Vào năm 1967, một nhóm dân Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) vì bất mãn sự kìm kẹp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã di dân về vùng đất Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) định cư. Nhóm dân này cùng với nhóm dân Bình Dương di cư sau năm 1975 tạo ra hương sắc Bình Dương rất đặc thù nơi xã Sông Quế bạt ngàn cao su.
Vào năm 1967, một nhóm dân Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) vì bất mãn sự kìm kẹp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã di dân về vùng đất Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) định cư. Nhóm dân này cùng với nhóm dân Bình Dương di cư sau năm 1975 tạo ra hương sắc Bình Dương rất đặc thù nơi xã Sông Quế bạt ngàn cao su.
Bí thư Chi bộ ấp 57, xã Xuân Quế Võ Văn Tư bên vườn cây ăn trái trĩu quả trên vùng đất hoang năm xưa. |
Ông Sáu Ai giỏi võ (nay đã mất); ông Năm Lò rèn (tức ông Mai Văn Năm, nguyên Phó giám đốc Nông trường cao su Ông Quế, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quế) giỏi đờn ca tài tử; lão nông Ba Hòa (tức Bồ Văn Hòa) giỏi cải tạo đầm hoang... luôn được người dân nơi đây nhắc đến nhiều khi chúng tôi tìm hiểu về vùng đầm lầy 57 (nay là ấp 57, xã Xuân Quế) năm xưa, nay đã trở thành vùng trồng cây ăn trái bốn mùa xum xuê.
* Khai phá đầm hoang
Ông Võ Văn Đô là dân gốc Bình Dương nằm trong nhóm được giới chủ cao su Đồn điền Ông Quế (nay là Nông trường cao su Ông Quế) mộ phu về vùng đất này vào năm 1967. Nhóm di dân này có khoảng 100 hộ, bỏ làng ở Tân Uyên về làm phu cao su cho Đồn điền Ông Quế để tránh sự kìm kẹp, bắt lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở quê nhà và tránh nỗi bất an khi quê hương liên tục xảy ra chiến sự.
Vùng đất Xuân Quế với nhiều nhóm dân di cư đến từ các tỉnh như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Dương... Dù giọng nói, phong tục, tập quán khác nhau nhưng tất cả như anh em một nhà. Ông Ba Hòa kể thời mới về Xuân Quế, ông và những người Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị... hay cùng chung tay lo cho những gia đình nào có chuyện hữu sự, khi khó khăn thì chia sẻ nhau bao lúa, thúng bắp để giảm cơn đói lòng... |
Dù đã 84 tuổi nhưng lão nông Võ Văn Đô vẫn còn minh mẫn. Ông tâm sự, dù làm phu cao su cho Pháp nhưng dân Bình Dương vẫn giàu truyền thống cách mạng. Do đó, một số người vẫn âm thầm hoạt động như: tiếp tế, liên lạc và che giấu cán bộ cách mạng. Bưng 57 là nơi bộ đội đóng quân, làm hầm nên nhóm dân Bình Dương chỉ khai khẩn đất sản xuất ở những khu đất cao, ven lô cao su. Sau mỗi lần thu hoạch nông sản, người dân thường để lại bắp, đậu, lúa ngoài rẫy cho bộ đội.
Sau năm 1975, nhóm dân Bình Dương tiếp tục khai khẩn Bưng 57 để làm ruộng. Là nhóm người tiên phong khai khẩn ruộng ở Bưng 57 sau năm 1975, anh em ông Ba Hòa (79 tuổi) khai phá được tới 2 hécta ruộng chia nhau. Tuy nhiên, quá trình khai khẩn cũng lắm gian nan.
Ông Ba Hòa kể lại cách đây 43 năm, sau giờ làm công nhân cho Nông trường cao su Ông Quế, ông lại vác rựa, búa, cuốc ra Bưng 57 khai khẩn đất trồng lúa. Để phá những bụi tre gai có đường kính 5-6m, ông Ba Hòa phải kiên trì dùng búa, rựa mở đường vào chính tâm, rồi phá dần từ trong ra, phải mất mấy buổi mới phá xong 1 bụi tre gai như thế. Ngoài ra, trên đầm này còn chứa vô số ụ mối to tướng. Để dọn được 1 ô ruộng rộng nửa sào, ông quần quật làm hơn 1 tháng vẫn chưa xong. 2 anh em Ba Hòa và Tư Đăng phải dựng chòi tại Bưng 57 để tiện bề khai khẩn đất.
Thưở ông Ba Hòa về đây lập nghiệp, Bưng 57 tôm cá vô số, nhóm dân Bình Dương thỏa sức đánh bắt làm mắm, phơi khô.
* Ruộng đồng thành vườn cây
Bưng 57 rộng hơn 50 hécta, là vựa lúa của nhóm dân Bình Dương. Tuy vậy, vào năm 1978, cả nhóm cũng gặp cảnh thất mùa như các vùng khác trên toàn quốc nên dẫn tới chuyện thiếu ăn. Qua nạn đói, người dân bắt đầu học nông dân Suối Cả (nay thuộc xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) chuyển đổi phần đất gò trồng cà phê. Đến năm 1979, nhóm dân Bình Dương và dân nhập cư các tỉnh có cơ hội mở rộng diện tích trồng cà phê xung quanh Bưng 57 đến con số hơn 100 hécta. Cũng vì phát triển cà phê diện rộng nên nguồn nước Bưng 57 cạn kiệt dần, nông dân phải bỏ lúa chuyển toàn bộ đất ruộng thành vườn rẫy cà phê, cao su, cây ăn trái.
Ông Ba Hòa (bìa phải) kể về Bưng 57 khi xưa rậm rịt tre gai, rừng chồi, lau sậy, nay đã trở thành vườn cây trái tươi tốt, xum xuê. |
Những năm 1988-1998, dân Bưng 57 trở nên khá giả nhờ liên tiếp trúng cà phê và cà phê được giá. Phát triển cây trồng đúng hướng, nhóm người Bình Dương ở Bưng 57 tiếp tục đầu tư mở rộng vườn nhà.
Kinh tế, đời sống nhóm dân Bình Dương ở ấp 57 ngày càng khởi sắc theo sự phát triển của địa phương, lớp người có tuổi như ông Năm Lò Rèn, Võ Văn Tư thôi giữ chức danh lãnh đạo xã để nhường chỗ cho thế hệ con cháu được đào tạo bài bản làm nhiệm vụ lãnh đạo địa phương. Cũng chính vì vậy, khi lui về với thú điền viên, những bài ca, bài vè của ông Năm Lò Rèn càng thấm đẫm tình yêu quê hương, phê phán cái xấu, biểu dương những con người Bình Dương khai phá Bưng 57 nhưng vẫn không thôi thương nhớ về cố hương...
Bưng 57 giờ xum xuê cây trái bốn mùa, trù phú nhờ nông thôn mới. Để Bưng 57 khởi sắc như ngày nay là nhờ sự chịu thương chịu khó, sự nỗ lực, đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, làm giàu của người Bình Dương ở Xuân Quế. Đối với họ, Xuân Quế cũng là quê hương thứ hai nên hết lòng, hết sức phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới của huyện vào tháng 4-2017.
Đoàn Phú