Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng của vợ chồng ông Tráng

09:10, 15/10/2018

Cách đây 55 năm, vợ chồng ông Đinh Hùng Tráng và bà Nguyễn Thị Oai (hiện nay cùng 84 tuổi) rời quê tỉnh Quảng Nam đến xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) sinh sống. Ông bà được dân trong vùng biết tiếng nhờ cái tiệm tạp hóa sát đồn Bảo Quang ngay Ngã ba Vĩnh Biệt, ban ngày bán hàng hóa cho dân, tối chuyển nhu yếu phẩm cho cách mạng.

Cách đây 55 năm, vợ chồng ông Đinh Hùng Tráng và bà Nguyễn Thị Oai (hiện nay cùng 84 tuổi) rời quê tỉnh Quảng Nam đến xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) sinh sống. Ông bà được dân trong vùng biết tiếng nhờ cái tiệm tạp hóa sát đồn Bảo Quang ngay Ngã ba Vĩnh Biệt, ban ngày bán hàng hóa cho dân, tối chuyển nhu yếu phẩm cho cách mạng.

Vợ chồng ông Đinh Hùng Tráng và bà Nguyễn Thị Oai ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh).
Vợ chồng ông Đinh Hùng Tráng và bà Nguyễn Thị Oai ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh).

Ông Tráng kể, khi rời quê nghèo đến ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh, vợ chồng ông chỉ có 2 bàn tay trắng, phải sống nhờ nhà của đồng hương. Sau đó, ông liều xin lính gác đồn Bảo Quang cho mở tiệm tạp hóa nhỏ sát bên đồn, buôn bán các thứ lặt vặt như: gạo, đường, sữa, thuốc tây, mắm, muối, thuốc lá... cho lính canh và người dân trong vùng.

* Ký ức về tiệm tạp hóa sát bốt địch

Ngoài bán tạp hóa, ông Tráng còn theo đồng hương Quảng Nam vào rừng chồi khai phá đất làm rẫy. Cũng từ đây, vợ chồng ông được cán bộ cách mạng thường xuyên nhờ mua dùm nhu yếu phẩm cần thiết. Từ đó, tiệm tạp hóa nhỏ của bà Oai ở Ngã ba Vĩnh Biệt bị bọn địch chú ý.

Ông Trương Công Lý, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bảo Vinh cho hay dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Đinh Hùng Tráng vẫn không ngừng góp sức cho phong trào Hội và các phong trào chung của ấp, xã. Ngoài đóng góp về vật chất, vợ chồng ông bà còn có tiếng nói rất trọng lượng trong việc giáo dục các cháu thanh thiếu niên chăm học, ngoan hiền; vận động người dân Quảng Nam, Đà Nẵng góp sức cùng địa phương trong phong trào khuyến học, hiến đất, tiền, công lao động để tráng xi măng rất nhiều tuyến đường khu dân cư.

Bà Oai cho biết, hồi đó bọn mật thám điểm chỉ với cấp trên rằng các tiệm tạp hóa đều là địa điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho cách mạng hoạt động trong rừng. Vì vậy, chúng tìm mọi cách để dẹp các tiệm tạp hóa trong vùng. Cũng vì lý do đó, nhiều tiệm tạp hóa lo sợ bị “dính líu” nên đóng cửa buôn bán. Riêng bà Oai, dù nhiều lần bị địch bắt giam tra khảo, bà vẫn không khai báo, bên cạnh đó gia đình bà vẫn mở cửa tiệm buôn bán bình thường, thậm chí còn lấn rộng ra khi bọn lính gác rút đi nơi khác và cái bót bỏ hoang.

Cũng vì cái tính gan góc của vợ chồng ông Tráng, bà Oai, tiệm tạp hóa của vợ chồng ông bà nơi Ngã ba Vĩnh Biệt dần nổi tiếng. Để hàng hóa mua từ chợ Long Khánh qua được các trạm, bót lính canh, vợ chồng ông Tráng thường hối lộ lính gác vài gói thuốc ngon. Riêng nhu yếu phẩm mà phía cách mạng nhờ mua giùm, vợ chồng ông bà gói kỹ để một góc trong rẫy, trong vườn. Theo ký hiệu và thời gian đôi bên thỏa thuận trước đó, cán bộ ta cử người bí mật ra lấy. 

Tuy nhiên, hoạt động giúp cách mạng của vợ chồng ông Tráng không qua khỏi mắt mật thám. Tết Mậu Thân 1968, ông Tráng bị bắt vì giấu cờ giải phóng trong nhà. “Sau thời gian tra khảo, giam cầm, chúng bắt chồng tôi đi quân dịch đến năm 1974 mới cho giải ngũ. Suốt thời gian này, tôi và 3 con sống nhờ cái tiệm tạp hóa này. Tôi còn gom góp lo lót cho chồng chỉ làm lính kiểng trong trại, không phải ra mặt trận đánh nhau” - bà Oai cho hay.

* Sống nghĩa tình

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân ở đây gọi Ngã ba Vĩnh Biệt là Ngã ba Phúc (lấy tên con gái đầu của vợ chồng ông Tráng). Ông Trương Công Lý, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bảo Vinh lý giải, do vợ chồng ông Tráng mở tiệm tạp hóa buôn bán ở ngã ba này suốt mấy chục năm nay nên người dân đi rừng, làm rẫy, buôn bán khi qua đây đều biết tiếng. Lý do họ không lấy tên ông Tráng đặt cho ngã ba mà lấy tên Phúc vì phong tục người xứ Quảng thường lấy tên con cả để gọi tên cha mẹ.

Ông Đinh Hùng Tráng (trái) (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) trao đổi về công tác khuyến học với đồng hương trong xã.
Ông Đinh Hùng Tráng (trái) (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) trao đổi về công tác khuyến học với đồng hương trong xã.

Tên tuổi vợ chồng ông Tráng, bà Oai được nhiều người dân địa phương biết đến nhờ cái tiệm tạp hóa nghĩa tình chuyên bán giá rẻ, bán thiếu cho người dân nghèo trong vùng hàng chục năm qua. Ngoài ra, vợ chồng ông Tráng còn tự nguyện hiến gần 1 sào đất để địa phương xây dựng chợ xã, tạo điều kiện cho người dân có chỗ mua bán.

Người dân tỉnh Quảng Nam hay Đà Nẵng di cư vào xã Bảo Vinh lập nghiệp từ năm 1990 trở về trước đều được ông Tráng giúp đỡ bằng cách như: hỗ trợ cho mượn vốn để làm ăn, lo hộ khẩu, giấy tờ để yên bề định cư, con cái học hành... Kể cả chuyện vợ chồng lục đục, láng giềng mâu thuẫn, ông và những người đồng hương uy tín cũng mạnh dạn đứng ra hòa giải, nhiều vụ giải quyết êm thấm, không phải ra tới chính quyền.

Ban Liên lạc Hội Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng (do ông Tráng làm Trưởng ban) đã xây dựng được 4 căn nhà tình thương cho đồng hương khó khăn về nhà ở (trị giá 35-40 triệu đồng/căn); thành lập nghĩa trang lo cho những người quá cố; huy động được nguồn quỹ Hội và khuyến học được gần 4 tỷ đồng để trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và hỗ trợ các phong trào văn hóa, văn nghệ, dưỡng sinh...

Ở tuổi 84, ông Tráng vẫn suốt ngày chạy xe máy ngoài đường lo công tác xã hội, đồng hương, người cao tuổi. Bởi vậy, uy tín của ông trong lòng đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại xã Bảo Vinh rất lớn. Người lạ, người quen lần đầu về xã Bảo Vinh thăm đồng hương mà quên nhà, quên đường thì cứ tới Ngã ba Phúc hỏi thăm cái tiệm tạp hóa nhỏ của vợ chồng ông Tráng, bà Oai ai cũng biết. Từ đây, ông già Tráng vanh vách chỉ nhà mà họ cần tìm trong tổng số 620 hộ dân Quảng Nam, Đà Nẵng ở xã Bảo Vinh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều