Thời mở cõi, Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Theo Gia Định thành thông chí (tác giả Trịnh Hoài Đức), lúa gạo ở Đồng Nai thời đó vừa rẻ vừa dồi dào, xuất bán đi các nơi. Đến đầu thế kỷ thứ 20, nông nghiệp ở Biên Hòa bắt đầu có sự phân hóa và tích tụ tư bản vào tay giới tư bản, thực dân cầm quyền.
Theo thống kê của nhà cầm quyền Pháp, vào đầu thế kỷ 20 diện tích của tỉnh Biên Hòa khoảng 1,12 triệu hécta (bao gồm tỉnh Đồng Nai hiện nay và một phần các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và quận Thủ Đức của TP.Hồ Chí Minh). Trong đó, đất nông nghiệp có đánh thuế hơn 70 ngàn hécta (có 35 ngàn hécta đất của người bản xứ; 29,6 ngàn hécta do người châu Âu khai khẩn) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong khi toàn tỉnh có khoảng 863 ngàn hécta đất cho phép khai thác.
Vườn dừa được trồng công nghiệp ở huyện Long Thành của Công ty nông nghiệp Thành Tuy Hạ |
Thời đó, có sự phân hóa rõ rệt về định hướng sản xuất giữa người bản xứ và người châu Âu. Trong số 35 ngàn hécta đất của người Việt có 30 ngàn hécta (85,7%) là trồng lúa; trong khi đó với 29,6 ngàn hécta của người châu Âu, diện tích trồng lúa chỉ chiếm 5,7%, còn lại là trồng các loại cây công nghiệp. Tuy nhiên, theo Địa chí tỉnh Biên Hòa (tác giả M.Robert), thời điểm này lúa gạo sản xuất trong tỉnh không đủ cung cấp, phải nhập thêm từ miền Tây, Thủ Dầu Một và Gia Định. Phương thức sản xuất nông nghiệp cũng còn rất lạc hậu, hầu như sử dụng sức người là chính.
Đến đầu thế kỷ 20, người dân vẫn trồng cau theo kiểu tự phát. Trong ảnh: vườn cau của người dân trên quốc lộ 1 ngang TX.Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa).(ảnh:Trái). Công nhân lột vỏ dừa theo phương thức thủ công để thu hoạch cùi dừa đưa về Chợ Lớn (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh) ép lấy dầu.(ảnh:Phải) |
Ngoài lúa, người Biên Hòa cũng trồng rất nhiều cau và xuất bán đi các nơi. Khu vực trồng cau tập trung nhiều ở 2 tổng Thành Tuy Thượng và Thành Tuy Hạ (Long Thành, Nhơn Trạch ngày nay), lên đến 17 ngàn hécta, trong đó cau Đồng Môn (huyện Nhơn Trạch) được ưa chuộng nhất. Người dân xuất bán cau tươi hoặc cau sấy đi các tỉnh miền Tây và Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cũng như cau, tiêu được trồng tự phát, diện tích nhỏ lẻ trong vườn nhà dân |
Đầu thế kỷ 20, do công nghệ ép dầu phát triển nên cây dừa được đánh giá là cho lợi nhuận cao, vì thế nhiều đồn điền trồng dừa của các công ty bắt đầu hình thành như: Công ty đồn điền dừa An Lộc, Công ty Xuân Lộc, Công ty nông nghiệp Thành Tuy Hạ… với tổng diện tích lên đến 2,8 ngàn hécta.
Toàn tỉnh Biên Hòa đầu thế kỷ 20 có 30 ngàn hécta đất lúa, nhưng phương thức sản xuất còn lạc hậu. Trong ảnh: Lúa sau khi cắt thì được đập bằng sức người để thu hoạch hạt lúa. |
Về cây mía, tỉnh Biên Hòa xếp hạng thứ nhì (sau Gia Định) về sản lượng với diện tích khoảng 2 ngàn hécta. Từ những năm 1920 trở đi, người châu Âu bắt đầu quan tâm khai thác đất trồng mía với diện tích lên đến 25 ngàn hécta, gấp 12,5 lần so với người bản xứ.
Công nhân thu hoạch quả thầu dầu tại đồn điền An Lộc. Thời điểm này thầu dầu đang được trồng thử nghiệm nên diện tích không nhiều. |
Một số cây công nghiệp khác cũng bắt đầu xuất hiện ở Biên Hòa vào thời điểm này như: cà phê, thầu dầu, va-ni, thuốc lá, tiêu… nhưng diện tích không đáng kể, chỉ từ vài chục đến hơn trăm hécta.
Nguyễn Văn Phúc