Ấp 6, xã Mã Đà là nơi vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu, đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn, vất vả. Mỗi khi người dân nơi đây gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống đều tìm đến vợ chồng ông Lê Văn Vàng (Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp 6) và bà Tô Thủy Phượng (Trưởng ấp 6) để nhờ giúp đỡ.
Ấp 6, xã Mã Đà là nơi vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu, đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn, vất vả. Mỗi khi người dân nơi đây gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống đều tìm đến vợ chồng ông Lê Văn Vàng (Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp 6) và bà Tô Thủy Phượng (Trưởng ấp 6) để nhờ giúp đỡ.
Vợ chồng ông Lê Văn Vàng, bà Tô Thủy Phượng luôn đồng cảm, chia sẻ với người nghèo, hoạn nạn ở ấp 6, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Hoàn cảnh vợ chồng ông Vàng và bà Phượng vốn cũng không khá giả gì nhưng từng nếm trải khó khăn, vất vả nơi rừng sâu Mã Đà nên thấu hiểu và hết lòng sẻ chia với dân nghèo.
* 2 “trái tim” nghèo
Ông Vàng vốn là Việt kiều Campuchia phiêu bạt về xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sinh sống. Tại đây, ông gặp cô thôn nữ nghèo Tô Thủy Phượng và 2 người nên duyên vợ chồng. Để xây dựng kinh tế gia đình, cách đây hơn 28 năm ông Vàng và bà Phượng theo chân nhiều Việt kiều Campuchia dời tổ ấm về lòng hồ Trị An lập nghiệp.
Ông Nguyễn Hải Thần, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà cho biết: “Đời sống của người dân xã Mã Đà còn khó khăn hơn các xã khác trong huyện. Do đó, tấm lòng, việc làm vì cộng đồng của vợ chồng ông Vàng, bà Phượng ở ấp 6 rất ý nghĩa với người dân nơi đây”. |
Thêm một túp lều tạm bợ xuất hiện tại khu đất cao um tùm cỏ tranh và chòi cây của đôi vợ chồng trẻ Vàng - Phượng như góp thêm sự nghèo khó cho khu dân cư kinh tế mới Mã Đà (lúc đó thuộc KP.9, thị trấn Vĩnh An). Thời điểm này, chủ trương cấm khai thác rừng của tỉnh, huyện rất quyết liệt. Không đất sản xuất, vợ chồng ông Vàng càng cật lực đánh bắt tôm cá ở lòng hồ Trị An và làm thuê mướn. Sau nhiều năm chịu thương, chịu khó lao động và tích cóp, vợ chồng ông bà được người dân nhượng lại trên 1 hécta đất rẫy với giá vài chỉ vàng.
Dù cuộc sống còn khó khăn, bà Phượng vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Bà Phượng cho biết, bà thích làm công tác xã hội vì gia đình bà vốn có truyền thống cách mạng, bản thân có trình độ học vấn lớp12 nên muốn góp phần giúp người dân, nhất là phụ nữ ở đây bớt thua thiệt. Chính vì vậy, dù có thời điểm nồi cơm của gia đình phải độn khoai, bắp và quanh năm chỉ ăn với cá tự đánh bắt, bà Phượng vẫn dành thời gian lội bộ, đi xe đạp hoặc đi nhờ xe người khác ra tận thị trấn để họp rồi về triển khai các chương trình sức khỏe, bình đẳng giới cho phụ nữ ở xã Mã Đà.
Còn ông Vàng thì làm “thợ đụng” (đụng gì làm đó) siêng năng, ngoài làm rẫy, đánh cá ông còn kiêm luôn cái nghề mai táng để vừa giúp người dân nghèo trong vùng khi chẳng may bệnh tật qua đời, vừa kiếm thêm thu nhập khi các dịch vụ mai táng trong và ngoài xã Mã Đà yêu cầu. Năm 2010, Đội mai táng trợ của Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà được thành lập thì ông Vàng được giao nhiệm vụ đội phó, sau đó làm đội trưởng. “Công việc của tôi là chỉ huy anh em lo hậu sự miễn phí cho những người xấu số vô thân, người nghèo khó trong xã và trực tiếp lo tẩm liệm hoặc cất bốc hài cốt” - ông Vàng nói.
* Sống nghĩa tình
Thấy công việc của ông Vàng và Đội mai táng trợ vất vả trong việc dùng sức người hoặc xe thô sơ di chuyển linh cữu người quá cố từ rừng sâu về tới nghĩa trang xã, Hội Chữ thập đỏ xã liên hệ xin được chiếc xe ô tô của một mạnh thường quân và giao cho đội làm nhiệm vụ cấp cứu, mai táng miễn phí cho người nghèo, khó khăn. Để có kinh phí xăng dầu cho xe hoạt động, có áo quan cấp cho người quá cố, bà Phượng với vai trò là Trưởng ban Công tác mặt trận ấp, Trưởng ấp 6 phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã, đoàn thể, chính quyền vận động nhân dân, mạnh thường quân xin tài trợ.
Bà Tô Thủy Phượng hướng dẫn cho bà Đinh Thị Ngọc Hân (ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cách thức vay vốn đầu tư vườn rẫy. |
“Đúng là chuyện gia đình người ta, chuyện xã hội nhưng vợ chồng tôi thấy họ khổ quá cũng không thể ngồi nhìn. Mà đã nhúng tay vào làm thì phát sinh bao nhiêu là chuyện. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hiền qua đời, lo xong mồ yên mả đẹp thì lại tính đến chuyện lo cuộc sống cho 2 đứa con của bà còn nhỏ đã mồ côi” - bà Phượng bộc bạch.
Còn ông Vàng thì kể, cách đây mấy năm khi người dân báo tin có một người đàn ông tự vẫn trong rừng sâu, thi thể thối rữa. Sau khi cơ quan chức năng làm nhiệm vụ xong và bàn giao lại thi thể cho Đội mai táng trợ xã an táng, ông Vàng và các thành viên trong đội tất bật từ 9-18 giờ mới an táng xong. Tuy nạn nhân là người xấu số, vô danh nhưng ông và các thành viên trong đội vẫn chôn cất cẩn thận, chu đáo vì “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Đó là chuyện lo cho người đã khuất. Còn người đang sống mà gặp khó khăn về kinh tế thì vợ chồng ông Vàng, bà Phượng cũng sẵn sàng giúp đỡ. Hộ nào khó về nhà ở thì ông Vàng, bà Phượng vận động kinh phí để sửa, xây nhà tình thương. Trong ấp, ai bệnh tật, tai nạn thì ông bà luôn sát cánh cùng chi bộ, chi hội, đoàn thể khác chung tay giúp từng ký gạo, tiền viện phí, hỗ trợ con em họ không bỏ học giữa chừng.
“Vợ chồng tôi từng khổ nên muốn giúp đỡ bà con, chòm xóm mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Chúng tôi tâm nguyện làm việc thiện để giúp đời, giúp người và đó cũng là sự tri ân với vùng đất đã cưu mang chúng tôi trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, nhằm thắt chặt tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, trong xóm ngõ” - bà Phượng bộc bạch.
Đoàn Phú