Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui ở xã Gia Tân 2

10:12, 19/12/2018

Những ngày cuối tháng 12, không khí chào mừng Giáng sinh của bà con giáo dân tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) bắt đầu nhộn nhịp. Theo người dân, Giáng sinh năm nay vui hơn vì nhiều hộ dân vùng "thủ phủ" nuôi heo ở huyện Thống Nhất đã khôi phục được kinh tế nhờ heo tăng giá.

Những ngày cuối tháng 12, không khí chào mừng Giáng sinh của bà con giáo dân tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) bắt đầu nhộn nhịp. Theo người dân, Giáng sinh năm nay vui hơn vì nhiều hộ dân vùng “thủ phủ” nuôi heo ở huyện Thống Nhất đã khôi phục được kinh tế nhờ heo tăng giá. 

Bà con giáo dân xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) trang trí chuẩn bị đón Giáng sinh.
Bà con giáo dân xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) trang trí chuẩn bị đón Giáng sinh.

Cách đây gần 2 năm, thời điểm giá heo hơi giảm sâu khiến nhiều nông dân chăn nuôi heo lao đao, lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống hết sức khó khăn. Heo rớt giá suốt một thời gian dài, thực sự là nỗi ám ảnh với bà con nông dân xã Gia Tân 2.

* Vượt qua khó khăn

Là người chăn nuôi kỳ cựu có tiếng ở địa phương, ông Trần Văn Đường (ngụ ấp Đức Long 2) tâm sự, với nhiều người, khi “cơn bão” giảm giá heo qua đi việc bắt tay gầy dựng lại từ đầu không phải chuyện đơn giản. Chính bản thân ông cũng gặp cảnh khốn đốn khi “ôm” lỗ hàng tỷ đồng, tuy nhiên ở nơi được coi là có truyền thống chăn nuôi heo từ hàng chục năm nay thì nhiều người đã biết vượt qua được khó khăn.

Nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2014 xã Gia Tân 2 hoàn thành xong chương trình xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2017 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Những năm qua, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trên 52 triệu đồng/người; năm 2017 đạt mức 58 triệu đồng/người thì trong năm 2018 con số này đã lên mức 61 triệu đồng/người.

Từ chỗ đàn heo thịt lên đến gần 300 con, số lượng heo nái cũng xấp xỉ 30 con, ông Trần Văn Đường buộc phải giảm xuống chỉ còn 5-7 heo mẹ để sinh sản. Định buông xuôi, nhưng nghĩ cả đời đã gắn bó với nghề, không nuôi heo thì cả gia đình không biết làm gì. Vậy là khi lứa heo con mới ra đời ông không bán tháo đi mà chạy vạy tiền mua cám về nuôi.

Mấy tháng sau, heo lớn, đủ cân xuất chuồng gặp lúc thuận lợi, giá bán được đẩy lên cao từ đó giúp ông có nguồn vốn, gỡ gạc lại khoản lỗ trước kia. Đến nay, số lượng đàn heo trong trại nuôi đã bằng so với trước kia, ông còn gia nhập vào Tổ hợp tác GAHP 01 thuộc Khu thí điểm chăn nuôi tập trung tỉnh nên cả gia đình không còn lo lắng đầu ra cho con heo như trước.

“Gần 20 năm đi nuôi heo thuê đến khi có vốn tách ra làm riêng được 8 năm, tôi thấy thời gian vừa qua là thời điểm người nuôi heo khó khăn nhất, nhưng may mắn đã vượt qua được. Bây giờ, muốn làm ăn bền vững và bài bản, người nông dân phải biết nắm bắt thị trường và chăn nuôi theo đúng quy chuẩn” - ông Đường chia sẻ.

