Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan mua vé tàu tết

08:10, 04/10/2018

Chỉ sau 1 ngày Ga Biên Hòa mở bán vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019, các chuyến tàu chính chặng đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc đều đã hết chỗ. Nhiều người chầu chực nhiều giờ liền vẫn không mua được vé....

Chỉ sau 1 ngày Ga Biên Hòa mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các chuyến tàu chính chặng đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc đều đã hết chỗ. Nhiều người chầu chực không mua được vé đành phải ra về, trong khi đó chỉ cần qua “cò” là có vé như ý muốn.

Người dân chờ mua vé tàu tết ở Ga Biên Hòa.(Ảnh:Dương Ngọc)
Người dân chờ mua vé tàu tết ở Ga Biên Hòa.(Ảnh:Dương Ngọc)

Đến hẹn lại lên, rất đông hành khách đã có mặt tại Ga Biên Hòa vào sáng sớm 1-10 với hy vọng mua được tấm vé về quê ăn tết. Không chỉ người dân trong tỉnh mà khu vực lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đến chầu chực từ sớm.

* Khó mua được vé

Vừa xếp hàng chờ đợi, chị Lê Thị Kiều (quê tỉnh Thanh Hóa, sống ở tỉnh Bình Dương) vừa cho biết, chị cứ nghĩ đến Ga Biên Hòa khả năng mua được vé tàu dễ hơn Ga Sài Gòn vì lượng hành khách ít. Tuy nhiên, khi chị Kiều đến đây đã có hàng trăm người đứng xếp hàng chờ mua vé, dòng người kéo dài từ trong sảnh chính ra đến bên ngoài sân.

Càng về trưa lượng người đến mua vé càng nhiều. Đến khoảng 12 giờ 30, nhiều người bước ra với vẻ mặt thất vọng, vé tàu nhanh đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc vào các ngày cao điểm (từ ngày 31-1 đến 2-2-2019) gần như đã bán hết, chỉ còn các ghế phụ. Một số gia đình có con nhỏ, không ngồi được dạng ghế này buộc phải đổi ngày hoặc chuyển qua đi các phương tiện khác.

Nhiều người vừa xếp hàng mua vé tại quầy vừa tranh thủ đặt chỗ qua mạng nhưng vẫn không tài nào mua được vé tàu tết. Đến khoảng 14 giờ ngày đầu tiên mở bán thì vé tàu đi ngày 2-2-2019 (tức 28 tết) không còn một chỗ trống, nhiều người chấp nhận đi tàu tăng cường, nhưng cũng phải mua ghế phụ với giá cao gần bằng với ghế chính.

“Tôi năm nào cũng về quê ăn tết nên luôn theo dõi kỹ lịch bán vé tàu. Dù đến sớm, xếp hàng nhưng cuối cùng vẫn không có vé như ý muốn, đành phải về sớm trước mấy ngày. Việc mua vé tàu tết ảnh hưởng rất lớn đến chuyện học và việc làm của các thành viên trong gia đình” - chị Lê Thị Kiều (quê tỉnh Thanh Hóa, sống ở tỉnh Bình Dương) ngán ngẩm nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, đợt tổ chức bán vé tàu tết lần này công tác bán vé diễn ra trật tự hơn, không còn tình trạng chen lấn, vây quanh quầy vé như những năm trước. Tuy nhiên, lượng vé bán chỉ hạn chế mà nhu cầu vẫn không giảm nên trong buổi sáng đã có nhiều người bỏ về vì không mua được vé.

Ông Nguyễn Văn Thuận (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ, các chặng ngắn đi các tỉnh miền Trung không còn chỗ, hệ thống bán vé gợi ý hành khách mua chặng dài hơn, đồng nghĩa giá tiền sẽ đội lên rất nhiều.

Cụ thể, nếu đi Quảng Bình, Quảng Trị, ông Thuận được hướng dẫn mua vé đi chặng Thanh Hóa hoặc Nghệ An, tiền vé có thể từ 1,8 triệu đồng tăng lên khoảng 2 triệu đồng với ghế ngồi mềm điều hòa. So với đi xe khách, vé tàu đắt hơn rất nhiều, nhưng giờ giấc lại bị động nên ông Thuận từ chối.

“Không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều không mua được vé như ý muốn. Cả việc mua vé qua mạng hay trực tiếp tại chỗ đều khó khăn. Ai đến trước thì mua được, còn chậm trễ một tí là không còn vé. Bây giờ, chỉ còn cách chờ vé trả lại hoặc đi tàu tăng cường, ngồi ghế phụ” - ông Thuận bộc bạch.

* Qua “cò” là có

Sau nhiều tiếng đồng hồ chầu chực, cuối cùng anh Hoàng Xuân Lâm (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) mới tiếp cận được với nhân viên bán vé. Khi anh Lâm cung cấp ngày giờ đi tàu thì được một nhân viên bán vé tàu thông báo hệ thống bán vé tại Ga Biên Hòa đã hết vé. Trình bày hoàn cảnh có con nhỏ muốn đi ghế chính sẽ thuận lợi hơn thì anh nhận được cái lắc đầu của nhân viên này.

Sau đó, nhân viên nói trên chỉ anh Lâm đứng canh những ai đến trả vé đúng vào ngày anh muốn về thì mua lại. Anh Lâm nói số lượng vé cần mua khá nhiều, người này lại hướng dẫn ra phía trước bãi giữ xe nhà ga là có thể mua được.

Tại khu vực gửi xe, chúng tôi gặp 2 người đàn ông đang chờ “săn” khách từ những người không mua được vé tàu chính đi các ngày 28, 29 tết. Một người đàn ông khoảng 45 tuổi, làm nghề chạy xe ôm, chuyên “cò” vé tàu ở Ga Biên Hòa cho hay, giá cả đúng như ngành đường sắt công bố, “cò” chỉ ăn tiền chênh lệch, không tính vào giá vé. Người này ra giá, 250 ngàn đồng/giường nằm và 150 ngàn đồng/ghế ngồi.

Khi thắc mắc vì sao trong nhà ga không còn vé mà bên ngoài mua được, người đàn ông này trấn an vé ở đây mua từ ngoài Hà Nội nên lúc nào cũng có vé. Vé đảm bảo như cam kết, không bao giờ bán vé giả, người mua chỉ cần cung cấp họ tên, số chứng minh nhân dân.

Một “cò” khác (làm nghề bán nước) ngồi gần đó cũng khẳng định, tất cả vé bán qua “cò” đều được đáp ứng đủ số lượng, loại tàu theo yêu cầu. Người này còn đưa điện thoại của mình cho khách xem cách đặt vé từ hệ thống mà họ mua được. Bên cạnh đó, nếu chưa thể mua ngay, khách có thể gửi lại thông tin người đi, tiền đặt cọc để họ làm biên nhận. Lúc nào, quay lại lấy vé cũng được.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng Trạm vận tải Ga Biên Hòa Phạm Thị Thanh Hòa khẳng định không có chuyện nhân viên bán vé hướng dẫn hành khách mua vé từ bên ngoài khi hệ thống không còn vé. Việc này, đã được lãnh đạo Ga Biên Hòa quán triệt nghiêm ngặt với tất cả nhân viên.

Về câu hỏi đặt ra là vì sao chỉ cần thông qua “cò” là có thể mua được vé dù trước đó mua vé trực tiếp tại quầy không được, bà Hòa lý giải, hiện nay ngành đường sắt phân bổ vé theo tỷ lệ 30-70. Nghĩa là các ga tàu khu vực phía Nam được 70% trong tổng số vé bán ra. Hành khách mua vé qua “cò” có thể được mua trên hệ thống bán vé ở Ga Hà Nội.

Nhiều người cho rằng, trong khi hành khách cũng truy cập vào hệ thống đặt vé, thậm chí cả nhân viên bán vé thông báo đã không còn vé thì việc những người làm nghề “cò” vé mua được là điều khó hiểu. Thực trạng này diễn ra hằng năm mà không được chấn chỉnh khiến hành khách mua vé tàu tết bức xúc...

Dương Ngọc

Tin xem nhiều
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift