Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cuộc chiến cam go

08:08, 02/08/2018

Để đối phó với cơ quan công an, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn trước đây rất nhiều. Thậm chí đối tượng còn trang bị vũ khí và sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng để tẩu thoát. Các chiến sĩ công an trực tiếp chiến đấu với tội phạm này cũng luôn đối diện với những nguy hiểm, rủi ro.

[links()]Để đối phó với cơ quan công an, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn trước đây rất nhiều. Thậm chí đối tượng còn trang bị vũ khí và sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng để tẩu thoát. Các chiến sĩ công an trực tiếp chiến đấu với tội phạm này cũng luôn đối diện với những nguy hiểm, rủi ro.

Công an huyện Trảng Bom lập biên bản vi phạm đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy ở một quán karaoke.
Công an huyện Trảng Bom lập biên bản vi phạm đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy ở một quán karaoke.

Thượng úy Trần Văn Biển (trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an huyện Nhơn Trạch) cho biết việc truy bắt tội phạm ma túy rất khó khăn, bởi đối tượng thường manh động, dùng hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu, thậm chí là kim tiêm có dính máu... tấn công lực lượng công an.

* Manh động, liều lĩnh

Gần đây nhất là rạng sáng 5-6, trên đường đi tuần tra, lực lượng Công an huyện Nhơn Trạch bắt giữ Trần Thanh Việt (31 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) vì hành vi tàng trữ trái phép ma túy. Trong lúc di lý Việt về trụ sở làm việc, lực lượng công an bị đồng bọn của Việt là Trần Bá Thịnh (23 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh) và Lương Kim Sơn (ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) dùng dao tấn công làm 2 chiến sĩ công an bị thương nhẹ, cả 3 cùng bỏ trốn. Sau đó các đối tượng lần lượt bị lực lượng công an bắt giữ.

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn, xã hội tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 4,4 ngàn đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ theo dõi được quản lý tại các cơ sở cai nghiện, nhà tạm giam, tạm giữ, tại cộng đồng; trong đó số đối tượng nghiện ở ngoài cộng đồng chiếm hơn 75%.

Đã từng tham gia cùng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy của TP.Biên Hòa và tỉnh bắt nhiều vụ mua bán ma túy, Thiếu úy Hoàng Văn Sơn, cảnh sát khu vực KP.9, phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, tội phạm ma túy thường là những đối tượng nghiện ngập, rất nhiều trong số đó đã nhiễm HIV nên mỗi khi bị công an phát hiện, truy bắt, các đối tượng thường bất chấp, chống đối quyết liệt. Trong khi đó, hoạt động của cảnh sát khu vực, trinh sát phòng chống tội phạm ma túy thường là độc lập, “du kích” nên việc khống chế bắt tội phạm ma túy luôn phải trực tiếp đối diện với nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Thậm chí tội phạm ma túy hiện nay còn trang bị cả súng, đạn. Đơn cử như đường dây tàng trữ, mua bán ma túy lớn do Lê Ngọc Tuấn (28 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) cầm đầu bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an tỉnh và TP.Biên Hòa triệt phá vào ngày 18-6, ngoài số lượng lớn ma túy lực lượng chức năng đã tịch thu được 5 khẩu súng ngắn, 200 viên đạn các loại.

* Khó bắt quả tang

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, hoạt động của tội phạm ma túy được phát hiện tập trung chủ yếu ở các địa bàn phức tạp như: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Đáng chú ý, giới trẻ sử dụng ma túy tại các quán bar, karaoke, nhà nghỉ... có chiều hướng gia tăng, tập trung ở địa bàn TP.Biên Hòa - nơi phát triển nhiều loại hình kinh doanh có điều kiện. Sự quản lý lỏng lẻo của các chủ cơ sở kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên ở những tụ điểm này quá dễ dàng.

Có một số vụ, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện hàng chục đến cả trăm đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp trong quán bar, quán karaoke. Cụ thể như, vào giữa tháng 1-2018, tại quán bar H5 (trên đường Võ Thị Sáu, KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện tại đây có 80 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trước đó 15 ngày, công an cũng tiến hành kiểm tra quán bar H5 và phát hiện hơn 130 đối tượng sử dụng ma túy.

Trong khi đó, việc bắt quả tang các đối tượng tàng trữ, mua bán ma túy cũng hết sức khó khăn, vất vả. Nhất là việc bắt quả tang mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trong các quán bar, karaoke phải mất nhiều thời gian theo dõi, nắm tình hình, khi đột nhập nếu không bí mật, khéo léo sẽ khiến các đối tượng đối phó bằng cách nhanh tay vứt ma túy xuống sàn nhà sẽ không có cơ sở để xử lý.

Để bắt được các vụ mua bán ma túy cũng rất gian nan, cần phải có quá trình điều tra, theo dõi từ khi các đối tượng liên hệ đến lúc hẹn địa điểm, giao ma túy, nhận tiền thì mới có thể bắt quả tang và xử lý được. Hiện nay, nhiều đối tượng tội phạm còn sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội, xe hạng sang... để làm phương tiện giao dịch. Việc giao dịch, mua bán ma túy thường chỉ diễn ra trong chớp nhoáng nên để bắt quả tang các vụ việc này gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu tá Phùng Danh Phúc, Đội phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Trảng Bom cho rằng thủ đoạn của tội phạm ma túy rất tinh vi. Các đối tượng thường có nhiều cách đối phó như: tiến hành giao ma túy tại một nơi, nhận tiền hàng một nơi, giao hàng ở những nơi vắng vẻ, trao đổi với nhau bằng điện thoại di động và nhanh chóng tẩu thoát, cũng như phi tang vật chứng vụ án khiến cho các vụ án điều tra trở nên khó khăn hơn.

* Nỗi lo tái nghiện

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh cho thấy, những năm gần đây cơ cấu người nghiện ma túy theo vùng miền cũng đã có những thay đổi đáng kể, không chỉ phát hiện ở thành phố, thị trấn mà lan ra cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Độ tuổi nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, đa số từ 28 tuổi đến dưới 30 tuổi. Theo phân tích của ngành công an, tội phạm ma túy cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi tội phạm khác.

Việc gia tăng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến công tác phòng ngừa, cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy tổng hợp gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói, một số bệnh nhân sau khi điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone ổn định có xu hướng chuyển sang dùng ma túy khác, đặc biệt là ma túy đá (methaphetamine).

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết hiện nay nguy cơ tái nghiện sau cai nghiện ma túy vẫn còn cao. Tỷ lệ người tái nghiện sau 1 năm cai chiếm từ 30-40%; tái nghiện sau 2 năm cai nghiện khoảng 60% và tái nghiện sau 3 năm cai nghiện trở đi chiếm từ 80-90%. Trước thực tế này, ông Hòa cho rằng việc quản lý người nghiện sau cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng cũng là một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến phòng chống tội phạm ma túy.

Tố Tâm

Bài 3: Giải pháp kéo giảm tội phạm ma túy

Tin xem nhiều