Cũng là người ăn nên làm ra, có kinh tế khấm khá ở địa phương, ông Trần Hiếu Trung (ngụ ấp Đức Long 2) bộc bạch gia đình không lâm cảnh khó khăn khi giá heo xuống thấp nhờ cách làm ăn riêng. Với hơn 1 hécta đất trồng lúa, khi nhận thấy không hiệu quả ông đã chuyển sang trồng bắp 3 vụ. Nông sản trồng được, ông để lại dùng cho việc chăn nuôi heo sạch.

Đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, ông Trần Hiếu Trung tự chế ra loại cám phục vụ cho trại heo. Chủ động được nguồn thức ăn nên khi giá cám trên thị trường biến động, tăng cao ông Trung không lo lắng. Heo của trại nhà ông đủ điều kiện xuất chuồng đều có mối lái mua hết. Mỗi lứa xuất đi, ông thu về tiền lời hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhờ chăn nuôi, trồng trọt khép kín nên đàn heo của ông ít khi bị bệnh, do đó ông ít bị thua lỗ. Giá trị lợi nhuận tăng lên từng năm, nhờ vậy mà cuộc sống, kinh tế của gia đình luôn được đảm bảo. Hiện nay, giá heo tại địa phương ở mức cao nhưng ông không mở rộng quy mô mà chỉ nuôi với số lượng vừa phải, chú trọng đến chất lượng.

“Tôi còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hiệu quả mang lại cao và ổn định. Nhiều người xung quanh thấy được cũng đến tham quan, học hỏi tính chuyện làm giàu. Khi vượt qua được khó khăn thì thấy công sức bỏ ra không uổng tí nào” - ông Trung bộc bạch.

* Mùa giáng sinh trọn vẹn

Xã Gia Tân 2 có đến 99,2% người có đạo Công giáo, sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó chăn nuôi là chủ yếu. Những ngày này không khí Giáng sinh đang đến rất gần khi nhiều nhà dân đã hoàn tất việc trang trí đèn điện, hang đá... rất độc đáo và đẹp mắt.

Ông Trần Văn Đường (ngụ ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) khôi phục lại đàn heo sau thời gian chăn nuôi gặp cảnh khó khăn.
Ông Trần Văn Đường (ngụ ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) khôi phục lại đàn heo sau thời gian chăn nuôi gặp cảnh khó khăn.

Con đường bê tông chắc chắn chạy dài hàng cây số từ quốc lộ 20 vào Khu thí điểm chăn nuôi tập trung của tỉnh xây dựng tại xã Gia Tân 2 xe cộ di chuyển tấp nập. Kể từ khi hàng loạt trang trại chăn nuôi được đưa về đây xây dựng bài bản đã góp phần thay đổi cách làm ăn và bộ mặt của một xã nông thôn mới.

Ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 01 tại khu chăn nuôi tập trung phấn khởi cho biết, mùa Giáng sinh năm nay bà con có niềm vui trọn vẹn vì giá heo tăng lên mức có lợi nhuận sau một thời gian dài lỗ vốn. Hiện heo của nông dân nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP được siêu thị bao tiêu cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường nên nhiều người yên tâm duy trì để phát triển kinh tế. “Hiện tại, ít có ai treo chuồng như trước, nhiều người tìm cách để khôi phục lại sản xuất. Vụ Tết Nguyên đán sắp tới, một số trang trại làm ăn lớn đầu tư máy móc, công nghệ vào chăn nuôi nên với giá heo cao như bây giờ, hứa hẹn sẽ mang về lợi nhuận tốt” - ông Đệ bộc bạch.

Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 Lã Văn Hùng cho biết, bà con giáo dân ở địa phương đã tích cực tham gia phát triển sản xuất kinh tế. Cuộc sống ngày càng khấm khá, người dân đều có việc làm, thu nhập ổn định nên đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Quan trọng hơn, những hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới dần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về làm ăn bền vững và hiệu quả.

“Kết quả hoàn thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu cho thấy địa phương đã phát huy tối đa vai trò chủ thể, sự đồng thuận của nhân dân để huy động nguồn lực lớn tham gia xây dựng và phát triển kinh tế” - ông Hùng nhấn mạnh.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều