Nói đến lính quân bưu, nhiều người nghĩ ngay đến công việc của một bưu tá, người đưa thư. Tuy nhiên ít ai biết hết những khó khăn, vất vả mà những người lính quân bưu phải trải qua để đảm bảo công văn, giấy tờ được chuyển đến các đơn vị quân đội nhanh chóng, chính xác, kịp thời và tuyệt đối bảo mật.
Nói đến lính quân bưu, nhiều người nghĩ ngay đến công việc của một bưu tá, người đưa thư. Tuy nhiên ít ai biết hết những khó khăn, vất vả mà những người lính quân bưu phải trải qua để đảm bảo công văn, giấy tờ được chuyển đến các đơn vị quân đội nhanh chóng, chính xác, kịp thời và tuyệt đối bảo mật..
Hạ sĩ Hồ Tấn Lợi miệt mài những vòng xe đạp trên đường giao công văn hằng ngày. |
Một buổi sáng cuối tháng 8 nắng oi ả, hạ sĩ Hồ Tấn Lợi (22 tuổi, chiến sĩ Tổ quân bưu, Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) kiểm tra lại công văn, giấy tờ, sắp xếp cẩn thận trong chiếc cặp đen đã nhuốm màu thời gian rồi đạp xe lên đường đi giao cho một số đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn phường Long Bình, TP.Biên Hòa (cách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khoảng 15km).
* Những vòng xe quân bưu
Do quy định trong quân đội, các chiến sĩ tại ngũ không được đi xe máy nên anh Lợi phải dùng xe đạp để đi giao công văn. Những ngày thời tiết nắng nóng, đạp xe trên những tuyến đường dài, nhiều dốc như các tuyến đường ở phường Long Bình khá vất vả, mồ hôi nhễ nhại. Thế nhưng hạ sĩ Lợi cho rằng vẫn không đáng ngại bằng những ngày mưa to gió lớn. Công văn hỏa tốc không thể chần chừ nên phải đạp xe đi trong mưa gió, không lo bị ướt người mà chỉ lo công văn, giấy tờ bị ướt, ảnh hưởng đến công việc chung.
Thượng úy Lê Trường Giang, Chính trị viên Đại đội Thông tin (Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) cho biết Tổ quân bưu của đơn vị gồm những chiến sĩ ưu tú về phẩm chất đạo đức, có ý thức kỷ luật tốt và đặc biệt là cẩn thận, chăm chỉ, không nề hà khó khăn. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, các loại công văn trong quân đội được gửi đi kịp thời, đến nơi an toàn và giúp các đơn vị, địa phương xử lý kịp thời những tình huống xảy ra. |
Trong Tổ quân bưu, Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có 3 chiến sĩ quân bưu. Như những con ong chăm chỉ, hằng ngày 3 chiến sĩ này rong ruổi trên khắp nẻo đường trong tỉnh để giao công văn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Có khi cả ngày không thấy mặt 3 chiến sĩ tại đơn vị vì phải giao công văn từ sáng sớm đến chiều tối.
Đối với công văn gửi cho các đơn vị, cơ quan trong TP.Biên Hòa thì các chiến sĩ quân bưu đạp xe giao trực tiếp còn những huyện xa được gửi qua bưu điện (những nội dung không bảo mật). Riêng công văn gấp, quan trọng, bí mật thì buộc lính quân bưu phải trực tiếp đi giao bằng xe buýt, xe ôm.
Binh nhì Nguyễn Thế Hùng (23 tuổi, chiến sĩ quân bưu), phụ trách giao công văn cho các cơ quan, đơn vị ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TX.Long Khánh chia sẻ có nhiều lần đi giữa chừng xe buýt bị hư nên phải xuống bắt xe khách rồi xe ôm để giao công văn cho kịp. Thường xuyên di chuyển trên những chuyến xe đường dài khá mệt nhưng anh luôn cảnh giác, giữ tỉnh táo vì nếu để thất lạc tài liệu thì hậu quả sẽ khôn lường.
* Công việc Thầm lặng
Thượng úy Lê Trường Giang (Chính trị viên Đại đội Thông tin) bộc bạch chiến sĩ quân bưu trong đơn vị là những người thầm lặng với công việc vì hầu như ở ngoài đường cả ngày. Có khi, công văn yêu cầu hỏa tốc gửi tận Sư đoàn 5 (tỉnh Tây Ninh) vào ban đêm, anh em cũng phải lặng lẽ đón xe đi, không để lộ thông tin, tránh bị mất tài liệu.
Binh nhì Nguyễn Thế Hùng (trái) nhận công văn tại Trạm quân bưu đơn vị trước khi đi giao. |
Do đảm trách nhiệm vụ giao công văn không chỉ ở trong TP.Biên Hòa mà còn giao công văn ở các huyện, thị nên hằng ngày khi nhận công văn, các chiến sĩ quân bưu phải sắp xếp lộ trình sao cho khoa học để tiết kiệm thời gian, công sức. “Có những khi mưa gió, vừa giao công văn về đến đơn vị lại nhận tiếp công văn khẩn nên tôi phải lên đường đạp xe quay lại tuyến đường cũ mình vừa đi qua” - binh nhì Nguyễn Minh Hòa (27 tuổi, chiến sĩ quân bưu) kể lại.
Nhớ lại kỷ niệm trong những ngày đầu đi giao công văn, binh nhì Nguyễn Thế Hùng tâm sự bản thân anh bị say xe nhưng khi nhận nhiệm vụ giao công văn đến các địa phương lại toàn phải đi xe buýt xa hàng chục cây số. Dù say xe anh vẫn cố gắng tỉnh táo, không lơ là, giữ kỹ tài liệu. Có khi xuống huyện rồi còn phải đi xe ôm hơn 10km mới tới đơn vị cần giao công văn. Do đường xấu, nhiều lần bị té xe nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Sau nhiều lần như thế, anh Hùng đã dần quen với công việc, không còn cảm thấy mệt mỏi như ngày đầu mới nhận công tác.
“Tôi tự hào vì được trở thành một chiến sĩ quân bưu, dù phải thường xuyên di chuyển liên tục nhưng không vì vậy mà tôi thấy mệt mỏi, nản chí. Với tôi, khi công văn, thư từ đến được đúng địa chỉ an toàn, kịp thời, chính xác mới yên tâm” - binh nhì Nguyễn Thế Hùng bộc bạch.
Còn hạ sĩ Hồ Tấn Lợi thì vui vẻ cho biết, ngày ngày nhờ đạp xe hàng chục cây số khắp TP.Biên Hòa, thể lực của anh khá hơn rất nhiều. Người lính quân bưu phải luôn có sức khỏe tốt, nắm vững nghiệp vụ, luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc vì đặc thù công việc đòi hỏi mỗi chiến sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng trực “chạy” trên đường, di chuyển an toàn, đảm bảo bí mật, đúng thời gian trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
“Tôi luôn cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với 8 chữ vàng “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” mà Bác Hồ đã trao tặng bộ đội thông tin” - hạ sĩ Hồ Tấn Lợi cho biết.
Vào những thời điểm gần cuối năm hay các ngày lễ lớn như lễ chào mừng Quốc Khánh 2-9 tới đây là thời điểm các chiến sĩ Tổ quân bưu phải hoạt động hết công suất, công văn từ các cấp chuyển xuống, từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuyển đi rất nhiều nên mọi người hầu như không ngày nào ngơi việc. Hằng ngày, những chiến sĩ quân bưu vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Minh Thành