Ven theo lòng hồ Trị An có nhiều xóm nhà nổi sống trên các làng bè. Vào các buổi sáng sớm, thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua sản vật cũng là lúc không khí sinh hoạt tại đây rôm rả và nhộn nhịp nhất. Cuộc sống trở nên tấp nập với hàng chục chiếc ghe tụ họp sau một đêm lênh đênh theo con nước mưu sinh.
Ven theo lòng hồ Trị An có nhiều xóm nhà nổi sống trên các làng bè. Vào các buổi sáng sớm, thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua sản vật cũng là lúc không khí sinh hoạt tại đây rôm rả và nhộn nhịp nhất. Cuộc sống trở nên tấp nập với hàng chục chiếc ghe tụ họp sau một đêm lênh đênh theo con nước mưu sinh.
Ghe bún nước lèo trên lòng hồ Trị An của bà Nguyễn Thị Oanh (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) được nhiều khách mua. |
Sống trên làng bè hàng chục năm, nhiều người mơ ước được lên bờ sinh sống để thoát cảnh lênh đênh phận đời sông nước, nhưng cuộc sống bấp bênh chưa thành hiện thực.
* Mưu sinh trên lòng hồ
Một số hộ dân cư trú trên lòng hồ cho biết, các xóm nhà nổi trên bè hình thành đã mấy chục năm nay với cả ngàn người dân. Ở đâu con nước thuận lợi, thích hợp cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nước ngọt là ở đó có xóm bè. Lâu dần, rải rác khắp cả lòng hồ, có nhiều nhà nổi mọc lên, hoạt động nhộn nhịp không kém so với trên bờ.
Cuộc sống mưu sinh của người dân xóm nổi chủ yếu diễn ra vào thời điểm ban ngày. 6 giờ sáng, xóm nhà nổi ở ấp 4, xã Mà Đà (huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu họp chợ. Buổi chợ họp từ sớm cho đến khi những chiếc ghe đánh bắt cá, tôm cuối cùng rút đi. Mọi hoạt động đi lại, mua bán đến ăn uống được tổ chức ngay trên ghe.
Bám trụ khu vực lòng hồ Trị An từ nhiều năm nay để thu mua những sản vật của người dân vùng lòng hồ, bà Liên Vinh (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Các loại cá, sản vật nước ngọt tự nhiên ở vùng lòng hồ Trị An rất được ưa chuộng. Sáng nào tôi cũng đánh xe tải về đây mua cá nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các nhà hàng ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh”. |
Bà Nguyễn Thị Oanh (50 tuổi, ngụ ấp 4, xã Mã Đà) làm nghề bán bún nước lèo trên ghe đã 4 năm nay. Mỗi ngày, thức dậy từ 3 giờ sáng, sau khi chuẩn bị xong mọi thứ thì bà chất hàng lên ghe chèo đi khắp các nhà nổi để bán. Ở đâu có người sinh sống là chiếc ghe của bà cập bến, trở thành nơi lui tới quen thuộc với dân làng bè. Không khí cũng đông vui hẳn, bởi nhiều người vây quanh ghe thưởng thức những bát bún nóng hổi, bốc khói nghi ngút.
Khi thực khách ở xóm nhà nổi này vơi bớt thì bà lại chèo ghe di chuyển qua nơi khác. Cứ thế mỗi ngày quãng đường bà di chuyển có khi lên đến 5-7km, cho đến lúc nồi nước lèo cạn đi. Với 15 ngàn đồng cho một tô bún, khách của bà chủ yếu là người làng bè, ngư dân làm nghề chài lưới giữa lòng hồ vì thế ai nấy đều ghiền món ăn dân dã này.
“Tôi bán chừng 10kg bún tươi, đi bán từ sáng sớm cho đến trưa mới về nhà. Tiền lời chẳng đáng bao nhiêu bởi dân ở đây ai cũng khó khăn. Một ngày ngưng bán là hôm sau có người hỏi thăm liền, cuộc sống trên sông nước thiếu thốn, nhưng mọi người sống bình dị, tình cảm lắm” - bà Oanh tâm sự.
Cách ghe bún nước lèo của bà Oanh không xa là “tiệm” tạp hóa của gia đình ông Tám Hùng (48 tuổi) với đủ mặt hàng như trên đất liền. Từ bánh kẹo, nước uống, gạo đến những bình gas mini phục vụ dân làng chài. Ông Tám Hùng đến đây ở đã hơn chục năm, ban đầu cũng làm nghề đánh bắt cá. Có chút vốn trong tay, thương bà con những ngày không đánh được cá phải đi mua chịu hàng các quán trên bờ với giá khá cao, nhiều khi còn phải năn nỉ mãi mới được và lắm lúc cũng bị từ chối thẳng thừng nên ông Tám Hùng mở “tiệm” tạp hóa. Mọi hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa trên bè không khác trên bờ là mấy.
Ông Tám Hùng cho biết, chuyện bán buôn ở đây cũng phập phồng theo con nước. Hôm nào bà con đánh bắt được nhiều tôm cá thì “tiệm” của ông mới bán chạy. Gặp tháng nước lớn, dân làng chài không làm ăn được, ông sẵn sàng bán chịu cho những ai gặp khó khăn, cuốn sổ ghi nợ vì thế mà ngày một dày hơn. Dù khó khăn là vậy, nhưng “tiệm” tạp hóa của gia đình ông Tám Hùng chưa một ngày nghỉ bán.
* Sống dựa vào con nước
Nhìn số cá cơm còn tươi rói trong khoang, chị Lê Thị Thiết (31 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc) cười tươi cho biết, vợ chồng chị có hơn chục năm làm nghề này. Vào mùa cá cơm, trung bình mỗi đêm vợ chồng chị đánh bắt khoảng 50-70kg cá. Để thu được số cá đó, từ chiều hôm trước, 2 vợ chồng đã xuất phát mang theo đồ ăn, nước uống cho chuyến hành trình kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ.
Lượng cá tự nhiên trên lòng hồ Trị An không còn nhiều so với trước đây nên cuộc sống của dân xóm nổi cũng ngày càng vất vả. |
Theo chị Thiết, so với cách đây hơn 1 tháng, nước trên lòng hồ Trị An đã hạ nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá vào các eo ngách, ven bờ để sinh sản nên những chuyến đánh bắt của ngư dân không còn phải đi xa. Dù lượng cá thu về không nhiều hơn trước, nhưng giá bán mấy năm trở lại đây cao hơn nên đủ để họ trang trải cuộc sống.
“Cha mẹ tôi gắn bó cả đời với nghề chài lưới trên sông, rồi lại truyền nghề cho thế hệ con cháu. Bây giờ lên bờ cũng không biết làm gì vì đất đai không có, cả nhà sống dưới bè cả mấy chục năm nay, con cái học hết tiểu học là nghỉ học vì việc đi lại khó khăn” - chị Thiết nói.
Không ít ngư dân làng bè ở lòng hồ Trị An là Việt kiều Campuchia trở về. Cuộc sống hầu hết đều khó khăn, cực nhọc nên họ chọn nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt mưu sinh. Nhiều người nghèo quá nên chỉ biết sống dựa vào con nước.
Gia đình ông Huỳnh Văn Bé (51 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mã Đà) cho hay, ban đầu gia đình chỉ định theo cái nghề này vài năm, không ngờ kéo dài đã gần 30 năm. Trước đây gia đình ông mưu sinh ở Biển Hồ (hồ nước ngọt rộng lớn ở Campuchia), sau đó qua tỉnh Tây Ninh và rồi dạt về ở lòng hồ Trị An. Ông hy vọng đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của gia đình.
“Cũng vì phải dạt đến nhiều nơi, trôi qua nhiều lòng hồ nên những đứa con của tôi giờ xa lạ với con chữ. Lớn lên, lập gia đình chúng cũng theo nghề này. Thế nên, muốn có tiền dư để đưa con lên thị trấn học thì các con tôi phải nuôi thêm cá lồng và làm ngày làm đêm quần quật” - ông Bé bộc bạch.
Thanh Hải