Để ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) có diện mạo khang trang, sạch đẹp như ngày nay, người dân nơi đây không quên hình ảnh Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Nguyễn Tấn Phước từng sát cánh với cán bộ xã, ấp cùng nhân dân làm đường, bắt cầu, kéo điện, đưa nước sạch về tận các hộ dân.
Để ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) có diện mạo khang trang, sạch đẹp như ngày nay, người dân nơi đây không quên hình ảnh Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Nguyễn Tấn Phước từng sát cánh với cán bộ xã, ấp cùng nhân dân làm đường, bắt cầu, kéo điện, đưa nước sạch về tận các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Thâu (phải), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước,Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Vĩnh Tuy về kế hoạch làm tuyến đường xanh - sạch - đẹp. |
Sinh ra và lớn lên nơi ruộng vườn Vĩnh Tuy, ông Phước từng trải qua nỗi vất vả của người nông dân ở vùng nước phèn, đất xấu. Khi kinh tế gia đình ổn định, ông càng có điều kiện góp sức cùng chính quyền xây dựng làng quê Vĩnh Tuy thêm sung túc, phát triển.
* Tuổi trẻ xung phong
Năm 1977, vùng đất Vĩnh Tuy vẫn còn là ruộng vườn hoang sơ, nhà nông không đủ gạo trắng nấu bữa cơm nên phải độn thêm khoai, bắp mới được no bụng. Dù ruộng vườn quê nhà rất cần sức trẻ để cày xới nhưng chàng trai 18 tuổi Nguyễn Tấn Phước vẫn theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên tham gia vào Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Đồng Nai khai hoang, phục hóa, sản xuất lương thực ở Nông trường Bàu Cá (nay là xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom).
Năm 2007, ông Phước vinh dự được tỉnh, huyện, xã khen thưởng là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Phước bộc bạch: “Tôi sống hết mình, chân thành với vùng đất và người Vĩnh Tuy thì dân cũng hết mình với tôi, với phong trào của xã và ấp thôi”. |
Trong 4 năm (1977-1979), với nhiệm vụ Phó ban Đời sống của đơn vị, thanh niên Phước không chỉ trực tiếp tham gia sản xuất cùng đồng đội mà còn phải cáng đáng chuyện ăn uống hằng ngày của 108 anh em trong đội. Các bữa cơm dù còn độn khoai, bắp nhưng nhờ có thêm rau xanh, cá đồng do Ban Đời sống đánh bắt được, anh em trong đơn vị vẫn ăn ngon miệng.
Sau khi Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh giải thể, thanh niên Phước trở về với ruộng vườn của gia đình ngay thời điểm nạn đói năm 1979 vì lũ lụt mất mùa. Chàng trai Phước không ngần ngại xắn tay cùng cha là ông Tám Sộp cày sâu, cuốc bẫm, hạ phèn trên 1,5 hécta ruộng để nồi cơm gia đình bớt khoai và mái nhà lá xập xệ chơi vơi nơi cánh đồng Vĩnh Tuy sớm được sửa sang lại.
Ông Phước kể, hồi đó ruộng nhà làm không đủ ăn, ông phải đi làm thuê mướn thêm cho các chủ ruộng khác để có tiền trang trải cuộc sống. Ông Phước cùng cha già lên vùng đồi cao Vĩnh Tuy phát dọn đất hoang trồng khoai, bắp, đậu nhằm cứu cánh cho ruộng nhà liên tiếp thất mùa vì sâu bệnh, nhiễm phèn nặng. Cũng nhờ 1,2 hécta đất rẫy trồng hoa màu này đã giúp gia đình ông thoát nghèo.
“Đến năm 2000, tôi mạnh dạn đem cây nhãn về trồng trên đất rẫy. Kinh tế của vợ chồng tôi bắt đầu ổn định, gia đình thoát cảnh thiếu trước hụt sau. Nhờ đó vào năm 2004, tôi được bầu chọn là nông dân sản xuất giỏi của xã” - ông Phước cho biết.
* Nhiệt tình với phong trào
Năm 2005, phong trào phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương ngày càng được chăm lo chu đáo hơn nhờ cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, ông Phước nhận lời chính quyền xã Long Tân và đảng viên trong ấp Vĩnh Tuy tham gia giữ nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp.
Đường dân sinh tổ 3, ấp Vĩnh Tuy làm từ sức dân do Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Nguyễn Văn Phước vận động dân làm. |
“Khi cán bộ xã, ấp đề nghị tôi nhận lời ngay vì lúc đó dù đời sống các hộ dân trong ấp đã khá hơn trước nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo, còn nhà tạm, đường đi lầy lội, nhà nhà cần điện sinh hoạt... Kinh tế của tôi cũng khá hơn nhiều gia đình khác nên ráng đứng ra cùng địa phương giúp các hộ dân khác thoát nghèo” - ông Phước bộc bạch.
Trước tiên, ông Phước rà soát, đề nghị địa phương làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trong ấp. Tuy kinh phí làm nhà cho người nghèo lúc ấy chỉ 2 triệu đồng/căn nhưng 3 hộ gia đình: Một Non, Ba Bình, Chín Hạnh rất phấn khởi vì có căn nhà kiên cố để ở, không sợ mưa dột, gió lùa như trước đây.
Từ đó, ông Phước họp dân, lắng nghe ý kiến của cán bộ ấp, mạnh dạn xây dựng kế hoạch trình Ủy ban MTTQ Việt Nam xã mỗi năm tìm nguồn làm từ 2-3 căn nhà đại đoàn kết cho dân nghèo trong ấp. Nhờ vậy, đến năm 2014 ấp Vĩnh Tuy cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trong ấp theo chủ trương của cấp trên.
Song song với việc xóa nhà tạm, ông Nguyễn Tấn Phước bắt tay vào việc vận động nhân dân bỏ công sức, tiền của ra làm đường tổ 5, cầu Đồng Bốn, cầu tổ 3. Để đường được mở rộng, nền đường không bị lún sụp do khu vực này nhiều kênh, rạch, ông Phước huy động người dân góp cây, góp công, huy động ghe xuồng chở đất về gia cố cho thật chắc rồi mới đổ đá, tráng xi măng. Cứ vậy hết tuyến đường này đến tuyến đường khác trong ấp Vĩnh Tuy được cứng hóa đổ bê tông theo cách làm rất “thanh niên xung phong” của ông Phước.
Có nhà, có đường đẹp, thấy dân ấp Vĩnh Tuy xa trung tâm xã thiếu ánh điện, còn dùng nước sông để nấu ăn, sinh hoạt, ông Phước lại bàn với cán bộ ấp, chi hội đoàn thể huy động sức dân, liên hệ sự hỗ trợ của địa phương để kéo điện về từng hộ dân. Song song đó, ông Phước còn vận động người dân khoan giếng, bỏ cầu cá, giữ vệ sinh môi trường thôn xóm.
Ông Nguyễn Văn Thâu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long Tân bày tỏ: “Ấp Vĩnh Tuy trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp, sung túc, phát triển như ngày nay nhờ có sự góp sức không nhỏ của ông Phước. Ông Phước không chỉ làm vì vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp mà còn làm với tấm lòng một người dân, cùng nhân dân trong ấp bỏ công, tiền của ra làm. Nhờ đó, góp phần đưa xã Long Tân đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014”.
Đoàn Phú