Tuyến đường sắt đoạn từ Ga Biên Hòa đến huyện Trảng Bom đi qua hàng loạt xóm đường tàu với nhà dân mọc san sát 2 bên. Sinh sống cạnh những chuyến tàu đã trở thành thói quen với người dân....
Tuyến đường sắt đoạn từ Ga Biên Hòa đến huyện Trảng Bom đi qua hàng loạt xóm đường tàu với nhà dân mọc san sát 2 bên. Sinh sống cạnh những chuyến tàu đã trở thành một thói quen với người dân nhưng cũng thường trực với nỗi lo tai nạn giao thông.
Nhà dân nằm sát ngay đường ray xe lửa đoạn qua phường Tân Biên, TP.Biên Hòa. |
Tàu đến, hầu hết mọi người tỏ ra rất chủ quan. Họ chơi đùa, làm việc bình thường ngay cạnh đường ray.
* Sống đâu quen đó
Xóm đường tàu nằm giữa các phường Tân Biên, Tân Hòa và Long Bình của TP.Biên Hòa là nơi có nhiều người dân sinh sống. Cuộc sống của bà con ở đây quá quen với tiếng còi báo, tiếng tàu hỏa chạy qua mỗi ngày. Nhiều người tuy không nhớ chính xác giờ giấc, lịch trình tàu chạy, nhưng đều biết mỗi ngày có bao nhiêu chuyến. Nghe tiếng máy chạy, họ có thể nhận ra đó là tàu hàng hay tàu chở khách.
Ông Nguyễn Văn Hà (58 tuổi, ngụ KP.11, phường Tân Hòa), chủ một xưởng mộc cho hay đường tàu nằm trong khu dân cư tại đây đã hình thành từ hàng chục năm qua. Khu vực này gần với Ga Hố Nai, là một điểm của đường sắt Bắc - Nam, nối Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom) với Ga Biên Hòa (TP.Biên Hòa) nên nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Tại các xóm đường sắt, nhà cửa mọc sát 2 bên, nhiều đoạn không có rào chắn, không có hành lang bảo vệ, các biển báo cũng thiếu nên người dân thường lơ là, vô tư đi lại ngay trên đường ray. Nguy hiểm luôn rình rập, đó chính là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm. |
Khoảng chục năm trở lại đây, 2 bên đường ray nhiều hộ dân thi nhau lấn chiếm đất, xây nhà nên khoảng cách đường tàu đến nhà dân càng bị thu hẹp lại, có nơi chỉ còn khoảng 1-2m. Nhà này cách nhà kia chỉ vài bước chân, cạnh đó là dãy đường ray ngoằn nghèo không có rào chắn, không có hành lang bảo vệ.
Ở xóm đường tàu, nhà xây lên ngoài để ở, còn là nơi tập kết gỗ, xây dựng xưởng mộc, số khác làm dãy trọ cho công nhân thuê. Ở những chỗ đất trống người dân còn tận dụng trồng rau, kê bếp lò để nấu nướng. Khi tàu đến thì nhanh chóng thu dọn, tàu rời đi thì mọi sinh hoạt trở lại bình thường.
“Sống lâu thành quen, lâu dần cũng thấy bình thường. Trẻ con chơi đùa, người lớn đi lại ngay trên đường ray. Ít ai mong mình sẽ sinh sống lâu dài ở khu vực đầy bất trắc, nhưng đã bao năm trôi qua họ vẫn ở đó, quên cả sự bất an thường nhật” - ông Hà bộc bạch.
Ngày mới chuyển đến sống ở xóm đường tàu thuộc KP.9, phường Tân Biên, anh Nguyễn Hữu Lộc lúc nào cũng mệt mỏi, đầu căng như dây đàn, bởi những chuyến tàu cứ nối tiếp nhau chạy bất kể ngày đêm khiến anh lâm vào tình trạng mất ngủ triền miên.
Vậy mà chỉ sau vài tháng, anh đã có thể nhớ rõ giờ giấc tàu đi và đến. Âm thanh xình xịch, tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng bánh xe rít kèn kẹt trên đường ray cũng trở nên quen thuộc. Với anh, sống gần đường ray sẽ rất nguy hiểm với những ai chưa quen, nhưng khi đã quen thì mọi thứ trở nên bình thường.
Dân cư tập trung ở xóm đường tàu chủ yếu dân lao động tự do, công nhân tại các khu công nghiệp. Hầu hết là những căn nhà cấp 4, ẩm thấp và có phần xập xệ vì nhiều năm không được sửa chữa, xây dựng hay sơn mới vì ai cũng trong tình thế có thể chuyển đi nơi khác.
“Ngoài một số căn nhà có giấy tờ đàng hoàng thì không ít căn chỉ xây tạm trên phần đất của hành lang đường sắt. Đó chủ yếu là nhà xưởng, nhà trọ nên không ai dám bỏ tiền ra xây dựng kiên cố. Nhiều đợt tưởng di dời, nhưng vẫn tồn tại hàng chục năm qua” - anh Lộc tâm sự.
* Thấp thỏm nỗi lo
Cách đó chừng vài cây số là xóm đường tàu thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). So với những nơi khác, ở đây có những hàng rào phân cách với đường sắt nhưng nhiều người dân bất chấp mở lối để qua lại cho tiện. Thậm chí, một chợ “cóc” công nhân mọc lên ngay đó, gần với đường tàu. Hằng ngày, hàng ngàn công nhân và người dân qua lại bình thường mà không cảm thấy lo lắng gì.
Trẻ em vui chơi, đi lại ngay trên đường sắt đoạn qua Ga Hố Nai. |
Bà Mai Thị Vân (ngụ ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3) chia sẻ, vợ chồng bà làm công nhân còn 2 con đang tuổi đến trường. Dù sống ở địa phận huyện Trảng Bom nhưng chỗ làm, lớp học của các con đều thuộc phường Long Bình. Để không phải đi đường vòng cách xa 5-7km, cả nhà chấp nhận băng qua đường ray cho tiện lợi.
Không riêng gì gia đình bà Vân mà rất đông những hộ dân khác cũng chọn cách đi tắt này. Người lớn tỏ ra bình thản nhưng với trẻ con thì việc băng ngang đường ray một mình là hết sức nguy hiểm.
“Vài bước chân là ra đường tàu, tôi thường “huấn luyện” con mình ghi nhớ tiếng còi tàu như tiếng báo động, nghe thấy là phải tránh xa ngay. Khu vực này từng nhiều lần xảy ra tai nạn đường sắt, mỗi lần nghe thông tin có tai nạn là tôi đều thấp thỏm lo sợ” - bà Vân bộc bạch.
Một số hộ dân sống ở xóm đường tàu ấp Thái Hòa (xã Hố Nai 3) kể do quen giờ tàu chạy qua nên họ chủ động tránh nhưng lo lắng nhất là vào các tháng gần tết. Lúc này, tần suất tàu tăng lên, người dân không thể nhớ hết giờ tàu chạy qua nên nhiều người chủ quan, băng qua lối tắt gặp ngay lúc tàu qua bất ngờ rất nguy hiểm.
Một cán bộ của UBND xã Hố Nai 3 cho hay, dọc khu vực xóm đường tàu ở ấp Thái Hòa dù đã lắp hàng rào hộ lan nhằm xóa bỏ đường ngang dân sinh nhưng sau một thời gian lại xuất hiện đường ngang bất hợp pháp mới. Chính quyền địa phương dù đã nhắc nhở, khuyến cáo nhiều lần, song tình trạng này vẫn còn tiếp diễn khiến nỗi lo về mất an toàn giao thông luôn thường trực.
Với các hộ dân xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi hành lang đường sắt, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho rằng trường hợp có giấy tờ chứng nhận hợp lệ thì ngành đường sắt sẽ tính toán bồi thường theo đúng quy định. Riêng việc cố tình lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt cần chính quyền địa phương xử lý nghiêm, không để diễn ra tràn lan.
Võ Nguyên