Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề đóng đáy trên sông Thị Vải

10:12, 09/12/2018

Những năm gần đây, sông Thị Vải, chảy qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, từng bị ô nhiễm nặng do nước thải công nghiệp từ một số nhà máy lân cận đổ ra, đã "hồi sinh". Cá tôm tự nhiên đã trở về. Những người mưu sinh bằng nghề đóng đáy cũng quay trở lại bám sông kiếm sống.

Những năm gần đây, sông Thị Vải, chảy qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, từng bị ô nhiễm nặng do nước thải công nghiệp từ một số nhà máy lân cận đổ ra, đã “hồi sinh”. Cá tôm tự nhiên đã trở về. Những người mưu sinh bằng nghề đóng đáy cũng quay trở lại bám sông kiếm sống.

Ngư dân thả lưới trên sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch).
Ngư dân thả lưới trên sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch).

Dòng Thị Vải chảy qua 2 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch nổi tiếng với các loại thủy hải sản vùng nước lợ như: cá, tôm, cua... Chính vì vậy, nghề đóng đáy của người dân xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) được xem là nghề cha truyền con nối của nhiều hộ ngư dân.

* Kết tình trên sông

Dứt con nước tháng 10 âm lịch, ngư dân Nguyễn Văn Dũng (ấp 5, xã Long Thọ) neo ghe tại bến Cá Sình (tổ 7, ấp 5), tỉ mỉ ngồi vá lại lưới đáy bị rách. Ông Dũng cho biết, hằng tháng thường có 2 con nước (từ ngày 12-22 âm lịch và từ ngày 26 đến ngày 6 âm lịch tháng sau) để ngư dân ở đây buông lưới. Tôm cá tự nhiên theo con nước chảy xiết mà chui vào các miệng đáy. Trung bình mỗi ngày, mỗi ghe đáy cũng thu hoạch “chiến lợi phẩm” là cá tôm tự nhiên bán được từ 400 ngàn đến 1 triệu đồng.

Sông Thị Vải có rất nhiều sở đáy của dân địa phương và các tỉnh miền Tây bám trụ mưu sinh. Riêng khu vực qua địa bàn huyện Nhơn Trạch có 8 sở đáy gồm: Giòng Quéo (8 miệng đáy), Mậu Lơ (7 miệng đáy), Tắc Thị (7 miệng đáy), Xóm Trầu (8 miệng đáy), Cá Rạo (8 miệng đáy), Hữu Quế (2 miệng đáy), Bến Lớn (2 miệng đáy), Cây Khô (5 miệng đáy).

Bến nước Cá Sình có gần 20 ghe đáy neo đậu mà không thấy bóng dáng người trông coi. Ông Dũng giải thích, dứt con nước đóng đáy thì ngư dân neo ghe nghỉ ngơi hoặc làm công việc thả lưới để kiếm thêm. Những chiếc ghe bỏ trống này là của ngư dân đến từ tỉnh Long An, do kết thân với ngư dân xã Long Thọ nên neo ghe tại bến Cá Sình nhờ ngư dân ở đây trông coi để tranh thủ về thăm nhà.

Dân sông nước vốn sống tình cảm, luôn hỗ trợ nhau trong làm ăn, giúp nhau lúc gặp khó khăn trong cuộc sống như đau ốm, bệnh tật, gia đình có biến cố bất ngờ. Ngư dân Huỳnh Văn Tài (ngụ ấp 3, xã Long Thọ) chỉ vào những chiếc ghe kết chặt lấy nhau, phơi mình dưới cái nắng gắt cuối tháng 10 âm lịch, nơi bến Cá Sình cho hay, hằng ngày ông và ngư dân địa phương luôn để mắt đến số ghe của ngư dân tỉnh Long An đến neo đậu tại bến, xem có ai tới phá phách hay đục con hàu bám dưới đáy ghe hay không. Riêng mùa mưa thì để mắt coi ngó giúp họ, xem ghe có bị nước mưa làm chìm thì bơm nước ra.

“Ngư dân xã Long Thọ và ngư dân ở Long An khi không có nhu cầu làm nghề đáy nữa thì nhượng lại các sở đáy (vị trí đóng đáy) cho nhau. Chính vì tình nghĩa lâu nay nên ngư dân đóng đáy tỉnh Long An và xã Long Thọ trên sông Thị Vải không bao giờ xảy ra xung đột, ganh ghét nhau trong chuyện làm ăn” - ông Tài nói.

Để chúng tôi cảm nhận và nhìn thấy tình hữu hảo giữa đôi bên, ông Tài và ông Thắng (anh trai ông Tài) lấy ghe 4,5 tấn, chở chúng tôi ra thăm nhóm ngư dân quê tỉnh Long An làm nghề đóng đáy tại sở đáy Cây Khô. Ông Thắng khẳng định chắc nịch, nhóm người này đang kết ghe lại nghỉ ngơi, chờ con nước 12-11 âm lịch đón mùa cá mới.

* Bám dòng Thị Vải mưu sinh

Từ bến nước Cá Sình ra sở đáy Cây Khô khoảng 20 phút chạy ghe. Vừa điều khiển ghe, ông Tài vừa nói át tiếng máy: “Dân đóng đáy tụi tui khi vào con nước thả đáy thì ai cũng bận rộn nhưng khi dứt con nước lại rất thảnh thơi”.

Sở đáy Cây Khô trên sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch).
Sở đáy Cây Khô trên sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch).

Nhìn về hướng sở đáy Cây Khô, ông Tài bộc bạch: “2 miệng đáy của tui tại sở Cây Khô do cha ruột để lại. Miệng đáy này được cha tui là ông Huỳnh Văn Lỳ tạo lập từ trước năm 1975”.

Sở đáy Cây Khô, nằm trên một nhánh sông Thị Vải có khoảng 10 chiếc ghe lớn, ghe nhỏ của nhóm ngư dân quê tỉnh Long An, kết dính nhau lại như một chiếc “du thuyền” đang neo đậu trên sông nước. Trên chiếc “du thuyền” lúc này có mặt 5 ngư dân: Út Đậm, Ba Lượm, Út Nhỏ, Hai Tòng, Chín Hải và 2 ngư dân xã Long Thọ làm nghề đặt lợp, thả lưới ghé chơi.

Thấy ông Tài cho ghe cập sát sở đáy Cây Khô, ngư dân Út Đậm mừng rỡ, tay bắt mặt mừng. Những ly trà nhanh chóng được thu dọn nhường chỗ để nhóm đóng đáy tỉnh Long An dọn bữa cơm ra tiếp chúng tôi. Nói là bữa cơm nhưng toàn là đặc sản vùng sông Thị Vải tươi ngon được chế biến đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn như: canh chua các loại cá, cá kèo khô nướng, bạch tuộc nhúng giấm...

Trong bữa cơm thân mật, ngư dân Út Đậm cho biết ông sang lại vị trí đóng đáy tại sở đáy Cây Khô của một người đồng hương cách đây 10 năm. Trước kia ông là dân ghe bàu, chuyên chở củi, vật liệu xây dựng thuê cho các ông chủ vựa ở tỉnh Long An. Nhờ quen biết nhiều với dân đóng đáy trên sông Thị Vải nên ông bỏ nghề chở củi, vật liệu, bám sở đáy Cây Khô mưu sinh đến nay. Do mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông Út Đậm lấy ghe làm nhà, lấy đồng hương và bạn bè cùng nghề đóng đáy làm tình thân.

Ngư dân Út Đậm thiệt thà: “Nghề đóng đáy tuy có vất vả nhưng còn có đồng ra đồng vô; chứ cứ rày đây mai đó chở vật liệu trên sông vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập không có dư”.

Ngư dân Hai Tòng tiếp chuyện, dân tỉnh Long An cũng có nhiều người lên đây làm nghề đóng đáy để mưu sinh. Những năm gần đây, sông Thị Vải đã có nhiều cá tôm trở lại, thủy hải sản ở vùng sông này ngon ngọt có tiếng nên bán được giá cao, đánh bắt được bao nhiêu bán cũng hết. “Chính những ngư dân địa phương đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, từ việc bảo vệ ghe đến tìm mối thu mua thủy hải sản đánh bắt được với giá cao nên chúng tôi coi nhau như chỗ thân tình” - ông Hai Tòng tâm sự.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều