18 năm trước, tôi có dịp về xã Vĩnh Kim - nơi có loại vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) để gặp ông Ngô Hà Thành (nguyên Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Biên Hòa - tiền thân của lực lượng Công an Đồng Nai ngày nay). Ông Ngô Hà Thành là người mà quân Pháp gọi là "trùm Công an Việt Minh tỉnh Biên Hòa", còn bọn Nhật gọi là "Giám đốc Công an".
2 vợ chồng Ngô Hà Thành và Trương Thị Quyên vào năm 2000 ở Làng Vĩnh Kim. |
18 năm trước, tôi có dịp về xã Vĩnh Kim - nơi có loại vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) để gặp ông Ngô Hà Thành (nguyên Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Biên Hòa - tiền thân của lực lượng Công an Đồng Nai ngày nay). Ông Ngô Hà Thành là người mà quân Pháp gọi là “trùm Công an Việt Minh tỉnh Biên Hòa”, còn bọn Nhật gọi là “Giám đốc Công an”.
Lúc gặp chúng tôi vào năm 2000, ông Ngô Hà Thành đã ở tuổi 88 nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ nho nhã, hiền lành.
* Nhà báo trở thành công an
Vào những năm 1938-1939, chàng trai Ngô Hà Thành (tức Sáu Thành) đã nổi lên trong vai trò thủ lĩnh của những thanh niên yêu nước ở làng Vĩnh Kim. Đặc biệt, với vỏ bọc công khai là ký giả của Báo Điện Tín, Sáu Thành có những bài phóng sự điều tra vạch mặt bọn cường hào, ác bá hà hiếp nông dân nghèo rất được dư luận chú ý.
Thời điểm đó, Sáu Thành còn bí mật làm liên lạc cho đồng chí Huỳnh Văn Hớn, chủ bút Báo Việt Dân - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, Ngô Hà Thành được chỉ định lên miền Đông tạm lánh.
Với dáng vẻ hiền lành, nói năng nhẹ nhàng, mực thước lại có rất “nhiều chữ nghĩa” cộng với khả năng thông thạo tiếng Tây lẫn tiếng Tàu nên Sáu Thành nhanh chóng trở thành người thư ký tin cẩn của nhà thầu Châu Huê Mậu có thế lực và nổi tiếng ở Biên Hòa. Từ dân làm ăn trong giới mua bán lâm sản, vận chuyển, xây dựng đến “thầy chú” đều gọi Sáu Thành là “thầy Sáu” một cách nể trọng.
Đặc biệt, thầy Sáu sống một mình ở căn nhà biệt lập (nay là khu vui chơi thiếu nhi Công viên Biên Hùng, thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được thuê của nhà tư sản Hai Sửu với giá lên đến 5 đồng/tháng và phải trả tiền nhà trước 6 tháng. Trong những ngày đầu tháng 8-1945, căn nhà này trở thành trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa.
Ông Ngô Hà Thành đã ghi lại một chi tiết khá lý thú trong những ngày sục sôi khí thế ấy: “2 giờ khuya ngày 22-8-1945, tôi treo cờ đỏ sao vàng trước trụ sở và từ 2 giờ khuya đến 6 giờ sáng, quần chúng kéo về ngồi chật cả khúc đường từ ngã tư ga (nay là ngã năm Biên Hùng) lên đến Đài kỷ niệm. Xe đò từ Sài Gòn đi miền Đông, miền Trung không sao chạy được. Chúng tôi phải tổ chức bốn anh đeo băng đỏ giữ trật tự và cho xe đò quẹo vô đường ga, đường Vườn Mít...”.
* Những chiến công đầu tiên
Sau khi giành được chính quyền, Ngô Hà Thành được cử làm Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa chỉ huy 20 nhân viên, vốn là những thanh niên nhiệt huyết ở Biên Hòa được tuyển chọn trong lực lượng Thanh niên tiền phong của thủ lĩnh Huỳnh Thiện Nghệ. Nhiệm vụ của Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa lúc ấy là “bảo vệ chính quyền cách mạng và giữ gìn trật tự an ninh”. Thế nhưng lực lượng tiền thân này của công an đã làm rất nhiều việc, kể cả mở cửa khám lớn Biên Hòa để giáo dục phạm nhân rồi thả ra...
Căn nhà thuê của nhà tư sản Hai Sửu từ năm 1941 khi lên Biên Hòa, ông Ngô Hà Thành dùng làm nơi liên lạc, làm địa điểm hội họp với các đồng chí Huỳnh Văn Hớn, Hoàng Minh Châu, Hồ Văn Giàu cùng đại diện các Chi bộ Nhà máy cưa BIF, Ga xe lửa Biên Hòa... |
Tối 27-8-1945, Sáu Thành điều động một nhóm Quốc gia tự vệ cuộc đến đồn lính Nhật ở gần Ga xe lửa Biên Hòa bắn chỉ thiên cảnh báo. Đám lính gác trước đồn Nhật cũng bắn chỉ thiên vài phát rồi quẳng súng rút vào đồn. Đêm đó Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa được “trang bị” thêm 10 cây súng mousqueton (loại súng trường nòng dài).
Với số vũ khí vừa có, Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã lập ngay được chiến công đầu tiên là vây bắt trọn ổ bọn phản động do tên Lê Văn Thử - nguyên là công chức cao cấp ở Tòa bố Biên Hòa thuộc phần tử Trotskyist cực đoan (có khuynh hướng chống lại đường lối “cách mạng vô sản”) cầm đầu đang mở cuộc họp bí mật triển khai kế hoạch chống phá Việt Minh.
* Đám cưới của cán bộ Việt Minh
Sau khi triển khai công tác bảo vệ đi vào nền nếp và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Biên Hòa đã tương đối ổn định, ông Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa lúc đó đã 33 tuổi, xin phép cưới vợ, là bà Trương Thị Quyên - cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Đây là đám tuyên hôn đầu tiên của cán bộ Việt Minh sau ngày giành được chính quyền ở Biên Hòa. Lễ cưới thật to và vui vẻ đầm ấm với sự có mặt của những khách mời đặc biệt: Huỳnh Văn Hớn, Huỳnh Thiện Nghệ, Nguyễn Văn Hạt... Đám cưới còn gây được sự chú ý của dư luận xã hội thời bấy giờ vì cuộc tình giữa Ngô Hà Thành với Trương Thị Quyên cũng rất là... hy hữu.
Bà Quyên có tên thật là Trần Thị Cho (lúc đó 30 tuổi, quê ở Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa cũ, nay là huyện Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương), vốn là con dâu của nhà tư sản Hai Sửu giàu có và danh giá ở TX.Biên Hòa. Ngoài sở hữu nhiều nhà đất (trong đó có căn nhà cho Sáu Thành thuê trọ), Hai Sửu còn là chủ dàn xe đò chạy tuyến Biên Hòa - Sài Gòn. Thế nhưng đường tình duyên của cô gái đẹp xứ Dĩ An sớm lận đận.
Thấy “thầy Sáu” là người lúc nào cũng giữ đúng hẹn và rất sòng phẳng trong việc thanh toán tiền thuê nhà, “thủ quỹ” nhà tư sản Hai Sửu để ý. Và rồi biết được người thuê nhà hiền lành, có uy tín rất được ông chủ thầu Châu Huê Mậu quý trọng nên đem lòng cảm mến.
Vốn là thị dân giàu có, lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn Việt gian nên bà Cho rất sợ cộng sản. Thế nhưng qua quen biết và hiểu được chí hướng của thầy Sáu , bà nhận ra rằng cộng sản mới chính là những người yêu nước thực sự. Và bà dần dần trở thành người lo việc trà nước, canh chừng bên ngoài cho thầy Sáu hội họp cùng với những đồng chí của mình.
Trải qua thử thách, bà Cho được vợ ông Huỳnh Văn Hớn, với cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Biên Hòa kết nạp đưa vào Hội và đổi tên thành Trương Thị Quyên. Người phụ nữ Dĩ An tìm được bến đậu bình yên này đã từ giã cuộc đời ở quê chồng vào cuối tháng 6-2015, thọ đúng 100 tuổi, còn ông Sáu Thành đã ra đi trước đó vài năm.
Bùi Thuận