Tại Đồng Nai, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc khám, tư vấn và điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân đã khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng. Để đạt được kết quả này phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.
Tại Đồng Nai, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc khám, tư vấn và điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân đã khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng. Để đạt được kết quả này phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách Phòng khám OPC, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. |
Ngày 30-11, tại Phòng khám OPC (Phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS) Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai khá vắng bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách phòng khám giải thích, thông thường những ngày cuối cùng trong tháng là ngày duy nhất không có lịch hẹn khám cho bệnh nhân mà chủ yếu khám và cấp thuốc cho những bệnh nhân bị lỡ lịch hẹn khám của những ngày trước đó.
* Cảm thông và chia sẻ
Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn khi một bệnh nhân nam bước vào phòng khám. Mới nhìn thấy bệnh nhân, bác sĩ Hằng đã hỏi: “Sao đến lịch hẹn anh không đến khám, anh thường xuyên đi khám sai lịch như vậy là không tốt cho việc điều trị đâu nhé, đừng chủ quan”. Bệnh nhân này vừa cười vừa nói: “Tại tôi bận lái xe, không nghỉ được bác sĩ ơi”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách Phòng khám OPC, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai cho biết việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt thì sẽ kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. |
Thấy trong phòng bệnh có người lạ, bệnh nhân này có vẻ ngần ngại. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi đến sức khỏe, bệnh nhân đã cởi mở hơn và cho biết anh tên V.B. (ngụ huyện Tân Phú). Anh B. kể ngày phát hiện mình bị nhiễm HIV cách đây hơn 2 năm, anh gần như suy sụp hoàn toàn, lao vào uống rượu, cơ thể suy nhược trầm trọng. Từ một thanh niên 60kg, anh sụt cân xuống chỉ còn có 35kg.
“Nhờ sự động viên, tư vấn và điều trị của bác sĩ Hằng, tôi đã lấy lại sức khỏe và ổn định tinh thần. Tôi hiểu rằng, với căn bệnh này nếu tuân thủ điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) tốt thì vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường. Tôi như được hồi sinh và trở về cuộc sống đời thường với tâm lý khá hơn, lo làm ăn phụ giúp gia đình” - anh B. tâm sự.
Bác sĩ Hằng kể lại, chị còn nhớ như in ngày anh trai của B. cõng B. vào phòng khám vì bệnh nhân quá yếu, không thể đi lại được. Lúc đó số lượng tế bào CD4 (là tế bào bạch cầu, đánh giá hệ miễn dịch cơ thể) của bệnh nhân rất thấp. Bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Tuy nhiên sau khoảng 2 năm điều trị ARV, đến nay qua xét nghiệm tải lượng virus HIV ở bệnh nhân này không phát hiện.
Đây là một trong nhiều ca điều trị thành công của Phòng khám OPC thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, nơi điều trị ARV cho hơn 1,2 ngàn bệnh nhân nhiễm HIV. Phụ trách phòng khám với số lượng bệnh nhân đông như vậy nhưng bác sĩ Hằng hầu như nhớ hết tên, hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Đối với chị, mỗi bệnh nhân dù có nhiều thành phần, nhiều số phận khác nhau nhưng đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, mang nặng tâm lý bị kỳ thị nên cần được cảm thông, chia sẻ nhiều hơn.
“Chính sự đồng cảm, chia sẻ và nỗ lực điều trị bệnh hiệu quả cho bệnh nhân là giải pháp tốt nhất để bệnh nhân ổn định tinh thần, yên tâm điều trị bệnh, biết cách phòng tránh lây bệnh trong cộng đồng” - bác sĩ Hằng tâm sự.
Tương tự, bác sĩ Lê Thị Liên, phụ trách Phòng khám OPC (Bệnh viện da liễu Đồng Nai), nơi đang điều trị ARV cho hơn 300 bệnh nhân HIV/AIDS cũng cho rằng, bác sĩ điều trị ARV ngoài việc khám bệnh, điều trị thuốc còn phải điều trị “vết thương tinh thần” cho mỗi bệnh nhân.
Bác sĩ Liên nhẹ nhàng nói: “Đối với bệnh nhân điều trị ARV, ngày nào cũng phải uống thuốc là họ ngán lắm rồi, nếu đến gặp bác sĩ không vui vẻ, không giải thích, tư vấn thấu đáo về việc điều trị thuốc đúng cách thì bệnh nhân khó mà hợp tác”.
* Tận tâm với bệnh nhân
Các bác sĩ, nhân viên y tế điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV khá cao. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, mặc dù bệnh viện trang bị khẩu trang, găng tay bảo vệ cho bác sĩ, nhân viên y tế nhưng nguy cơ lây nhiễm lao và HIV từ người bệnh khá lớn vì bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu, dịch truyền, chăm sóc cho bệnh nhân. Đã có một số nhân viên y tế của bệnh viện phải điều trị phơi nhiễm HIV do bị kim truyền dịch cho bệnh nhân đâm vào tay.
Bác sĩ Lê Thị Liên, phụ trách Phòng khám OPC (Bệnh viện da liễu Đồng Nai) tư vấn cho bệnh nhân. |
Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao nam Bệnh viện phổi Đồng Nai cho hay việc điều trị lao cho một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khó, phức tạp hơn nhiều so với một ca bệnh lao thông thường. Vì bệnh nhân nhiễm HIV sức đề kháng suy giảm, rất dễ bị dị ứng thuốc, dễ bị kháng thuốc, nguy cơ thất bại trong điều trị rất cao. Bác sĩ điều trị phải kiên trì dò liều để có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, động viên họ tuân thủ điều trị.
“Đa phần bệnh nhân HIV bị lao đều ở thể nặng, nhiều trường hợp lở loét, ho ra máu. Bác sĩ, điều dưỡng phải cấp cứu cho bệnh nhân nên khó tránh khỏi nguy cơ phơi nhiễm HIV vì có những lúc nguy cấp chỉ nghĩ đến tính mạng bệnh nhân là trên hết” - bác sĩ Thịnh tâm sự.
Thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi Bộ Y tế cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh bàn về việc triển khai bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Lê Thị Liên, phụ trách phòng khám OPC (Bệnh viện da liễu Đồng Nai) đã có nhiều ý kiến, kiến nghị mạnh mẽ về việc thông tuyến bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV.
Theo bác sĩ Liên bệnh nhân nhiễm HIV rất ngại điều trị tại các cơ sở gần nhà. Nếu không cho thông tuyến bảo hiểm y tế sẽ khó giữ được bí mật thông tin của bệnh nhân sẽ “tự làm khó cho mình” (các cơ sở y tế - PV); đồng thời tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị rất cao vì không có điều kiện điều trị bệnh do trái tuyến bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Liên bộc bạch: “Quy định thông tuyến bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-7 là niềm vui không chỉ của bệnh nhân mà còn cả của bác sĩ điều trị. Với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành để chống chọi lại căn bệnh thế kỷ này. Vậy nên tôi luôn kiến nghị khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác tư vấn, điều trị để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân của mình”.
Đặng Ngọc