào (nguyên Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng, mất năm 2011) dắt díu đàn con từ tỉnh Bắc Giang vào rừng già Phú Lý để mưu sinh.

Chị Ninh Thị Gái và các em học sinh Trường tiểu học Bàu Phụng trên tuyến đường sáng- xanh- sạch - đẹp ở ấp Bàu Phụng, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được xây dựng vào đầu năm 2018.
Chị Ninh Thị Gái và các em học sinh Trường tiểu học Bàu Phụng trên tuyến đường sáng- xanh- sạch - đẹp ở ấp Bàu Phụng, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được xây dựng vào đầu năm 2018.

Bà Kim vẫn còn nhớ cách đây 33 năm, khi chuyến tàu chợ dừng nhanh nơi Ga Bàu Cá (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom), vợ chồng bà tay bồng, tay dắt con thơ, đeo đồ đạc lỉnh kỉnh rời ga, hỏi dò đường về chòm rừng tổ 2, ấp Bàu Phụng (xã Phú Lý) nơi có người cậu ruột đang đợi.

* Mưu sinh ở ven rừng

Chòm rừng tổ 2, ấp Bàu Phụng vào giữa những năm 1980 như tấm da beo, loang lổ dấu tích bàn tay con người khai thác những cây gỗ to bỏ lại những cây gỗ nhỏ cùng những khoảng đất trống mênh mông. Vợ chồng ông Đào, bà Kim dựng lên cái chòi nhỏ ven rừng để cùng với một vài nhóm người Kinh di cư đến đây ra sức vỡ đất trống làm rẫy. 

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Lê Thị Ngọc Nga cho biết, ấp Bàu Phụng có trên 700 hộ dân, đa phần là dân nhập cư từ các tỉnh miền Bắc. Gia đình ông Đào, bà Kim là một trong 4 hộ dân Bắc Giang hiếm hoi trong xã chọn vùng rừng Phú Lý lập nghiệp. Nghị lực vượt khó của người thương binh, cựu chiến binh, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng Ninh Sui Đào và sự ham học, hiếu thảo, nhiệt huyết với phong trào của cô con gái Ninh Thị Gái luôn là tấm gương sáng để đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp học tập, phấn đấu. 

Vợ chồng ông Đào, bà Kim dọn phá được một khu đất rẫy rộng trồng, tỉa lên những vụ lúa, bắp, mì... đủ cho 9 nhân khẩu trong gia đình no cái bụng và chia sẻ một phần lương thực thu hoạch được với những người di cư đến sau.

Mấy năm đầu đất rừng mới phát dọn ít cỏ, không cần bón phân nhưng lúa, đậu, bắp, mì... vẫn xanh tốt. Tuy vậy, vợ chồng ông Đào, bà Kim vẫn canh cánh lo vì hoa màu liên tục bị thú, chim rừng phá hoại.

Bà Kim kể, vợ chồng bà sợ nhất là lũ khỉ rừng kéo bầy hàng chục con lao vào đám bắp gia đình quậy phá. Riêng chim két thì kéo từng bầy sà tới đâu là đám lúa rẫy, đậu xanh tan hoang tới đó. Cho nên vụ mùa nào thú, chim rừng cũng cướp mất 1/3-1/2 năng suất cây trồng  làm cho nhà nông khốn khó, thiếu ăn. Thấy vậy, một số hộ bỏ rẫy cũ hoặc chuyển nhượng rẻ để đi nơi khác. Riêng vợ chồng ông Đào, bà Kim vẫn kiên trì bám trụ. Bà Kim phải dẫn 2 con trai lớn đi làm thuê. Còn ông Đào ở nhà lo chăm sóc vườn rẫy của gia đình, tham gia công tác trong Hội Cựu chiến binh, Mặt trận ấp và chăm sóc 5 con nhỏ: Doóng, Năm, Tý, Gái, Hiền ăn học.

Năm 1990, nông dân xã Phú Lý bắt đầu thay thế những cây ngắn ngày bằng mía, điều, nhãn để có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, do đầu ra của các cây trồng này chưa ổn định nên nông dân cứ trồng chặt - chặt trồng và gia đình ông Đào, bà Kim vẫn khó khăn khi rơi vào vòng xoáy này.

Đến năm 2000, ông Đào và các con ngồi lại bàn nhau ra xã Mã Đà học dân miền Tây Nam bộ cách trồng xoài vì thời điểm này cây xoài 3 mùa đang cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/hécta/năm. Vậy là, mấy cha con ông Đào chuyển đổi hết 4,7 hécta đất rẫy sang trồng xoài 3 mùa.

* Nối tiếp công việc của cha

Nhờ cây xoài 3 mùa cho thu nhập khá, giá cả ổn định, kinh tế của vợ chồng ông Đào, bà Kim và các con từng bước khá hơn. Cũng vì vậy, cô gái áp út Ninh Thị Gái được ông bà lo cho ăn học hết THPT, rồi đến TP.Hồ Chí Minh làm công nhân. Công việc đang ổn định, thu nhập 10 triệu đồng/tháng, chị Gái phải bỏ việc để về chăm sóc bà Kim đã già yếu.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) Ninh Thị Gái thăm thầy giáo cũ và các học sinh khó khăn ở Trường tiểu học Bàu Phụng được chị vận động sách vở, học bổng để tiếp sức đến trường.
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) Ninh Thị Gái thăm thầy giáo cũ và các học sinh khó khăn ở Trường tiểu học Bàu Phụng được chị vận động sách vở, học bổng để tiếp sức đến trường.

 Năm 2011, ông Đào mất, ấp Bàu Phụng khuyết chức danh Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp. Sau khi đề cử người khác lên thay ông Đào được 3 năm, chính quyền xã, cán bộ, đảng viên ấp Bàu Phụng thấy con gái ông Đào là Ninh Thị Gái (lúc này là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Phụng) năng nổ, nhiệt huyết không kém gì cha là ông Ninh Sui Đào nên đề cử giữ chức danh Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng vào đầu năm 2015.

Cuối năm 2015, xã Phú Lý được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Phụng Ninh Thị Gái được địa phương đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND huyện Vĩnh Cửu tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuấc sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Chị Gái cho biết, nhờ uy tín của cha nên chị rất thuận lợi khi vận động nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số trong ấp tham gia hiến đất, góp tiền xây dựng các tuyến đường nông thôn đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, khi kinh tế khá lên, người dân trong ấp Bàu Phụng càng có điều kiện để chung sức cùng ấp, xã xây nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở, giúp nhau vốn làm kinh tế, giàm nghèo, đóng góp cho các phong trào từ thiện, khuyến học.

Những ngày cuối năm 2018 dù bận rộn việc gia đình nhưng chị Gái thường xuyên đi cùng cán bộ, đảng viên trong ấp vận động người dân trong ấp ủng hộ các phong trào, kế hoạch với mục tiêu ấp Bàu Phụng sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2019.

Thầy giáo già Hoàng Đức Tượng (giáo viên Trường tiểu học Bàu Phụng) tâm sự, ông vẫn còn nhớ rõ hình ảnh điểm trường Bàu Phụng thời đó được dựng tạm bằng tranh, cây rừng nhưng các học trò nghèo nhập cư đều ngoan, ham học. Riêng cô học trò dân tộc Tày Ninh Thị Gái, con của cựu chiến binh, thương binh Ninh Sùi Đào thật sự tạo cho ông ấn tượng khó quên bởi nghị lực vượt khó, ham học và học giỏi.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều