Hầu hết các vụ tranh chấp đất ở KP.11A, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) mà Báo Đồng Nai đề cập trong loạt bài này đều được người dân trình báo, khiếu nại đến chính quyền địa phương. Khi chính quyền chưa giải quyết dứt dạt, một trong các bên tranh chấp tiếp tục gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
[links()]Hầu hết các vụ tranh chấp đất ở KP.11A, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) mà Báo Đồng Nai đề cập trong loạt bài này đều được người dân trình báo, khiếu nại đến chính quyền địa phương. Khi chính quyền chưa giải quyết dứt dạt, một trong các bên tranh chấp tiếp tục gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Công an phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) có mặt để giải quyết vụ tranh chấp đất giữa bà N.T.Đ. (ngụ KP.11A, phường Tân Phong) và nhóm người khác. |
Là người chứng kiến và chịu đứng ra làm chứng cho nhiều vụ tranh chấp đất ở KP.11A, bà N.T.Đ. (cán bộ chi hội phụ nữ KP.11A, phường Tân Phong) cho biết ở khu vực này, người dân rất hoang mang trước tình trạng giang hồ tham gia vào tranh chấp đất.
* Né tránh ra phường giải quyết
Theo bà Đ., các đối tượng lạ mặt thường trưng ra một tờ giấy mua bán đất viết giấy tay rồi đến tranh chấp đất với một số người dân. Khi được chính quyền mời lên giải quyết, bọn họ thường tìm cách né tránh hoặc cho người ra làm chứng nhưng không cung cấp đủ cơ sở. Tiếp đó, các đối tượng thường dùng chiêu kéo nhiều người đến uy hiếp, đe dọa với mục đích chiếm được đất. Đối với những người dân cương quyết giữ đất, họ cho người hỏi mua lại với giá rẻ.
Như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Đức Trí, chị Nguyễn Thị Mai Loan. Vào tháng 1-2018, vợ chồng chị Loan và người chị gái của chồng mua lô đất có diện tích 9x21m ở tổ 40, KP.11A, phường Tân Phong của ông Nguyễn Văn Hoành (người dân địa phương) với giá 620 triệu đồng bằng giấy tờ tay. Sau đó, vợ chồng chị làm nhà trên phần đất của mình, còn một nửa phần đất của chị gái thì vẫn để trống.
Ngày 10-7, một phụ nữ tên N. dẫn 4 thanh niên xăm trổ đầy mình đến gọi cửa và hỏi “vặn vẹo” chị Loan tại sao xây dựng nhà trên đất của họ. Chị Loan đã gửi đơn đến UBND phường Tân Phong để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên phía bà N. và các đối tượng tự xưng là người đã mua lô đất không có thiện chí trong việc hòa giải ở địa phương và liên tục đến nhà uy hiếp tinh thần vợ chồng chị Loan.
Chị Loan còn cho biết, các đối tượng không ít lần đến thương thuyết đòi “bồi thường” để lấy đất và nhà của gia đình chị. Theo đó một số đối tượng trong nhóm lạ mặt này yêu cầu đưa cho chị Loan 200 triệu đồng để chị dọn đi, nếu muốn ở lại thì phải đưa cho họ 500 triệu đồng.
Tương tự, bà Vũ Thị Quyên (ngụ tổ 40, KP.11A, phường Tân Phong) cũng bức xúc khi ông V.Đ.T. tranh chấp đất nhưng khi yêu cầu ông ra chính quyền địa phương để giải quyết thì bị từ chối mà chỉ kéo người đến tranh chấp để gây áp lực cho gia đình bà. Đến cuối tháng 9, gia đình bà Quyên tiếp tục “đụng độ” với nhóm người này do các đối tượng không giữ nguyên hiện trạng để chờ chính quyền giải quyết.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết nếu xảy ra tranh chấp đất, trước tiên các bên phải gửi đơn ra chính quyền địa phương để hòa giải. Trên cơ sở bằng chứng của các bên đưa ra tổ hòa giải sẽ phân định quyền lợi của các bên. Nếu hòa giải không thành, vụ việc sau đó mới gửi đến tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự. Tại tòa, các bên tranh chấp tự chứng minh quyền lợi sở hữu của mình bằng các bằng chứng tự mình thu thập.
* Chính quyền địa phương đã biết
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết trong trường hợp các bên mua bán đất bằng giấy tờ viết tay tòa án vẫn giải quyết được dựa trên những bằng chứng, chứng cứ mà người dân tự cung cấp. Đó chính là thời điểm giao dịch, quá trình sử dụng, canh tác, cải tạo, xây dựng và cả những quyết định xử phạt của chính quyền đối với chủ sở hữu (về xây dựng trái phép… nếu có) mà người dân đã thực hiện trên thửa đất này. |
Ông Đào Đức Nam, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong cho biết, khu vực xảy ra các vụ tranh chấp nói trên nằm trong khu đất 74 hécta có nguồn gốc đất quốc phòng thuộc KP.11A, phường Tân Phong. Tuy nhiên do công tác quản lý lỏng lẻo nên nhiều năm qua người dân vào lấn chiếm, canh tác sau đó mua đi bán lại bằng giấy tay nhiều lần. Hiện tại, khu đất này chưa bàn giao cho địa phương nên trên bản đồ chưa xác định số tờ, số thửa.
Theo ông Nam, đối với các vụ tranh chấp đất ở khu vực này, khi nắm được thông tin chính quyền đều cử các lực lượng: công an, trật tự phường vào kiểm tra, xử lý, lập biên bản ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ có chức năng hòa giải, nếu hòa giải không thành mới đề nghị người dân gửi đơn đến tòa án để giải quyết.
Thời gian qua, UBND phường Tân Phong lập biên bản xử lý hàng chục vụ việc tranh chấp đất gây mất an ninh trật tự. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự như: cắt cây, phá hoại bờ rào… chính quyền địa phương hướng dẫn người dân trình báo cơ quan công an vào cuộc xử lý theo hướng hủy hoại tài sản.
Ông Đào Đức Nam cũng thừa nhận, thời gian vừa qua có xuất hiện các băng nhóm giang hồ vào tranh chấp với người dân. Tuy nhiên, việc xuất hiện của những băng nhóm này cũng xuất phát từ việc người dân kêu gọi vào để giải quyết tranh chấp và ăn chia với nhau. Với những vụ việc có tính chất băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen, phường báo cáo UBND TP.Biên Hòa để chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa sớm điều tra làm rõ.
Trao đổi về tình trạng các băng nhóm giang hồ xuất hiện trong các vụ tranh chấp đất với người dân mà chúng tôi nêu trong loạt bài này, Trung tá Lê Hoàng Anh, Trưởng Công an phường Tân Phong cho biết sau khi tiếp nhận các vụ việc phản ảnh từ người dân, công an địa phương đều vào lập biên bản ghi nhận sự việc.
Trước những dấu hiệu hoạt động của các băng, nhóm, Công an phường lập hồ sơ ban đầu, báo cáo cho Công an TP.Biên Hòa vào cuộc điều tra. Riêng đối với các vụ có dấu hiệu lừa đảo Công an phường ghi nhận và đề nghị người dân gửi đơn đến Công an TP.Biên Hòa để điều tra, giải quyết.
Nhóm P.V