Báo Đồng Nai điện tử
En

"Du kích" Xẻo Quýt thời nay

10:11, 09/11/2018

Đến Chiến khu Xẻo Quýt (thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày cuối tháng 10, nhiều du khách, trong đó có đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, khá ấn tượng với hình ảnh những nữ du kích trong bộ bà ba đen duyên dáng chèo xuồng 3 lá đưa du khách đi tham quan.

Đến Chiến khu Xẻo Quýt (thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày cuối tháng 10, nhiều du khách, trong đó có đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, khá ấn tượng với hình ảnh những nữ du kích trong bộ bà ba đen duyên dáng chèo xuồng 3 lá đưa du khách đi tham quan. Hình ảnh này tạo cho du khách cảm nhận được phần nào không khí của căn cứ cách mạng trong những tháng năm kháng chiến.

Du khách tham quan Chiến khu Xẻo Quýt (tỉnh ĐồngTháp)bằng xuồng 3 lá.
Du khách tham quan Chiến khu Xẻo Quýt (tỉnh ĐồngTháp)bằng xuồng 3 lá.

Căn cứ Xẻo Quýt mùa nước nổi giúp mái dầm của chị Năm Hạnh (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) thêm thanh thoát. Để tái hiện hình ảnh nữ du kích, bộ đội Chiến khu Xẻo Quýt, các cộng tác viên như chị phải tự bỏ tiền túi trang bị cho mình chiếc xuồng 3 lá, trang phục bà ba đen hoặc đồ bộ đội, khăn rằn, nón lá.

* Vào vai du kích

Vừa chèo xuồng len lỏi qua những con rạch hẹp, chị Năm Hạnh vừa tâm sự, “đóng vai” du kích và chèo xuồng đưa du khách đi tham quan khu di tích là công việc mưu sinh hằng ngày của chị. Chị được khu du lịch chi trả 50% tiền vé đi xuồng (15 ngàn đồng/vé/khách, mỗi xuồng chỉ chở tối đa 3 khách).

Chiến khu Xẻo Quýt là căn cứ cách mạng của cơ quan Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) lãnh đạo nhân dân kháng chiến từ cuối năm 1959. Trong suốt thời kỳ này, Chiến khu Xẻo Quýt là điểm sáng về kháng chiến chống Mỹ của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1992, Chiến khu Xẻo Quýt đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Vào ngày lễ, tết, cuối tuần lượt khách tham quan chiến khu bằng xuồng nhiều hơn ngày thường nên chị Năm Hạnh cũng thu nhập được khoảng 150 ngàn đồng/ngày. Hôm nào vắng khách, chị và các chị em trong tổ xuồng tranh thủ đan lát kiếm thêm thu nhập. Công việc đan lát của tổ xuồng từ 50-70 ngàn đồng/người/ngày, vậy cũng đủ bù vào số tiền thâm hụt khi Bến nước C279 vắng khách.

Chị Năm Hạnh bày tỏ, chị thích công việc này vì thu nhập có khá hơn so với làm ruộng. Hơn nữa, trong quá trình làm việc chị được gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người nên thấy vui. Đặc biệt, chị là người dân địa phương nên gần như thuộc làu mọi thứ ở nơi này và sẵn sàng kể với du khách về khu di tích, về những năm tháng đấu tranh ác liệt của cán bộ, chiến sĩ Chiến khu Xẻo Quýt năm xưa.

Tuy nhiên có một thứ mà chị Năm Hạnh và nhiều cộng tác viên khác của khu di tích vẫn khó thông thuộc chính là các con rạch trong Chiến khu Xẻo Quýt trải rộng trên diện tích khoảng 50 hécta. Trong đó có 20 hécta là rừng tràm, còn lại là cây rừng ngập mặn, dây leo, lục bình..., kênh rạch chằng chịt. Chính địa thế hiểm trở như vậy đã “che giấu” được cán bộ, chiến sĩ cách mạng những năm kháng chiến chống Mỹ.

Rừng tràm luồng rạch quanh co, 2 bên cây cối dày đặc nên việc chèo xuồng cũng khó khăn hơn. Các nữ “du kích” phải ngồi ở mũi xuồng để chèo thuyền, chứ không ngồi chèo ở phía sau như nhiều khu du lịch sông nước khác.

“Du kích” Hồng Thắm giải thích: “Ngồi đằng mũi xuồng chèo và cầm dầm móc mới luồn lách đi được, còn ngồi phía sau chèo tới vừa chậm, vừa khó lái xuồng đi đúng luồng rạch, dễ đâm, va vào cây. Với địa hình kênh rạch chằng chịt nên người chèo xuồng phải thông thuộc địa bàn và tay dầm phải nhanh, linh hoạt”.

* Hướng dẫn viên nghiệp dư

Tổ xuồng Bến nước C279 có 14 người (12 nữ và 2 nam). 2 người nam trong vai bộ đội đưa khách là anh Năm Ái (chồng chị Chín Hạnh) và anh Hai Trường. Các thành viên trong tổ ai cũng biết hát vọng cổ nhưng hỏi ai là người thuộc nhiều bài và có giọng ca hay thì mọi người đều chỉ tay về phía anh Năm Ái, chị Năm Hạnh, chị Hai Xương, anh Hai Trường đang ngồi đan giỏ.

Các thành viên tổ xuồng Bến nước C279 tranh thủ lúc vắng khách đan giỏ lục bình để kiếm thêm thu nhập.
Các thành viên tổ xuồng Bến nước C279 tranh thủ lúc vắng khách đan giỏ lục bình để kiếm thêm thu nhập.

Anh Hai Trường cất giọng hát một đoạn vọng cổ Tình anh bán chiếu nhằm giới thiệu giọng ca của mình với du khách rồi cười khà khà cho hay, dân Nam bộ nhiều người biết hát vọng cổ, nhưng người hát hay, hát được thì không nhiều. Anh cũng luyện vài đoạn vọng cổ để trong quá trình chèo xuồng đưa khách tham quan, nếu khách có yêu cầu thì anh chiều lòng hát vài đoạn cho vui.

Biết tôi là dân miền Đông không rành về Xẻo Quýt, chị Chín Hạnh đã đưa tôi đi tham quan, giới thiệu sơ bộ về Chiến khu Xẻo Quýt năm xưa, nay là Khu du lịch Xẻo Quýt với 2 khu vực chính là: Khu di tích Xẻo Quýt và khu ẩm thực, dã ngoại. Trong Khu di tích Xẻo Quýt vẫn còn lưu giữ dấu tích một chiến khu xưa với những hầm tránh bom chữ A, công sự chiến đấu chữ Z hay hầm bí mật chữ L... được đào đắp bằng đất và cây tràm, cùng những lán trại, nhà bếp, phòng hội họp, hay những “bãi ngù tử địa” trước đây có gài lựu đạn chống trực thăng đổ quân và xe tăng bộ binh càn vào căn cứ...”. Khu dã ngoại thoáng mát với những dòng kênh, cầu khỉ, cánh đồng, ao sen, chòi lá, chợ quê.

Chị Chín Hạnh kể về Chiến khu Xẻo Quýt với giọng điệu rất tự hào. Trong những năm kháng chiến, để giữ bí mật, tại căn cứ Xẻo Quýt, Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã chọn khu Xẻo Quýt có thảm rừng tràm dày đặc làm căn cứ hoạt động. Để bảo vệ căn cứ, quân cách mạng cho gài các bãi ngù tử địa thực chất là bãi sình lầy bao quanh căn cứ địa Xẻo Quýt được xây dựng nhiều hầm chông, cài lựu đạn, mìn dày đặc. Do vậy, nhiều lần địch đổ quân tiến sát căn cứ Xẻo Quýt nhưng đều sa vào bãi ngù tử địa nên hoảng sợ, rút chạy. Bọn chúng cũng liên tục càn quét, cho máy bay B52 ném bom trải thảm vẫn không phá hủy được chiến khu này.

Nghe chị Chín Hạnh say sưa kể về Chiến khu Xẻo Quýt, tôi nhận ra rằng đối với chị và các tổ xuồng bến nước C279 làm công việc chèo xuồng chở khách không chỉ để mưu sinh mà còn bằng cả tình cảm và trái tim của người con xứ sở Đồng Tháp Mười. Chính họ đã để lại những “điểm cộng” trong lòng các du khách khi về thăm khu căn cứ địa cách mạng năm xưa với hình ảnh bộ đội, du kích chèo xuồng, với cách kể chuyện về vùng đất, con người nơi đây một cách thân thiện, gần gũi, sinh động...

Về thăm Chiến khu Xẻo Quýt mới thấy cán bộ, người dân địa phương đều có ý thức giữ gìn, tôn tạo khu căn cứ địa cách mạng năm xưa. Các công trình, đường đi lối lại, phương tiện vận chuyển đều được phục dựng như thời kháng chiến; thảm rừng tràm thiên nhiên vẫn còn khá nguyên vẹn. Qua đó giúp du khách hiểu rõ hơn về Chiến khu Xẻo Quýt nói riêng và địa lý, lịch sử, văn hóa vùng miền Tây sông nước nói chung.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều