Đầu thế kỷ 20, Biên Hòa bắt đầu có sự chuyển mình từ sản xuất tiểu thủ công sang sản xuất công nghiệp. Lợi thế lớn của tỉnh Biên Hòa so với các địa phương khác lúc ấy là tài nguyên đa dạng và giao thông thuận lợi.
Đầu thế kỷ 20, Biên Hòa bắt đầu có sự chuyển mình từ sản xuất tiểu thủ công sang sản xuất công nghiệp. Lợi thế lớn của tỉnh Biên Hòa so với các địa phương khác lúc ấy là tài nguyên đa dạng và giao thông thuận lợi.
Nhà máy sản xuất ở Tân Mai (nay thuộc TP.Biên Hòa) của Công ty công nghiệp và lâm nghiệp Biên Hòa. Ảnh: NGUYỄN VĂN PHÚC (sưu tầm) |
Trước đó, từ sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, người Pháp có mặt tại tỉnh Biên Hòa. Với chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp bước đầu đặt nền móng cho công nghiệp hình thành và phát triển ở địa phương nhưng trên cơ sở là tận dụng và khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên cũng như sức lao động của người dân.
* Khai thác lâm sản
M.Robert - nguyên là Phó tham biện Sở Dân sự của Đông Dương (tác giả Địa chí tỉnh Biên Hòa, biên soạn năm 1924), đánh giá vào đầu thế kỷ 20 ở Biên Hòa có vài cơ sở kỹ nghệ lớn, hoạt động dựa vào tài nguyên lâm sản và khoáng sản của tỉnh nhưng số lượng vẫn còn ít so với tiềm năng về tài nguyên của địa phương. Trong đó, doanh nghiệp kỹ nghệ lớn nhất tỉnh là Công ty công nghiệp và lâm nghiệp Biên Hòa (B.I.F, tức Bien Hoa Industrielle Rorestiers), ra đời năm 1912 để khai thác tài nguyên lâm sản của Biên Hòa.
B.I.F có trụ sở chính ở Sài Gòn, nhà máy ở Tân Mai (nay thuộc phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), sở hữu một lãnh địa lên đến 30 ngàn hécta trong các tổng Phước Vĩnh Hạ, Phước Thành và Bình Tuy. Để khai thác lâm sản, công ty thành lập nhiều công trường, trong đó công trường chủ yếu nằm ở Bến Nôm (nay thuộc huyện Định Quán) nối với công trường ở Trảng Bom (huyện Trảng Bom) và nhà máy ở Tân Mai bằng đường sắt (Công ty xe điện Đồng Nai của Pháp). Nhà máy ở Tân Mai rộng 40 hécta gồm 1 xưởng cưa và 1 xưởng đốt củi thành than. Thiết bị để khai thác lâm nghiệp, vận hành xưởng cưa và làm than của BI.F có giá trị rất lớn, với khoảng 50km đường sắt, đầu máy xe lửa và các toa, xưởng sửa chữa, máy chạy hơi nước, động cơ điện, thiết bị đặc biệt để đốt củi thành than… Sản lượng của nhà máy khá cao, chỉ tính riêng trong thời kỳ từ tháng 7-1922 đến năm 1923 là 47 ngàn m3 củi đốt, 11 ngàn m3 gỗ công trình, 5 ngàn m3 gỗ chế biến.
Việc khai thác công trường lâm nghiệp và nhà máy sản xuất trên quy mô lớn đòi hỏi phải sử dụng số lượng lao động đông đúc. Ngoài bộ phận lãnh đạo, điều hành, kỹ thuật và quản lý người châu Âu lên đến hàng trăm người, B.I.F có khoảng 250 công nhân ở nhà máy và xưởng cưa, 400 công nhân ở công trường lâm nghiệp, 40 phu bảo dưỡng đường sắt, đó là chưa tính số lao động bốc vác, quản lý kho hàng ở Khánh Hội (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh).
Biên Hòa còn 2 công ty khai thác gỗ lớn khác là Công ty lâm nghiệp Đông Dương và Công ty François, tuy quy mô không bằng B.I.F nhưng cũng có nhiều xưởng hoạt động các nơi, kết nối với nhau bằng đường bộ hoặc đường sắt khá thuận lợi. Thiết bị của các xưởng này đều đưa từ nước ngoài vào lắp đặt, máy chạy bằng hơi nước hoặc động cơ điện. Với một máy hơi nước, bình quân xưởng sản xuất từ 20-30m3 gỗ/ngày. Trong số đó, xưởng cưa của Công ty François đặt ở Cây Gáo có lợi thế gần với khu vực rừng ở Vĩnh Cửu và thác Trị An, sau khi khai thác lợi dụng sức nước gỗ được kết bè thả xuôi theo sông Đồng Nai, nhờ vậy việc vận chuyển dễ dàng hơn và giảm chi phí so với vận chuyển bằng đường bộ.
Ngoài ra, ngành khai thác lâm sản ở Biên Hòa còn có nhiều công trường, xưởng cưa máy lẫn cưa tay nhỏ do tư nhân người châu Âu, Hoa và cả người Việt điều hành, chỉ riêng người Hoa đã điều hành 45 xưởng cưa tay ở các làng: Tân Vạn, An Chữ, Tân Hội, Tân Uyên, Bình Phú, Bình Trước, Tân Triều…
* Tận dụng khoáng sản
Ngoài khai thác lâm sản, Biên Hòa còn có nghề khai thác đá khá phát triển. Từ năm 1679, nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đến định cư tại Biên Hòa đem theo nghề khai thác và chế tác đá, làng đá Bửu Long sớm nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên sự có mặt của người Pháp đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của nghề này.
Đầu thế kỷ 20, cả tỉnh Biên Hòa có khoảng 90 mỏ đá được cấp phép khai thác, tập trung chủ yếu ở các làng Bạch Khôi, Bình Điện, Tân Lại (nay thuộc khu vực phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), Bình Thạch (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) và Bình Trị (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Đặc biệt, tất cả các mỏ đá ở Biên Hòa đều thuộc dạng lộ thiên, khai thác dễ dàng và ít tốn chi phí, nghĩa vụ của các chủ mỏ đá là chịu chi phí sửa chữa, bảo trì do hoạt động vận chuyển gây ra. Hầu hết các cơ sở khai thác đá đều do người Hoa nắm giữ, điều hành.
Thay cho việc khai thác thủ công trước đây, các cơ sở đều dùng thuốc nổ để khai thác đá, vì thế tốc độ khai thác nhanh hơn rất nhiều. M.Robert nhận xét, đá granite ở Biên Hòa có màu xanh nhạt giống như đá ở vùng Bretagne nước Pháp. Thời điểm này, đá ngoài dùng chế tác các nguyên vật liệu dùng trong xây dựng nhà cửa, mồ mả, đồ gia dụng, đồ mỹ thuật… còn được sử dụng để làm đường, vì nhu cầu và tốc độ xây dựng đường sá giai đoạn này rất cao. Mỗi năm Biên Hòa sản xuất khoảng 95-100 ngàn m3 đá dăm, đá xay. Đá của Biên Hòa cung cấp cho các công trình ở khắp Nam kỳ lục tỉnh. Thậm chí, TP.Sài Gòn còn yêu cầu tỉnh Biên Hòa cho chuyển nhượng 3 mỏ đá lớn ở làng Hóa An và làng Tân Bản (nay thuộc TP.Biên Hòa) để lấy đá dăm dùng xây dựng đường của thành phố.
* “Lấn sân” tiểu thủ công nghiệp
Nghề làm gạch, ngói là “đặc sản” của dân bản địa Biên Hòa với tuổi đời hàng trăm năm, nhưng đến đầu thế kỷ 20 sản lượng và thị phần các sản phẩm này phát triển mạnh mẽ nhờ máy móc tân tiến. Trong đó, doanh nghiệp được đánh giá quan trọng nhất là Công ty gốm Pháp - Hoa - An Nam do người Pháp điều hành, trụ sở gần làng Đại An (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu). Công ty sản xuất bằng thiết bị tối tân, có máy hơi nước công suất lên đến 120 mã lực với năng suất trung bình là 6 ngàn tấm ngói và 40 ngàn viên gạch/ngày.
Khai thác gỗ của Công ty lâm nghiệp Đông Dương. |
Một số xưởng gạch, ngói khác trên địa bàn cũng được đầu tư máy móc, vì thế sản lượng tăng cao. Người Hoa có 3 lò gạch ngói lớn ở Long Bình, 2 lò gạch ngói lớn tại Bình Trước và Tân Lại của chủ người Việt, ngoài ra còn khoảng 20 lò gạch ngói nhỏ nằm rải rác ở các địa phương khác trong tỉnh. Gạch ngói của Biên Hòa cũng rất được ưa chuộng và xuất bán khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Ngoài ra, các ngành sản xuất khác trong tỉnh như: mía đường, xay xát lúa, đúc, dệt… đều có sự đầu tư về công nghệ. Biên Hòa trước đó nổi tiếng với nghề sản xuất mía đường, các lò đường thủ công có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh như Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, sau đó người Pháp đầu tư tại làng Mỹ Đức (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) một nhà máy chạy máy hơi nước, làm tăng sản lượng đường của địa phương một cách đáng kể. Tương tự, bên cạnh các cơ sở xay lúa thủ công, một nhà máy xay lúa ở Bảo Chánh đã được đầu tư máy hơi nước 10 mã lực có thể xay 1,2 tấn gạo/ngày. Người Pháp cũng đầu tư xây dựng xưởng đúc, dẫn đến các làng nghề đúc thủ công dần biến mất, chỉ còn lại làng nghề đúc ở Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và Nhị Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) với khoảng 20 xưởng, chuyên đúc lưỡi cày, chuông, nồi đồng.
Khoảng năm 1924, một xưởng dệt vải bằng máy được người Hoa thành lập ở Biên Hòa với khoảng 20 công nhân, sản xuất khoảng 3 ngàn m vải/tháng. Vải dệt máy chất lượng tốt hơn loại vải tự dệt trong dân nhưng vẫn thua loại vải nhập khẩu, nên chỉ bán ở khu vực Biên Hòa và Sài Gòn - Chợ Lớn. Người Hoa cũng mở một xưởng sản xuất rượu ở Biên Hòa, công suất 450 ngàn lít/năm, bán trong các tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gò Công, cạnh tranh được với các nhà máy sản xuất rượu ở Chợ Lớn.
Trong khi các ngành công nghiệp ở Biên Hòa bắt đầu hình thành sau đó phát triển mạnh, thì đến đầu thế kỷ 20 nghề gốm - vốn rất phồn thịnh trong thế kỷ 18, 19 bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là qua những tranh chấp với nhóm người Hoa ở Chợ Lớn (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh) về bản quyền, thương hiệu dẫn đến sự dàn xếp của các phường hội, làng nghề gốm Biên Hòa chấp nhận thỏa thuận không sản xuất dòng gốm mỹ nghệ có thương hiệu là gốm Cây Mai mà chỉ làm gốm gia dụng thô sơ như: lu, chum, vại, chén, nồi, ấm... Vì thế, có một thời Biên Hòa thịnh hành câu ca dao về nghề gốm: “Mượn nồi không trả, đòi lại trách/ Bể ấm, đền siêu, cãi lộn om” (nồi, trả, trách, ấm, siêu, om là tên các loại đồ gia dụng mà làng nghề gốm Biên Hòa sản xuất). Giai đoạn đầu thế kỷ 20, Biên Hòa có 6 lò gốm lớn, tập trung ở làng Hóa An. Nguyên liệu sản xuất gốm là cao lanh khai thác ở Vĩnh Cửu, Tân Vạn, Tân Ba (nay thuộc tỉnh Bình Dương). |
Nguyễn Phúc - Thanh Thúy