Báo Đồng Nai điện tử
En

Săn bắn làm cạn kiệt rừng…

09:09, 15/09/2018

Ngày nay loại hình săn bắn đã bị nghiêm cấm, nhưng vào đầu thế kỷ 20 tỉnh Biên Hòa từng là "điểm đến" của những người thích săn bắn cũng như đam mê mạo hiểm khám phá.

Ngày nay loại hình săn bắn đã bị nghiêm cấm, nhưng vào đầu thế kỷ 20 tỉnh Biên Hòa từng là “điểm đến” của những người thích săn bắn cũng như đam mê mạo hiểm khám phá.

Voi rừng bị tay thợ săn người Pháp bắn chết tại vùng rừng Gia Ray (nay thuộc huyện Xuân Lộc) vào đầu thế kỷ 20.
Voi rừng bị tay thợ săn người Pháp bắn chết tại vùng rừng Gia Ray (nay thuộc huyện Xuân Lộc) vào đầu thế kỷ 20.

Theo  M.Robert - nguyên là Phó tham biện Sở Dân sự của Đông Dương, trong Địa chí tỉnh Biên Hòa (biên soạn năm 1924), thời đó rừng già ở tỉnh Biên Hòa kéo dài từ khu vực Vĩnh Cửu ngày nay đến Hớn Quản (nay thuộc tỉnh Bình Phước), cho đến giáp Trung kỳ. Một số rừng khác nằm “da beo” ở các khu vực trong tỉnh. Vì thế, nơi đi săn ở Biên Hòa khá nhiều, trong đó vùng Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương) và xa hơn ở phía Bắc là vùng phụ cận của con đường từ An Bình đến Bà Rá (nay thuộc tỉnh Bình Phước) rất được các “tay chơi” ưa thích, thường xuyên lui tới. Vùng rừng này có rất nhiều loài thú như: voi, heo rừng, hươu nai, cheo, mang mễn, voọc, khỉ và động vật nhỏ như nhím, tê tê, thích hợp với nhiều đối tượng săn bắn khác nhau. Loài nai sừng tấm được nhìn thấy thành từng đàn. Trong khu vực rừng tre thì có vô số loài vật có cánh: vịt rừng, gà rừng với bộ lông màu sắc sặc sỡ; chim xít đen mỏ đỏ với tiếng kêu khản và buồn vang vọng vào hừng sáng và chiều tối; chim đa đa, chim cút, chim te te, chim dẽ giun, cu gáy và bồ câu đủ màu sắc. Vùng đầm lầy thì có các loài cá sấu.

Bò rừng cái bị bắn hạ tại cao nguyên Cam Tiêm (nay thuộc huyện Cẩm Mỹ).
Bò rừng cái bị bắn hạ tại cao nguyên Cam Tiêm (nay thuộc huyện Cẩm Mỹ).

Kế tiếp là khu vực cao nguyên Cam Tiêm trên đường từ Xuân Lộc đến Bà Rịa. Nơi đây từng được các thợ săn đặt tên là cao nguyên “Con minh” do sự hiện diện của rất nhiều bò rừng Oroc mà dân gian gọi là con min. Đời sống hoang dã ở vùng rừng này được đánh giá là dữ dội và đa dạng hơn bất cứ đâu bởi trong khu vực còn có sự xuất hiện của những đàn voi rừng, trong quá trình đi tìm thức ăn trong không gian rộng lớn đã để lại sau lưng những vệt dài và bụi cây bị đè bẹp bởi trọng lượng nặng nề của chúng, trâu và bò rừng cũng phải tránh né “láng giềng” hùng mạnh này. Ngoài ra cao nguyên cũng có nhiều nai, hoẵng. Lưu vực sông La Ngà là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đi săn trâu rừng, bò rừng của các tay thợ săn.

Nai sừng tấm bị giết trong một cuộc đi săn.
Nai sừng tấm bị giết trong một cuộc đi săn.

Vùng lân cận Long Thành, đoạn ở giữa Dầu Giây và Phước Lộc (xã Phước Lộc nay là thị trấn Long Thành) lúc ấy cũng có nhiều thú rừng nên cũng là một trong những địa điểm được ưa chuộng để tổ chức săn bắn, nhất là vào dịp cuối tuần vì gần với tuyến đường thuộc địa số 1 (nay là quốc lộ 1) và số 15 (tức quốc lộ 51). Dân thích săn chim thì thường tìm đến khu rừng rậm cây non ở Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ (Long Thành, Nhơn Trạch ngày nay) bởi nơi đây ngoài các loài chim thông thường còn có có hàng đàn dày đặc những con vẹt xanh kêu đến chói tai, chim ngói, quạ, gà rừng, gà lôi, bồ câu, và đặc biệt là những đàn chim công đẹp lộng lẫy với chiếc đuôi xòe rực rỡ. Biên Hòa lúc ấy có cả chim đại bàng đỏ, kền kền, diều mốc, chim ưng.

Cọp bị thợ săn bắn chết ở rừng Gia Ray.
Cọp bị thợ săn bắn chết ở rừng Gia Ray.

Cọp vào báo (beo) có mặt hầu như ở khắp mọi nơi trong khu vực rừng, từ rừng rậm cho đến rừng tre và cỏ tranh. Da cọp và beo bán rất được giá tại Sài Gòn.

Chính sự săn bắn cũng như khai thác quá mức đã làm cạn kiệt tài nguyên quý giá của rừng miền Đông. Theo M.Robert, trước đây khu vực phía bắc sông Đồng Nai và phía Đông núi Bà Rá có nhiều tê giác và gấu đen, cổ màu hung thường được gọi là gấu mật, nhưng sau một thời gian bị săn bắn, đến khoảng thập niên 20 của thế kỷ 20 tê giác “chỉ còn trong các báo cáo” còn gấu mật “dường như cũng đã biến mất khỏi vùng này”. Ông Robert cũng nhận xét: “… một số vùng xưa kia đã từng có nhiều thú bị săn bắt, bây giờ không còn nhiều thú rừng nữa và không còn được thợ săn quan tâm nữa… điều kiện theo năm tháng càng khó khăn, con mồi ngày càng khan hiếm, cần phải vào rừng sâu và rừng rậm để tìm con thú dồi dào ưng ý”.

Báo đốm (beo) bị lột da sau khi săn. Da cọp và beo bán rất có giá tại Sài Gòn thời bấy giờ.
Báo đốm (beo) bị lột da sau khi săn. Da cọp và beo bán rất có giá tại Sài Gòn thời bấy giờ.

Những hình ảnh dưới đây do Nguyễn Văn Phúc sưu tầm từ các nguồn tài liệu của Pháp cho thấy sự tàn phá động vật rừng của thực dân Pháp đầu thế kỷ 20:

Nguyễn Văn Phúc

Tin xem nhiều