3 năm qua, từ sự vận động và giúp đỡ của các mạnh thường quân, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ tiền mua vé xe buýt đến trường,...
3 năm qua, từ sự vận động và giúp đỡ của các mạnh thường quân, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ tiền mua vé xe buýt đến trường, không còn cảnh các em phải đạp xe hàng chục cây số đường rừng đến trường để theo đuổi ước mơ tìm con chữ như trước đây.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ tiền đi xe buýt đến trường. |
Trước đây để kịp tới trường lúc 6 giờ sáng, từ 3 giờ 30, em Liêu Thị Kiều (ngụ ấp 4, xã Mã Đà) đã cùng em gái thức dậy, chuẩn bị đồ đạc, sửa soạn cặp sách. Sau đó, 2 chị em phải cuốc bộ thêm 5km đường đèo dốc, khúc khuỷu mới đến được điểm tập trung đón xe buýt. Đúng 5 giờ, xe lăn bánh đưa các em tới Trường THCS Mã Đà.
* Chặng đường vất vả
Ngày nào cũng vậy, “thời khóa biểu” vượt đường tới trường của chị em Kiều lặp đi lặp lại, không sai lệch một giờ nào. Bởi chỉ cần đến trễ vài phút là xe đã chạy, buổi học hôm đó sẽ dở dang. Quãng đường từ nhà đến lớp rất xa, qua những cánh rừng hoang vắng, đường đi lại vô cùng khó khăn. Có những hôm trời mưa, con đường trở nên trơn trượt, việc đi học vốn vất vả càng gian nan hơn.
Anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu cho rằng giá trị những tấm vé xe buýt đối với nhiều người có thể không lớn, nhưng với học sinh nghèo thì thật sự có ý nghĩa và ấm áp. Những tấm vé giúp các em gieo niềm tin vào cuộc sống, vượt qua bao khó khăn tìm con chữ nuôi ước mơ thay đổi cuộc đời. |
Kiều bộc bạch, gia đình em thuộc một trong những hộ nghèo khó nhất ở ấp 4. 3 chị em gái của Kiều đến lớp đầy đủ là cả sự cố gắng không kể hết với bao vất vả của cha mẹ. Do hoàn cảnh khó khăn nên Kiều đi học muộn hơn so với các bạn. Hiện Kiều và em gái đang là học sinh lớp 9/1 của Trường THCS Mã Đà.
Nhà nghèo, con đường tìm cái chữ của chị em Kiều cũng lắm gian nan. Nếu đi xe đạp, với quãng đường 25km đường rừng chuyện đến trường của Kiều gần như không thể do quá xa và đầy bất trắc. Vì vậy ngoài tiền ăn học, mỗi tháng gia đình phải lo cho 2 chị em một khoản tiền không nhỏ trong việc đi lại.
Thế nhưng từ 3 năm nay, trong khoản tiền mua vé xe của chị em Kiều đã được hỗ trợ thêm 8 ngàn đồng/ngày. Có được sự động viên này, cả 2 chị em càng chăm chỉ học tập, chưa hề bỏ buổi học nào và hiện là học sinh khá giỏi của Trường THCS Mã Đà.
“Đi xe đưa rước, 2 chị em phải tốn khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Cha mẹ đi làm thêm cực khổ cũng không đủ để trang trải hết, số tiền này quá lớn so với chi tiêu của gia đình. Nếu không có tiền hỗ trợ mua vé xe buýt, việc học của chúng em có thể sẽ phải dừng bước sớm” - Kiều tâm sự.
Ở Mã Đà, các ấp 2, 3 và 4 vốn nằm sâu trong những cánh rừng già rộng lớn. Từ nhà tới trung tâm xã phải đi qua các con đường mòn ngoằn ngoèo và dài thăm thẳm. Do vậy, với cấp tiểu học các em sẽ học tại chỗ ở điểm trường phụ do thầy cô từ cơ sở chính vào giảng dạy. Nhưng khi lên cấp THCS, học sinh buộc phải đến trung tâm xã học tập. Không ít em vì điều kiện khó khăn mà chẳng có cơ hội được theo đuổi con chữ.
Phan Thanh Vân (học lớp 7/1, ngụ ở ấp 4) chia sẻ, ở miền sơn cước này hơn phân nửa học sinh là con nhà khó khăn. Vì thế, số tiền hỗ trợ mua vé xe buýt tuy ít ỏi nhưng đã giúp em được duy trì ước mơ bồi đắp kiến thức đến nơi tới chốn.
“Có những ngày đến lớp mà không kịp ăn sáng, ngồi trên xe bụng em đói réo rắt. Mỗi khi xe chạy qua những đoạn đường xấu em mệt đến lả người. Hay buổi trưa do phải đi đường xa, về tới nhà lúc nào cũng đói meo. Tuy nhiên, không vì thế mà em xao lãng việc học” - Vân chia sẻ thêm.
* Nghĩa tình với con chữ
Nói về quá trình cùng các mạnh thường quân hỗ trợ vé xe buýt giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường trong suốt 2 năm qua, Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà Nguyễn Thị Thanh Tuyền tâm sự, đường đi ở đây rất xấu, xe cộ nhanh hư hỏng khiến chi phí sửa chữa cũng tăng lên.
Một lớp học tại Trường THCS Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. |
Do vậy, nhà xe thường thu giá vé cao để bù lại, việc này khiến nhiều gia đình dè dặt, rồi từ chối luôn việc đưa đón. Hệ quả là nhiều em dù ham học nhưng đành bỏ dở việc học giữa chừng. Nhà trường đã đi vận động khắp nơi với hy vọng bù vào phần nào chi phí đi lại cho các em.
Trong số 114 em phải đi xe đưa đón hằng ngày, qua chắt lọc và chọn lựa kỹ càng, nhà trường quyết định hỗ trợ 43 em cần được giúp đỡ nhất. Với trường hợp gia đình khó khăn, mỗi em được giảm 8 ngàn đồng/ngày; hộ gia đình cận nghèo sẽ giảm 6 ngàn đồng/ngày.
Bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình, Huyện đoàn Vĩnh Cửu đã bàn giao công trình thanh niên hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2018-2020. Với số tiền 100 triệu đồng do Công ty TNHH Bắc Hoằng tài trợ, các em chỉ phải đóng 50% tiền vé đi lại. Đây là niềm vui lớn không chỉ của gia đình các em mà của cả thầy trò Trường THCS Mã Đà.
“Năm học này, số em cần giúp đỡ tăng thêm 9 suất, do vậy chúng tôi đang tiếp tục vận động để các em có cơ hội đến trường như những bạn khác. Hy vọng đây sẽ là động lực giúp học trò cố gắng và vươn lên trong học tập, không phải bỏ giữa chừng vì đường xa cách trở” - bà Tuyền cho hay.
Anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu khẳng định, xã Mã Đà là địa bàn khó khăn, nhiều em gặp nhiều thiệt thòi trong việc đến trường. Trong 2 năm qua công trình thanh niên hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho 43 em với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Nguồn kinh phí ngoài việc đóng góp của các đoàn viên thanh niên, mạnh thường quân thì Huyện đoàn đã đi vận động thêm từ các doanh nghiệp, tổ chức ở các địa phương. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn, do vậy để tiếp tục duy trì lâu dài Huyện đoàn sẽ tăng cường công tác vận động với mục tiêu càng nhiều học sinh được hỗ trợ chi phí đi lại càng tốt.
Thanh Hải