Cùng được Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh "lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên - Trấn" (Đại Nam thực lục tiền biên) vào năm 1698, tuy nhiên do điều kiện lịch sự biến đổi, cảng thị quốc tế Cù lao Phố được mệnh danh là xứ đô hội Trấn Biên đánh mất vị trí "vàng" chuyển dịch sang đất Gia Định - Chợ Lớn, biến Sài Gòn trở thành trung tâm đô thị lớn của cả phương Nam.
Cùng được Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên - Trấn” (Đại Nam thực lục tiền biên) vào năm 1698, tuy nhiên do điều kiện lịch sự biến đổi, cảng thị quốc tế Cù lao Phố được mệnh danh là xứ đô hội Trấn Biên đánh mất vị trí “vàng” chuyển dịch sang đất Gia Định - Chợ Lớn, biến Sài Gòn trở thành trung tâm đô thị lớn của cả phương Nam.
Cảnh chen chúc hứng nước công cộng ở Sài Gòn thập niên 30 thế kỷ 20. |
Thế nhưng trong tiến trình phát triển, Biên Hòa và Sài Gòn lại luôn mặn mà duyên nợ với nhau. Nổi bật là việc cho đến nay cả 2 đô thị miền Đông này cùng sử dụng chung nước sinh hoạt của dòng sông Đồng Nai.
* Sài thành “khát” nước
Do nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, lại bị nhiễm bẩn, đầu thế kỷ 20 Sài Gòn đã chịu một trận dịch tả lớn và qua báo cáo của bác sĩ Grall, Giám đốc Sở Y tế Đông Dương ngày 2-12-1904 cho thấy: “Sài Gòn lấy nước từ một tầng nước ngầm sâu trung bình khoảng 12m, tuy cách ly khỏi mặt đất bởi một lớp đất sét không ngấm nước, nhưng vẫn có thể bị ô nhiễm bởi số giếng đào xuống ngày càng nhiều, vả lại rồi cũng sẽ bị cạn dần. Trong khi đó, không thể lấy nước sông Sài Gòn vì nước mặn lấn vào sâu tới Bến Súc. Vì thế tốt nhất là nên lấy nước sông Đồng Nai ở phía trên thác Trị An, nước vừa sạch, mát, lại có khối lượng rất dồi dào”.
Hội đồng TP.Sài Gòn và Hội đồng thuộc địa Đông Dương đã nhất trí thông qua dự án của kỹ sư Pouyanne dẫn nước sông Đồng Nai lấy từ trên thác Trị An nằm cách Sài Gòn khoảng 75km để cung cấp 15 ngàn m3 nước/ngày cho thành phố với tổng chi phí ước tính 16 triệu franc. Nhưng dự án này cuối cùng bị bác bỏ vì cho rằng: “Quy mô của công trình lấy nước Trị An quá lớn so với mục tiêu nhắm đến”.
Trong công trình nghiên cứu về Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (Nhà xuất bản tổng hợp TP.Hồ Chí Minh), qua những tài liệu thu thập được, nhà xã hội học Trần Hữu Quang cho biết: đầu thập niên 1950, hệ thống cấp nước ở đô thành Sài Gòn đã xuống cấp trầm trọng. 71 giếng ngầm nằm trong 2 khu vực Tân Sơn Nhất và Gò Vấp được đào từ thời Pháp thuộc chỉ còn khai thác được 36 giếng cung cấp cho toàn Sài Gòn - Chợ Lớn qua 2 nhà máy bơm nước; nhưng nhà máy Chợ Lớn không còn hoạt động được, còn nhà máy Sài Gòn chỉ có chức năng chính là phân phối lại và lọc, khử trùng nước… với sản lượng cao nhất trong mùa mưa là 31 ngàn m3/ngày, thấp nhất 25 ngàn m3/ngày vào mùa nắng. Tính ra sản lượng này chỉ đáp ứng được 17% lượng nước cung cấp mỗi ngày cho thành phố, còn lại người dân Sài Gòn - Chợ Lớn phải xài nước giếng khoan sâu từ tầng ngầm dưới lòng đất. Từ năm 1954-1960, chỉ có 25% dân chúng Sài Gòn - Chợ Lớn có công-tơ (đồng hồ) nước, còn lại sử dụng nước công cộng, đổi nước xe, giếng đào… Tính chung từ các nguồn, mỗi ngày đô thị Sài Gòn khai thác được trung bình 160 ngàn m3 nước; nhưng dân chúng chỉ xài được 25%, do trừ 15% hao hụt và thất thoát, còn lại phần lớn cung cấp cho các cơ quan dân sự, quân sự và các cơ sở công kỹ nghệ. Một khảo sát của hãng tư vấn Doxiadis Associes thời bấy giờ đưa ra nhận xét: lượng nước cung cấp thực sự cho người dân chỉ có khoảng 20 lít nước/người/ngày - “một mức cực kỳ thiếu theo các tiêu chuẩn thông thường”.
Năm 1957, Bộ Công chánh và giao thông chính quyền Sài Gòn tiến hành tham khảo việc cấp nước trước đó và nhận định thời kỳ năm 1878, nhà máy nước đầu tiên của kỹ sư Pháp Thévenet đã cung cấp được 4 ngàn m3 nước/ngày cho 15 ngàn cư dân Sài Gòn. Thời kỳ từ năm 1900, dân số Sài Gòn tăng lên 56.500 người trong khi nhà máy bơm nước đầu tiên của hãng Herménier cung cấp được 10 ngàn m3/ngày. Tiếp đến là thời kỳ từ năm 1930, dân số Sài Gòn - Chợ Lớn lên đến 250 ngàn người, hãng Layne France thiết lập hệ thống giếng ngầm đầu tiên ở Việt Nam đã khai thác được 50 ngàn m3 nước/ngày. Khi dân số TP.Sài Gòn bùng nổ đột ngột lên đến gần 2 triệu người, phải làm sao nâng mức nước tối thiểu lên 300 ngàn m3/ngày mới giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt. Chính quyền Sài Gòn mời một số hãng tư vấn xây dựng Mỹ tham gia tìm nguồn nước mới và lập dự án cấp nước.
* Lấy nước sông Đồng Nai
Dự án đầu tiên được đưa ra với giải pháp khoan thêm 60 giếng ngầm ở khu vực Phú Thọ, Gò Vấp, Tân Sơn Nhất đã bị bác bỏ do lập luận chất lượng nước giếng đang trong tình trạng ngày càng xấu, nước thường bị pha lẫn đất sét, nhiễm phèn; đặc biệt nếu là khai thác thêm tầng nước ngầm vượt quá giới hạn, nước sẽ thấm mặn.
Vòi nước công cộng dành cho người dân Biên Hòa trên đường Boulevard Citadelle (nay là đường Phan Chu Trinh). |
Vào cuối năm 1958, chính quyền Sài Gòn chấp thuận dự án lấy nước sông Đồng Nai của hãng Hydrotechnic Corporation (Mỹ) với kinh phí dự trù 18 triệu USD. Luận chứng kỹ thuật của dự án này nêu rõ: sở dĩ không lấy nước sông Sài Gòn cho gần vì lưu vực nhỏ, nước dơ bẩn và bị mặn kéo dài nhiều tháng trong năm; trong khi đó, sông Đồng Nai có lưu vực đến 22 ngàn km2, nước sạch và tốt hơn, lưu lượng vào mùa thấp nhất cũng đã hơn 1 ngàn m3/giây (nhu cầu lấy nước cho Sài Gòn lúc đó chỉ cần 6 m3/giây).
Dự án quy mô này được thiết kế với điểm hút nước tại làng Hóa An (nay là xã Hóa An) nằm cách TP.Biên Hòa 1,5km. Tại đây xây dựng một nhà máy bơm nước có công suất thiết kế 480 ngàn m3/ngày với 6 máy bơm lớn, công suất 62 m3/phút, chạy suốt 24/24 giờ. Nước được hút từ sông lên chảy vào hành lang khử trùng ban đầu, sau đó đi qua máy lược rác, rồi qua máy lọc. Từ đây, nước được dẫn theo đường ống bê tông tới nhà máy lọc nước ở Thủ Đức; sau đó đi qua nhà máy điều giải áp lực ở đầu cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) để về các hồ chứa nước tại Sài Gòn.
Dự án lấy nước sông Đồng Nai được Sài Gòn thủy cục khởi công vào năm 1960 và hoàn thành vào năm 1966.
* Chung một… xa lộ
Không chỉ uống chung dòng nước, Sài Gòn và Biên Hòa còn có chung một con đường.
Viết trong sách Sài Gòn có một thời như thế, nhân kỷ niệm Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh 320 năm (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, năm 2018), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964) cho biết nhằm thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp về hướng đông, đồng thời kết hợp ý đồ quân sự, Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội). Thời bấy giờ, đây là con đường đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, dài 31km, rộng 21m, bắt đầu từ cầu Phan Thanh Giản (cầu Điện Biên Phủ, TP.Hồ Chí Minh hiện nay) và kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp
(TP.Biên Hòa).
Xa lộ đầu tiên của Việt Nam này do hãng thầu RMK-BRJ thi công bằng kỹ thuật mới nhất theo công nghệ xây dựng Mỹ. Theo đó, việc đổ nhựa đường bằng máy có chiều ngang rộng và đồng loạt tạo ra mặt đường bằng phẳng. Khởi công từ năm 1959 và hoàn thành vào giữa năm 1961, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa thúc đẩy cho sự ra đời của hàng loạt cơ sở ở phía đông Sài Gòn, trong đó có Nhà máy xi măng Hà Tiên, làng Đại học Thủ Đức… Còn Biên Hòa thì “mọc” ra các Nhà máy giấy Cogido - An Hảo, Nhà máy dệt Vinatexco, Nhà máy đường Biên Hòa… và sau đó hình thành cả một khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1) với hàng trăm nhà máy thuộc nhiều ngành: hóa học, mỹ phẩm, cơ khí, luyện kim, vật liệu xây dựng... Người lao động, công nhân kỹ thuật, kỹ sư, chủ đầu tư... ở các khu công nghiệp này là người Sài Gòn và cả từ Biên Hòa cùng các vùng phụ cận.
Bùi Thuận