Báo Đồng Nai điện tử
En

Bám lớp giữa rừng

09:11, 12/11/2018

Phân hiệu Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) của Trường tiểu học - THCS Mã Đà nằm lọt thỏm giữa những vạt rừng sâu, là nơi "tìm kiếm con chữ" duy nhất của các em học sinh trong vùng. Ở đó, bao năm qua luôn có các thầy cô giáo hết sức, hết lòng tận tụy vì đàn em thân yêu.

Phân hiệu Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) của Trường tiểu học - THCS Mã Đà nằm lọt thỏm giữa những vạt rừng sâu, là nơi “tìm kiếm con chữ” duy nhất của các em học sinh trong vùng. Ở đó, bao năm qua luôn có các thầy cô giáo hết sức, hết lòng tận tụy vì đàn em thân yêu.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy tận tậm với những nét chữ học sinh ở vùng sâu Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy tận tậm với những nét chữ học sinh ở vùng sâu Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

* Lớp học giữa rừng sâu

Ấp 4 là khu vực nghèo nhất của xã Mã Đà, nơi đây cách trung tâm xã hơn 30km với gần nửa quãng đường là xuyên rừng. Xung quanh Phân hiệu Suối Tượng, dân cư thưa thớt, chỉ có vài chục nếp nhà nằm giữa những nhánh rừng riêng rẽ.

Với các thầy cô ở các phân hiệu của Trường tiểu học - THCS Mã Đà, ngày 20-11 diễn ra rất mộc mạc và đơn sơ. Chuyện học sinh, phụ huynh tặng quà dịp lễ tri ân thầy cô cũng ít được nhắc tới. Niềm vui, món quà quý giá nhất đối với họ chính là các em không bỏ trường, bỏ lớp.

Cuộc sống khó khăn ở nơi không nước sạch, không ánh sáng điện lưới vì vậy mà mấy phòng học cho học trò nghèo được dựng lên cũng tạm bợ. Cơ sở vật chất ở đây gần như không có gì ngoài những bộ bàn ghế cũ kỹ. Bao quanh phòng học là các tấm tôn tạm bợ, che mưa che nắng cho cả thầy và trò nơi đây.

Gần 10 năm trước, khi thầy Hoàng Minh Chiểu (33 tuổi, quê tỉnh Lạng Sơn) về ấp 4, bùn đất vẫn ngập trên con đường ngoằn ngoèo giữa vạt cây rừng cao lớn. Nhìn khung cảnh hoang vắng, đám học trò và chính thầy vẫn còn sợ. Bây giờ, thầy Chiểu cũng đã quen với con đường đất đỏ nhão nhoẹt những ngày mưa và bụi mịt mù khi bước vào mùa nắng.

“Lúc mới về tôi chẳng nghĩ sẽ trụ lại đây lâu. Vậy mà cũng đã 9 mùa khai giảng trôi qua, nhìn các học trò ở đây ngây thơ, tinh nghịch và sự thiệt thòi, thiếu thốn về vật chất cũng như điều kiện học tập... mà chúng tôi thương và quyết tâm ở lại” - thầy Chiểu bộc bạch.

Trước khi đến với nghề gõ đầu trẻ, thầy Chiểu từng trải qua 3 năm làm công nhân. Không bằng lòng, thầy bỏ làm, thi vào đại học với ước mơ đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp, thầy được phân công về giảng dạy tại phân hiệu ở ấp 4 với mong muốn cống hiến nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Gắn bó tại Phân hiệu Suối Tượng đã 3 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thủy (24 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, ngay khi nhận quyết định về công tác ở đây bản thân cô có chút bỡ ngỡ, phải tập làm quen với nhiều thứ từ ăn ở, nơi dạy học đến chuyện đi lại.

Đó là những lần xe máy chẳng may bị hư giữa rừng sâu mà chẳng biết kêu ai; là những khi dạy học trong điều kiện thiếu sáng do điện mặt trời không hoạt động... Đến bây giờ, nơi đây đã níu chân được cô giáo. Chính cái khó, cái nghèo của các học trò luôn động viên cô tinh thần vượt khó, tình yêu nghề và muốn chia sẻ với những khó khăn của người dân địa phương khi bám trụ tại đây.

“Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, mức lương giáo viên còn thấp hơn cả làm công nhân, chỉ đủ để trang trải chuyện ăn uống, đi lại. Có những tháng tôi phải xin thêm tiền của cha mẹ, cố gắng cho từng giờ lên lớp luôn vui vẻ và hiệu quả” - cô Thủy tâm sự.

* Nhiệt huyết, tận tâm với nghề

Phân hiệu Suối Tượng hiện có 5 lớp học, mỗi lớp trung bình khoảng 15 học sinh. Điện và nước sạch chỉ mới có mấy năm trở lại đây do một số tổ chức từ thiện hỗ trợ mấy tấm pin năng lượng mặt trời nhưng cũng không đủ để đáp ứng đủ nhu cầu của thầy và trò. Các dụng cụ giảng dạy, cơ sở vật chất, sân bãi... dùng cho việc học gần như thiếu hẳn. Dù dạy học ở vùng sâu nhưng chế độ tiền lương cũng giống như giáo viên ở những nơi khác, có lẽ là thiệt thòi lớn với họ.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bao năm qua thầy, trò nơi đây vẫn hăng say dạy và học.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bao năm qua thầy, trò nơi đây vẫn hăng say dạy và học.

Cuộc sống của những thầy cô ở vùng sâu không chỉ có giảng dạy. Mỗi mùa tựu trường là mỗi mùa các thầy cô đi rã cả chân, đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Và ngay cả trong khi đến trường, duy trì được việc học vẫn là mơ ước của nhiều đứa trẻ và mong mỏi của thầy cô.

Tất cả 5 giáo viên ở đây tuổi đời còn trẻ và chưa có ai lập gia đình, nhưng đều cố gắng bám trụ lại. Các thầy cô tâm sự, dường như cả tuổi thanh xuân của họ dành để gieo chữ, bám lớp giữa rừng sâu. Điều kiện kinh tế khó khăn, đồng lương ít ỏi thì nghĩ gì đến chuyện to tát hơn.

Thầy Lê Ngọc Hùng (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) đã nhiều năm chưa về quê ăn tết mà chỉ chọn dịp nghỉ hè để về sum họp với gia đình. Hơn 6 năm công tác ở đây, tất cả các phân hiệu xa nhất ở xã Mã Đà thuộc Trường tiểu học - THCS Mã Đà thầy đều đặt chân đến, từ Phân hiệu Cây Sung (ấp 3) đến Phân hiệu Bà Hào (ấp 5) và nay là Suối Tượng.

Thầy cô ở đây đi rừng rất giỏi, ai cũng có trong tay vài số điện thoại của thợ sửa xe để mỗi lần hư hỏng đột xuất không phải dắt bộ hàng chục cây số. Trời chuyển tối, những trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn tù mù, các giáo viên tưởng chừng sẽ không thể làm nổi trách nhiệm của mình. Thế mà mọi khó khăn rồi cũng đã vượt qua. Họ sống và cống hiến cho nghề giáo với tinh thần đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Mã Đà Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết, trường chia thành 2 khối cấp tiểu học và cấp THCS. Nếu như cấp THCS học sinh đến điểm trường chính tại trung tâm xã để học thì ở cấp tiểu học do điều kiện xa xôi nên được bố trí rải rác tại các ấp trong xã. Vì vậy, giáo viên phải cắm chốt tại các phân hiệu để thực hiện chuyên môn của mình.

Nhiều năm nay, việc dạy và học ở các phân hiệu thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng các thầy cô được cử đến công tác đã vượt qua mọi vất vả để làm tốt nhiệm vụ. Gác lại những bộn bề khó khăn với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, các giáo viên vẫn nỗ lực bám trường, bám lớp với quyết tâm duy nhất là đem con chữ đến với học trò nghèo vùng sâu.

Thanh Hải

Tin xem nhiều