Nằm gần chợ Biên Hòa, ngay khu trung tâm sầm uất nhất của TP.Biên Hòa, khu xóm Giếng (thuộc tổ 24, KP.2, phường Hòa Bình) vẫn còn 2 cái giếng chung có tuổi thọ lên đến 100 tuổi. Giếng nước phía trước xóm có hình tròn, giếng phía sau xóm có hình vuông nên dân xóm Giếng gọi là giếng tròn, giếng vuông. Thời chưa có nước máy, dân lao động trong xóm đều sử dụng nguồn nước giếng này.
Nằm gần chợ Biên Hòa, ngay khu trung tâm sầm uất nhất của TP.Biên Hòa, khu xóm Giếng (thuộc tổ 24, KP.2, phường Hòa Bình) vẫn còn 2 cái giếng chung có tuổi thọ lên đến 100 tuổi. Giếng nước phía trước xóm có hình tròn, giếng phía sau xóm có hình vuông nên dân xóm Giếng gọi là giếng tròn, giếng vuông. Thời chưa có nước máy, dân lao động trong xóm đều sử dụng nguồn nước giếng này.
Các thành viên Tổ từ thiện xóm Giếng chuẩn bị suất cơm từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2. |
Nay nước máy kéo đến tận nhà nhưng khu vực giếng tròn vẫn được các bà, các cô nơi xóm Giếng tập hợp làm nơi chuẩn bị những suất cơm, bún từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân tâm thần và lo chuyện hiếu hỉ trong xóm.
* Dòng nước mát
Hằng ngày, cụ bà Nguyễn Thị Soi (90 tuổi) thường ra giếng tròn bên hông nhà rửa rau. Giếng tròn và giếng vuông được cha chồng bà Soi đào trên đất vườn nhà từ lúc chồng bà là ông Võ Văn Cư (nay đã mất) chưa lọt lòng. Do nhà đào được 2 miệng giếng tốt (nước trong mát, ngọt, không bị phèn) nên cha chồng bà Soi cho người dân trong xóm dùng chung.
Bà THÁI THỊ NGÂN TRINH, Trưởng KP.2, phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, trải qua nhiều thăng trầm nhưng bà con nơi xóm Giếng vẫn đoàn kết, giữ được tình cảm đẹp của tình làng, nghĩa xóm. Khi cuộc sống đỡ khó khăn, họ lại chung tay làm công tác từ thiện, nhân đạo. Đây là những hành động đẹp và rất ý nghĩa ở xóm lao động nghèo này. |
Giếng tròn, giếng vuông được cha chồng bà Soi đào cách bờ sông Đồng Nai khoảng 100m, sâu 5m, nước giếng đầy tới miệng khi thủy triều lên cao và hạ thấp xuống 2m khi thủy triều xuống thấp. Dù đang thời điểm thủy triều thấp, người dân trong xóm thỏa sức múc nước tắm giặt tại chỗ hay gánh về nhà sử dụng nhưng mực nước trong giếng vẫn dồi dào.
Trước và sau năm 1975, khu vực xóm Giếng rất thưa dân, dân xóm Giếng đa phần là dân lao động chân tay như: làm hồ, đạp xích lô, bốc vác và buôn bán nhỏ. Cho nên, chiều về người dân trong xóm thường hay tập trung tại 2 miệng giếng tròn, giếng vuông tắm giặt, rửa xe, rửa rau củ... Riêng đám trẻ nhỏ dễ dàng múc từng gàu nước nhỏ tạt vào nhau thỏa sức nô đùa.
Cũng vì giếng tròn, giếng vuông gần chợ Biên Hòa nên một số người trong xóm thường gánh nước từ 2 giếng này bán cho các tiểu thương bán hàng ăn, hàng cá, rau củ trong chợ. Từ đây, xóm Giếng những năm kinh tế khó khăn có gần chục người chuyên gánh nước bán cho tiểu thương chợ Biên Hòa.
Từ năm 1980 đến nay, dân lao động nhập cư kéo về xóm Giếng ngày một nhiều nên dân số đông dần lên. Cũng từ đó, khu đất có 2 miệng giếng của cha chồng bà Soi nhà cửa chật ních nên 2 cái giếng bị che khuất bởi những dãy nhà và trở thành giếng chung của tập thể xóm chứ không còn nằm trên đất của gia đình bà Soi nữa.
Dân cư đông, dân xóm Giếng từng bước kéo nước máy về sinh hoạt, nước thải sinh hoạt từ nhà dân ngấm vào lòng đất làm miệng giếng vuông bị ô nhiễm, nổi phèn. Riêng miệng giếng tròn nước vẫn trong mát, ngọt như xưa nên một bộ phận dân xóm Giếng hiện nay vẫn giữ thói quen sáng, trưa, chiều ra giếng tròn tắm rửa, giặt giũ nhưng tuyệt đối không dùng nước giếng để nấu ăn như trước đây.
* Nghĩa tình xóm Giếng
Chiều 19-2-2011, khu nhà nghèo nơi xóm Giếng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi 11 căn nhà. Khi hỏa hoạn xảy ra, người dân xóm Giếng đã nhanh tay lấy nước từ miệng giếng vuông, giếng tròn để dập lửa trong thời gian chờ lực lượng cứu hỏa đến. Bà Thái Thị Ngân Trinh, Trưởng KP.2, phường Hòa Bình cho biết, cũng nhờ nguồn nước từ miệng giếng tròn, giếng vuông, người dân đã hạn chế được lửa lây lan sang các nhà gần đó khi khu vực này cúp điện.
Tổ từ thiện xóm Giếng nấu cơm từ thiện để trao cho bệnh nhân Bệnh viện tâm thần trung ương 2. |
Sau trận hỏa hoạn, 11 hộ/70 nhân khẩu xóm Giếng phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chia sẻ cảnh mất mát về nhà ở, tài sản với người dân bị hỏa hoạn, suốt hơn 1 tháng liền, bếp ăn “dã chiến” được những người dân trong xóm như: bà Hai Thúy, bà Nguyễn Thị Chấp, bà Võ Thị Phụng (con gái bà Soi)... lập ra ở khu vực giếng tròn và miếu Bà để nấu ăn cho người dân. Nhờ bếp ăn liên tục đỏ lửa này, những hộ bị hỏa hoạn vẫn được bà con trong xóm, chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm lo ngày 3 bữa cơm trong suốt gần 2 tháng liền cho đến khi ổn định được chỗ ở tạm trên nền nhà bị cháy.
Không phải chờ cho dân xóm Giếng cháy nhà mọi người mới chung tay, chung sức lo mà điều này đã thành truyền thống gần cả 100 năm nay. Bà Nguyễn Thị Soi cho biết, mỗi khi dân xóm giếng có chuyện hữu sự như: tang gia, cưới hỏi, tiệc tùng... mọi người thường tụ tập quanh giếng để nấu ăn cùng nói chuyện, chia sẻ buồn vui.
Cũng vì sống nghĩa tình, đoàn kết, người dân xóm Giếng thường có những hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tiền cho các gia đình khó khăn trong xóm ngày tết, lễ hay đau bệnh đột xuất, nằm viện dài ngày. Cho nên, những gương người tốt, việc tốt trong xóm Giếng hiện nay có rất nhiều, tiêu biểu như: bà Phụng, bà Hai Thúy, bà Chấp, nữ tu Thích Nữ Huệ Thông...
Ngày nay, khi kinh tế ổn định hơn, một số người dân xóm Giếng đã đóng góp tiền, góp sức nấu những suất cơm, bún từ thiện đưa đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chợ Biên Hòa cấp cho người bệnh, thân nhân người bệnh và những người lao động nghèo. Mỗi tháng nhóm từ thiện xóm Giếng tổ chức được 1 hoặc 2 đợt (300 suất/đợt).
Bà Nguyễn Thị Chấp (72 tuổi, nhóm trưởng bếp ăn từ thiện xóm Giếng) bộc bạch, sinh ra và lớn lên từ xóm Giếng nên bà có chung suy nghĩ muốn sẻ chia với những cảnh đời khó khăn bên ngoài. Nhóm làm trên tinh thần thiện nguyện, xuất phát từ tấm lòng và khả năng kinh tế của các thành viên nên nhóm không vận động sự ủng hộ từ bên ngoài. Dù sự hỗ trợ của mình không nhiều nhưng ít ra cũng giúp được họ trong lúc khó khăn, bệnh tật.
Đoàn Phú