Nằm trong các xã nông thôn mới của huyện Trảng Bom, các khu định canh, định cư của người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của bà con ngày càng nâng cao. Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trảng Bom ngày càng sắt son, vững niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nằm trong các xã nông thôn mới của huyện Trảng Bom, các khu định canh, định cư của người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của bà con ngày càng nâng cao. Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trảng Bom ngày càng sắt son, vững niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người có uy tín Lùng Nằng Cường (người dân tộc Hoa ở xã Sông Trầu) giỏi làm kinh tế, tích cực vận động đồng bào dân tộc Hoa xây dựng nông thôn mới. |
Những ngày cuối tháng 11, công việc nhà nông của đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) nhàn hơn vì cây trồng theo vụ, theo mùa, chưa đến đợt thu hoạch. Chính vì vậy, bà con có thời gian cùng cán bộ ấp, tổ ra quân dọn dẹp vệ sinh những con đường trong khu tái định cư sạch đẹp hơn.
* Không còn đói nghèo
Già làng Chơro Nguyễn Văn Hoàng (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa) khoe nay xã đạt chuẩn nông thôn mới rồi, đồng bào Chơro của già luôn biết chủ động tìm việc làm, nhạy bén trong làm kinh tế, chứ không như trước kia ngồi chờ chính sách nhà nước hỗ trợ. Bà con còn có ý thức tham gia các đợt vận động của tổ, của ấp để chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao.
Ông Trần Xuân Tiến, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Trảng Bom cho hay việc xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng xóa đi sự lạc hậu, nghèo khó ở các khu định canh, định cư. Nông thôn mới thật sự đem lại sức sống mới, tư duy mới đến từng đồng bào và tạo sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần tạo được niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào Đảng, chính quyền vào chủ trương xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, hợp lòng đồng bào và đem lại những điều sung túc, tốt đẹp, văn minh. |
“Hiện nay, đa số các hộ dân trong khu định canh, định cư đều có cuộc sống ổn định, khá giả, chỉ còn duy nhất 1 hộ thuộc diện khó khăn. Đó là nhờ sự quan tâm của xã, huyện trong việc hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào tự làm ăn, làm giàu” - già làng Hoàng phấn khởi cho biết.
Khu định canh, định cư của già làng Hoàng được hình thành sau năm 1975. Khi mới chuyển về đây sinh sống, mỗi hộ dân được chính quyền cấp 1 hécta đất sản xuất và đất ở. Tuy nhiên, trước đây vì cuộc sống khó khăn, nhiều hộ dân đã chuyển nhượng bớt một phần hoặc cho con khi đến tuổi lập gia đình nên quỹ đất sản xuất của mỗi hộ hiện chỉ còn 3-4 sào. Những người lớn tuổi thì ở nhà trồng trọt, chăn nuôi, lớp trẻ làm nhân viên, công nhân tại các công ty.
Xã Sông Trầu cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn xã có 10 ngàn hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% với 11 thành phần dân tộc, đa số là người Hoa. Đời sống của bà con cũng có nhiều đổi thay so với trước đây.
10 năm trở về trước, do kinh tế khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, trở ngại về giao thông, tập quán sản xuất còn nặng về kinh nghiệm nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Sông Trầu gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền xã Sông Trầu cùng hệ thống chính trị, cán bộ ấp, người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương khuyến nông, tạo điều kiện vay vốn, việc làm, nhà ở. Nhờ vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn từng bước bắt nhịp với chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào thiểu số, cùng nỗ lực thoát nghèo để địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, bà Lý Thị Minh (người Hoa ở xã Sông Trầu) đã thoát nghèo trở thành hộ khá. Từ 5 sào đất ruộng chuyển đổi thành ao nuôi cá, bà Minh mua cá lỡ về nuôi nên rút ngắn thời gian nuôi, nhanh cho thu nhập.
“Tôi nghĩ ra cách làm ăn này nhờ quá trình tham gia công tác mặt trận ấp, được tập huấn nhiều cách làm ăn, làm giàu nên về áp dụng ngay. Vì vậy, tôi mới có điều kiện lo cho con học tập, tham gia công tác ấp tốt hơn” - bà Minh nói.
* Phấn khởi cùng nông thôn mới
Người có uy tín ở xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) Sàn Ngọc Thành cho biết, sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đường sá trên địa bàn xã được xi măng hóa, đạt tiêu chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp; vườn rẫy phủ kín những cây trồng đạt giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, tiêu...
Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chơro (xã Tây Hòa) chăm sóc bò giống được huyện Trảng Bom hỗ trợ. |
Để có đủ nước tưới tiêu cho cánh đồng Tập đoàn của ấp Thuận Trường, ông Thành và 7 hộ dân trong ấp gom góp 240 triệu đồng để kéo điện hạ thế. Trước đó, ông và hộ ông Hải cũng tự bỏ tiền túi 12 triệu đồng để mua đất mở rộng một con đường trong ấp. Tính đến nay, bà con ấp Thuận Trường đã đóng góp trên 1 tỷ đồng để cùng nhau kéo điện hạ thế, làm đường giao thông. Nhờ mỗi năm đồng bào chung tay cùng chính quyền làm một vài công trình mới nên ấp Thuận Thành ngày thêm đẹp hơn.
Ông Sì Văn Hương (Phó ban Điều hành ấp Tân Thành, người có uy tín ở xã Thanh Bình) bộc bạch nhờ nắm bắt được xu thế thị trường, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, ham học hỏi và đồng hành cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, đồng bào Hoa, Nùng, Tày trên địa bàn ấp hiện nay có cuộc sống sung túc hơn.
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thanh Bình hiểu và nắm rất rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã nên mạnh dạn trong đầu tư vườn rẫy, hạ tầng, chăm lo việc học tập cho con em. Điều mà ông Hương vui, hãnh diện nhất là con em của bà con trong ấp học lên đại học, học nghề, đi làm công ty ngày một nhiều, còn lớp người có tuổi thì chí thú với việc làm ăn để kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, khá giả hơn.
Đoàn Phú