Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhộn nhịp làng bè Phước An

08:09, 15/09/2018

Một ngày đầu tháng 9 nắng nóng, tôi rời TP.Biên Hòa về Phước An, một xã vùng sông nước thuộc huyện Nhơn Trạch. Nơi đây đang có những dấu hiệu khởi sắc trong việc nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch tại chỗ.

Một ngày đầu tháng 9 nắng nóng, tôi rời TP.Biên Hòa về Phước An, một xã vùng sông nước thuộc huyện Nhơn Trạch. Nơi đây đang có những dấu hiệu khởi sắc trong việc nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch tại chỗ.

Những bè nổi vừa nuôi trồng vừa kinh doanh hải sản ở làng bè Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Những bè nổi vừa nuôi trồng vừa kinh doanh hải sản ở làng bè Phước An (huyện Nhơn Trạch).

Ngồi ô tô chạy bon bon trên con đường tráng nhựa phẳng phiu vào ấp Bào Bông để đến làng bè Phước An (nằm trên nhánh Gành Hào - một phụ lưu của sông Thị Vải), tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí tấp nập, rộn ràng ở vùng quê ven bến sông này.

* Tấp nập ở một khúc sông

Ở trên bờ, bãi giữ xe tại bến Rạch Cát đã chật kín với hàng chục xe ô tô và hàng trăm xe máy đời mới. Dưới sông cũng có 5-6 thuyền máy di chuyển liên tục để đưa khách ra nhà bè. Làng bè Phước An có khoảng chục nhà bè nổi mái lợp lá dừa nước; quanh bè là những dãy thùng phuy sơn xanh làm phao nuôi hàu càng làm khung cảnh nơi đây thêm dịu mát.

Hiện nay, con tôm vẫn đang là vật nuôi chiếm diện tích mặt nước lớn nhất ở Phước An. Bên cạnh 194 hécta mặt nước nuôi tôm công nghiệp được đầu tư với chi phí lớn, Phước An có trên 1 ngàn hécta mặt nước nuôi tôm sú, tôm thẻ theo lối quảng canh và có kết hợp nuôi cua, cá chẽm...

Đã đặt trước đó một ngày nên khi bước lên nhà bè đang chật kín khách, chúng tôi vừa ngồi vào bàn chừng 5 phút là món ốc xào thơm lừng còn nghi ngút khói được mang ra, tiếp đến là các đặc sản: hàu, ghẹ, cá, tôm... ngon ngọt có tiếng của vùng nước lợ Phước An. Thưởng thức hải sản tươi sống trên sông lồng lộng gió giữa rừng Sác mênh mông làm cho du khách đến đây đều cảm thấy thú vị. Nhất là đám trẻ con được nô đùa, chạy nhảy một cách thích thú trên sàn chiếc bè nổi bồng bềnh theo sóng nước.

Bè nổi Ngọc Giàu mà chúng tôi đang ngồi là nhà bè hoạt động đầu tiên ở đây. Ban đầu chị Ngọc Giàu sắm bè cắm ở khúc sông này để nuôi hàu, sau đó mở vựa thu mua hải sản. Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ có một số người quen đưa bạn bè từ TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh về dạo chơi vùng sông nước rừng Sác, đã ghé mua hàu, ghẹ, cua, tôm, sò huyết... còn tươi và nhờ luộc, nướng hoặc xào để thưởng thức liền tại chỗ. Lúc đó, trên bè không có bàn ghế, lại thiếu cả chén, ly... nhưng ai cũng hoan hỷ ngồi bệt xuống sàn bè thưởng thức hải sản tươi sống, mà chủ bè chỉ tính tiền nguyên liệu theo thời giá khá mềm chứ không tính công chế biến. Sau này khách ra bè nổi ngày một thêm đông nên chị Ngọc Giàu cho đóng bàn ghế, mua sắm ly, chén... và huy động cả người nhà khai thác dịch vụ chế biến phục vụ ăn uống trên bè.

Từ một nhà bè, chị chủ vựa hải sản Ngọc Giàu mới hơn 20 tuổi mở ra 2 nhà bè vậy mà vẫn phục vụ không xuể do khách quá đông. Thông thường vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ, tết khách thường đi cả gia đình, nhóm bạn bè... Nhiều khách quen biết cảnh bè đông nên phải điện thoại đặt trước vài ba ngày. Thấy bè nổi Ngọc Giàu làm ăn được, nhiều người cũng mở nhà bè trên sông, thêm mấy bè nổi nữa lần lượt ra đời lấy tên: Minh Tâm, Sáng Oanh, Hoàng Gia, Lộc Ngân... Từ đó người “hâm mộ” hải sản ở Nhơn Trạch, Long Thành và từ các nơi khác kéo đến gọi bến sông này là làng bè Phước An.

* Nhiều tiềm năng du lịch

Người dân địa phương hay ví von Phước An là xã có “2 chân” (ám chỉ 2 vùng nước lợ “mặn”, “ngọt”). Với địa thế tiếp giáp vùng ngập mặn rừng Sác, Phước An rất đa dạng và phong phú các loài thủy hải sản. Trong đó có một số loại đặc sản nổi tiếng đã đi vào “bộ nhớ” của dân gian xứ Đồng Nai như: cá buôi, sò huyết, cá nâu, cá mao ếch, tôm tít, cá thòi lòi, chem chép...

Nổi bật hơn, Phước An bây giờ được xem là “thủ phủ” nuôi hàu của Đồng Nai. Loại vật nuôi không phải đầu tư con giống, không tốn phí thức ăn, không mất công chăm sóc này đang thu hút 55 hộ dân ở các nhánh sông Bà Hàu, Ba Gioi, khu Cắm Sào... đưa số bè nuôi hàu lên 250 chiếc, chiếm 15 hécta mặt nước. Nhiều chủ nuôi còn biết nuôi gối vụ nên mùa nào trong năm, thực khách đến Phước An đều có thể thưởng thức món hàu tươi ngon.

Bên cạnh đó, bà con còn đầu tư phát triển các loại đặc sản của vùng. Gần đây cũng đã có đến 8 hộ dân ở ấp Bà Trường tổ chức nuôi sò huyết đạt kết quả khá khả quan, đang được chính quyền cơ sở khuyến khích mở rộng để tiến tới lập ra tổ hợp tác nuôi sò huyết. Đáng nói nữa là việc nuôi cá chẽm ở Phước An cũng đang phát triển mạnh. Trong diện tích mặt nước lên đến 30 hécta để đầu tư nuôi loại cá ngon, có giá trị kinh tế cao này, người nuôi đã đầu tư 1,4 hécta mặt nước để ươm cá chẽm giống. Chỉ dấu hiệu này cho thấy, cá chẽm sẽ là vật nuôi giàu triển vọng của vùng đất Phước An…

Chứng kiến cảnh “đông vui” ở làng bè, tôi cũng rất mừng cho một địa danh đang được xem là kỳ vọng của ngành du lịch Đồng Nai và mừng cho bà con nơi đây biết tận dụng việc nuôi trồng để kinh doanh thủy hải sản gia tăng thu nhập và tạo một nơi thư giãn, giải trí miệt vườn khá lý tưởng cho du khách gần xa.

Với mũi nhọn thủy hải sản, Phước An từng được thiết kế một dự án chợ nổi khá ngon lành với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để duy trì chợ sáng, phát triển chợ chiều, nhộn nhịp chợ cuối tuần... cùng những món ăn truyền thống địa phương nhằm thu hút khách du lịch. Thế nhưng đến nay dự án này vẫn “im re” và chợ nổi Phước An cũng còn đìu hiu, quạnh quẽ.

Về Phước An mới thấy nơi đây đúng là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Du khách có thể đi ra làng bè, dạo chợ đường sông kết nối tham quan các di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn như: Căn cứ Sở Chỉ huy đặc khu quân sự Rừng Sác, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, Địa đạo Nhơn Trạch (còn gọi là Địa đạo Phước An), Đền thờ liệt sĩ đặc công Rừng Sác... cách đó không xa. Tôi nghĩ nếu kết nối được những điểm tham quan này, diện mạo của một Phước An từng là chiến khu xưa, từng được mệnh danh là “thủ đô của Long Thành kháng chiến” hay “Sài Gòn mới giữa lòng rừng Sác” sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều