Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nhân viên quản lý bếp ăn bộ đội

09:12, 10/12/2018

Làm nhiệm vụ tổ chức 3 bữa ăn mỗi ngày cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4), nhân viên quản lý bếp ăn của các tiểu đội khá tất bật. Với họ, đây là công việc đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao.

Làm nhiệm vụ tổ chức 3 bữa ăn mỗi ngày cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4), nhân viên quản lý bếp ăn của các tiểu đội khá tất bật. Với họ, đây là công việc đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao.

Trung úy Hán Văn Nam, nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9) kiểm tra việc định lượng thực phẩm cho bữa ăn quân đội.
Trung úy Hán Văn Nam, nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9) kiểm tra việc định lượng thực phẩm cho bữa ăn quân đội.

Sáng một ngày cuối năm nắng gắt, khi chiến sĩ của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đang ra sức tập luyện thì dưới nhà bếp, nhân viên quản lý bếp ăn cũng tất bật với công việc hằng ngày cùng tổ nuôi quân để kịp lo bữa ăn trưa cho cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn.

* Chăm chút từng bữa ăn

Có 3 năm kinh nghiệm làm nhân viên quản lý bếp ăn tại Trung đoàn 3, Trung úy Hán Văn Nam cho biết nhiệm vụ của nhân viên quản lý bếp ăn nói nôm na  giống như “tổng quản” của nhà bếp, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức chế biến, nấu ăn, phục vụ ăn uống của bộ đội trong mọi tình huống. Cụ thể như: xây dựng thực đơn theo tuần; đăng ký thực phẩm cho trạm chế biến của Trung đoàn; kiểm soát, giám sát công tác chế biến; quản lý kho; phân chia thực phẩm ra từng suất ăn...

Thượng tá Phạm Văn Hồng, Chính ủy Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 3) cho hay, các nhân viên quản lý bếp ăn của đơn vị luôn làm việc có trách nhiệm, luôn tận tụy với công việc được phân công. Họ đã giúp các chiến sĩ có bữa ăn ngon, đủ chất, đảm bảo tốt sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Đi một vòng quanh khu vực bếp và nhà ăn của Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3), Trung úy Nam luôn chú ý quan sát mọi hoạt động của tổ nuôi quân xung quanh. Thấy ai làm việc chưa đạt yêu cầu, anh dừng lại nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ cho kịp giờ ăn hoặc sau khi nấu xong phải dọn dẹp căn bếp luôn ngăn nắp, gọn gàng, đảm bảo vệ sinh.

Trung úy Nam cho biết, để bữa ăn luôn đảm bảo đúng giờ thì nhân viên quản lý bếp ăn và tổ nuôi quân phải chuẩn bị sớm trước bữa ăn vài giờ. Đều đặn mỗi ngày, anh cùng một trợ lý hậu cần lại thay phiên nhau dậy từ 1 giờ 30 sáng để lấy thực phẩm, gia vị từ kho, giao cho tổ nuôi quân chế biến và trực tiếp kiểm tra để kịp bữa ăn sáng lúc 6 giờ 30 của chiến sĩ.

 “Khi bữa sáng của chiến sĩ chưa kết thúc, tôi đã đi nhận thực phẩm trong ngày từ trạm chế biến của Trung đoàn rồi phân ra định lượng từng bữa theo thực đơn cho bữa trưa. Trong lúc chiến sĩ ăn, tôi cũng phải theo dõi, duy trì cho đúng thời gian và nhắc nhở tổ nuôi quân dọn rửa dần dần. Sau khi mọi người đã rời nhà ăn đi nghỉ trưa,  mới tới lượt nhân viên quản lý bếp ăn dùng bữa” - Trung úy Nam tâm sự.

Mỗi nhà bếp của tiểu đoàn đều có một tổ nuôi quân để chế biến, nấu và dọn rửa. Cứ sau mỗi đợt huấn luyện chiến sĩ mới, nhân viên quản lý bếp ăn lại chọn lọc, tìm kiếm những chiến sĩ phù hợp để đưa vào tổ nuôi quân rồi cũng chính họ lại cầm tay chỉ việc, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho những chiến sĩ mới vào tổ để sớm trở thành một “phụ bếp” đắc lực.

Là người có 11 năm làm nhân viên quản lý bếp ăn tại những đơn vị trực thuộc Trung đoàn 3, Trung úy Nguyễn Thanh Sang (nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 7) chia sẻ, người chế biến, đứng bếp trực tiếp là các chiến sĩ tổ nuôi quân. Để có được một tổ nuôi quân tốt, Trung úy Sang phải đến các đại đội huấn luyện chiến sĩ mới, chọn ra chiến sĩ chịu khó, kỹ tính và có chút năng khiếu về nấu ăn để đưa về thử việc tại tổ nuôi quân.

“Công thức nấu các món ăn cơ bản theo thực đơn của đơn vị đều đã có sẵn nên các “anh nuôi” mới vào nghề chỉ mất khoảng 3-5 ngày để nắm được nhiệm vụ cần làm. Tuy vậy, khi vào bếp, tiếp xúc với các nồi, chảo, dụng cụ nấu ăn cho hàng trăm người thao tác sẽ khác hẳn với làm bếp gia đình nên đòi hỏi chiến sĩ phải có sức khỏe tốt và tính tỉ mỉ cao” - Trung úy Sang cho biết.

* Góp sức thầm lặng

Để đảm bảo một bữa ăn ngon, nóng hổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên quản lý bếp ăn luôn phải chú ý chất lượng thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thức ăn, không để thực phẩm sống và chín gần nhau.

Bữa cơm trưa của chiến sĩ Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9).
Bữa cơm trưa của chiến sĩ Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9).

Đại úy Trần Đình Nguyên (có 15 năm làm nhân viên quản lý bếp ăn ở cả 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3). Anh cho biết, công việc ở nhà bếp là hoạt động liên tục 24/24 giờ, tổ nuôi quân lại chia ra thành các nhóm để nấu 3 bữa mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ có một nhân viên quản lý bếp ăn nên luôn trong trạng thái làm việc liên tục với các giấc ngủ ngắn vào ban đêm. Thậm chí vào các dịp lễ, tết, công việc của nhân viên quản lý bếp ăn còn nhiều hơn khi chiến sĩ được thay đổi món, lượng thức ăn tăng lên... Có những mùa tết mà nhân viên quản lý bếp ăn phải trực suốt trong đơn vị nếu không có cán bộ khác trực phụ.

Không chỉ lo 3 bữa ăn tại đơn vị, vào các thời điểm tiểu đoàn hành quân diễn tập, nhân viên quản lý bếp ăn và tổ nuôi quân lại phải lên đường từ trước. Họ đến địa điểm đóng quân tìm nơi thuận tiện gần nguồn nước, không bị ngập nước khi trời mưa... để làm chỗ nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm (bếp dã chiến sử dụng trong quân đội từ đầu những năm 1950 đến nay). Dù nấu bếp dã chiến nhưng nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nhiều lần nhân viên quản lý bếp ăn đã lấy áo mưa cá nhân, rửa sạch, lau khô rồi trải ra để chiến sĩ chế biến thực phẩm trên đó không bị lấm đất, cỏ.

Trung úy Nguyễn Thanh Sang bộc bạch: “Với những nhân viên quản lý bếp ăn như chúng tôi, thành quả lớn nhất chính là mỗi bữa thấy thức ăn trong khay chiến sĩ hết sạch và được họ khen ngon. Cót như vậy anh em mới có sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đó cũng chính là điều mà chúng tôi luôn hướng đến”.

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích